Phòng chống lao quá khó!

23/03/2012 09:02 GMT+7

Ở nước ta, khối y tế tư nhân còn hời hợt trong việc tầm soát, phát hiện, góp sức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là bệnh lao. Các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc lực lượng này không thể đứng ngoài cuộc.

Ở nước ta, khối y tế tư nhân còn hời hợt trong việc tầm soát, phát hiện, góp sức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là bệnh lao. Các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc lực lượng này không thể đứng ngoài cuộc.

Thông điệp này được đưa ra tại buổi mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới chống lao, do Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) tổ chức hôm 21-3.

Theo ThS-BS Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch kiêm Chủ nhiệm chương trình Chống lao TPHCM, đến năm 2011, Việt Nam nằm trong danh sách 22 nước mà bệnh lao là gánh nặng quốc gia và xếp thứ 14/27 quốc gia có lao đa kháng thuốc. Mỗi năm, nước ta có khoảng 180.000 bệnh nhân mắc mới và 29.000 ca tử vong do bệnh lao và bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV đang tăng. Số liệu cho thấy tốc độ giảm bệnh còn chậm với mức dưới 4%/năm.

Tuy nhiên, thực tế công tác phòng chống lao còn quá nhiều khó khăn, thách thức, như thiếu nhân lực (do thu nhập thấp, sợ nhiễm bệnh), cán bộ chưa qua đào tạo (tuyến huyện), thói quen chữa bệnh không cần thầy thuốc, thiếu kinh phí, sự ỷ lại của cộng đồng (cứ xem chống lao là của ngành y tế)... Tại TPHCM, hiện chỉ mới 38/68 bệnh viện công lập của TP và tuyến Trung ương tham gia chương trình phòng chống lao, y tế tư nhân thì chưa có cơ sở nào hưởng ứng.

Nhiều chuyên gia y tế khẳng định rằng để phát hiện, kiểm soát và ngăn chặn tốt bệnh lao trong cộng đồng thì điều cần thiết là phải thiết lập hệ thống, mở rộng mô hình phối hợp y tế giữa công lập với tư nhân. Bởi lẽ, khu vực y tế tư nhân thường là nơi tiếp xúc người bệnh đầu tiên, họ cung cấp 1/3 trong tổng số dịch vụ y tế cho cộng đồng. Lực lượng này đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược tầm soát, phòng chống bệnh lao cũng như HIV.

Ở nước ta, dự án tăng cường năng lực phát hiện các ca nhiễm lao/HIV trong khối y tế tư nhân đã được khởi động từ năm 2008 và bước đầu phát huy hiệu quả. Cụ thể, đã có hơn 500 cơ sở y tế tư nhân tham gia dự án. Trong đó, hơn 60% cơ sở y tế tư nhân đã chuyển 6.000 ca nghi nhiễm đến cơ sở y tế công lập để phát hiện, điều trị lao/HIV. Trong số này đã có 3.500 ca được chẩn đoán tại cơ sở y tế công lập và 26% của số này được xác định dương tính với lao.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng Thư ký Hội Hành nghề y tư nhân TPHCM, nhìn nhận với 13.000 cơ sở y tế tư nhân tại TP hiện nay (trong đó có 10.000 phòng mạch; 35 bệnh viện, 50 phòng khám đa khoa…) và 30%-40% người bệnh đến các cơ sở này khám mỗi ngày thì khả năng phát hiện số ca mắc lao của hệ thống y tế tư nhân sẽ là không nhỏ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.