Phòng, chống tham nhũng 'quét' cả khu vực tư nhân?

01/06/2018 05:09 GMT+7

Nhiều đại biểu cho rằng trong xu thế cổ phần hóa, hợp tác công - tư ngày càng sâu rộng thì luật Phòng, chống tham nhũng mở rộng đối tượng điều chỉnh sang khu vực tư nhân là cần thiết, song phải kèm những chế tài thực hiện để tránh chuyện doanh nghiệp tư bị nhũng nhiễu, làm phiền.

Đó là một trong những vấn đề được quan tâm nhất khi Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi vào chiều qua (31.5).
Quan chức có nên "uống rượu" với DN?
Dự thảo luật quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp (DN) trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.
Tán thành việc mở rộng này, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho hay thực tế công tác điều tra, phá án thời gian qua cho thấy các đối tượng tham nhũng - là những người có chức vụ trong bộ máy đều có lợi ích đan xen với khu vực tư nhân. “Đó là cái mà dư luận hay gọi nôm na là nhóm lợi ích hay là sân sau, sân trước. Đó là chỗ rất phức tạp. Cộng với xu thế phát triển của chúng ta là các hình thức đầu tư có hợp tác giữa khu vực công với khối tư nhân ngày càng nhiều, xu thế cổ phần hóa DN nhà nước nên mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khối tư nhân là điều nên làm”, đại biểu (ĐB) thuộc đoàn Hưng Yên nêu quan điểm. Dù vậy, theo ông Vương, chỉ nên mở rộng với những người có chức quyền vì đó là nguồn phát sinh nhiều tiêu cực.
Từ thực tiễn công tác kiểm toán, ĐB Hồ Đức Phớc (Nghệ An) cho biết, hiện thất thoát lớn nhất là ở khu vực công, các chương trình, dự án, lĩnh vực đất đai, thuế, tín dụng ngân hàng. “Song lĩnh vực công quan hệ rất mật thiết với lĩnh vực tư. Không ngăn chặn được khu vực tư thì không ngăn chặn được khu vực công tham nhũng. Luật sửa đổi phải làm thế nào để bịt được dòng thất thoát đó”, Tổng kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh. ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì chua chát kể lại lời chia sẻ của một vị bộ trưởng, rằng “nhiều quan chức có DN ngay trong nhà”, quan chức đi đâu là có DN tháp tùng tới đó. “Chúng ta xử lý mối quan hệ này thế nào? Quan chức có nên đi uống rượu với DN không?”, ông Sinh đặt câu hỏi.
Thận trọng khi mở rộng
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phân tích, thực tế nhiều vụ tham nhũng không diễn ra trong bộ máy công quyền mà đều có “trung gian” là các DN tư nhân, như tham gia các dự án đầu tư công, cổ phần hóa DN nhà nước. Ủng hộ việc mở rộng phạm vi, đối tượng áp điều chỉnh của luật, song ĐB Thanh băn khoăn là quá trình thực hiện, thanh kiểm tra ra sao thì dự luật chưa làm rõ. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lo ngại nếu không có quy trình trong tổ chức thực thi thì môi trường kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, DN sẽ bị quấy nhiễu. “Thủ tướng đã quy định 1 năm thanh tra DN không quá 1 lần, nhưng chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của khối tư nhân rằng họ phải tiếp đến 6 - 7 đoàn thanh tra”, ông Thanh nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, đây là một nội dung vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp tới các DN, đặc biệt là khối tư nhân. Theo Chủ tịch QH, luật dự thảo mở rộng đối tượng là điều cần thiết, song phạm vi tới đâu, điều chỉnh đối tượng như thế nào cần phải cân nhắc. Chủ tịch QH gợi mở, với các đối tượng DN có quan hệ làm ăn, liên quan tới dự án công, sử dụng vốn từ ngân sách; đặc biệt các dự án hàng nghìn tỉ đồng, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần... thì phải xem xét, cân nhắc nên chăng đưa vào đối tượng điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, hiện nay Đảng cho chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ đang tạo mọi điều kiện để môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các DN tư nhân phát triển, Thủ tướng ra quy định không thanh kiểm tra DN quá 1 lần trong 1 năm...; nếu lại thêm luật Phòng, chống tham nhũng nữa liệu họ có yên ổn để làm ăn?
Chủ tịch QH cho rằng, đã phòng, chống tham nhũng thì phải kiểm soát, song biện pháp như thế nào cho hợp lý chứ “không thể lấy danh nghĩa rồi nay đoàn này vào, mai đoàn kia đến để kiểm tra”. Hơn nữa, theo các cam kết tại Công ước về phòng chống tham nhũng của LHQ, quy định tùy mỗi quốc gia và điều kiện cụ thể nguyên tắc cơ bản của luật pháp nước đó sẽ có những biện pháp phù hợp để mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư.
Trao đổi thêm với Thanh Niên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết khu vực tư nhân hiện nay cũng có nhiều công cụ kiểm soát, ví dụ: chứng khoán có luật Chứng khoán rất chặt chẽ, các ngân hàng có luật Tổ chức tín dụng, luật Ngân hàng nhà nước; DN chịu điều chỉnh của luật DN, luật Đầu tư... “Cái gì cũng có hệ thống để kiểm soát, giờ có thêm luật nữa là phòng, chống tham nhũng bao trùm lên hết có nên không? Chúng ta cần bàn kỹ, mở rộng ra phạm vi như thế nào, đối tượng nào chứ không phải cứ ngoài nhà nước là vào kiểm tra. Thấy DN tư nhân be bé mới mở ra bảo tôi đi kiểm soát phòng chống tham nhũng thì ai mà làm ăn cho được”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.