Phòng khám 5 tôn giáo

22/12/2013 09:05 GMT+7

Từ ý tưởng của một linh mục, các lương y, tín đồ Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin lành, Công giáo cùng nhau góp sức lập nên phòng khám bệnh nhân đạo chẩn trị cho bệnh nhân nghèo.

Phòng khám 5 tôn giáo

Các bệnh nhân luôn được chăm sóc tận tình

Phòng khám 5 tôn giáo3

Bệnh nhân nghèo nhận cơm từ thiện từ phòng khám - Ảnh: Tiến Trình

Phòng khám 5 tôn giáo2

Ông Đặng Công Huẩn, Bí thư Huyện ủy Tân Hiệp, đánh giá: “Việc các tôn giáo đoàn kết để cùng thực hiện khám chữa bệnh cứu giúp người dân, đặc biệt là dân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn và duy trì, phát triển trong thời gian dài là việc làm rất đáng khen ngợi. Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể ở địa phương luôn tạo điều kiện tốt để hoạt động khám chữa bệnh tại Phòng khám nhân đạo Kinh 7 được diễn ra thuận lợi nhất”.

Phòng khám 5 tôn giáo4

Các y, bác sĩ tại phòng khám là những người tình nguyện phục vụ

Hơn 20 năm qua, đã có hàng trăm ngàn người được chữa trị ở nơi người dân hay gọi là “phòng khám 5 tôn giáo” này.

Không phân biệt nhà thờ - chùa chiền

Khá lâu rồi, linh mục Nguyễn Đức Thịnh (78 tuổi) không còn lên sân khấu biểu diễn ảo thuật để mang đến cho bệnh nhân những trận cười nghiêng ngả, quên đi bệnh tật. Hơn 20 năm qua, vị lương y - linh mục vui tính này chưa bao giờ vắng lâu đến thế. Nằm bệnh, trong căn phòng nhỏ nơi ít người lui tới cạnh phòng khám, thỉnh thoảng vị linh mục lại hỏi thăm những người qua lại phòng khám về các bệnh nhân, về bếp ăn có đủ gạo để bà con no bụng không. Hồi đầu tháng 12, vị linh mục mới tới cũng đã đăng “đơn xin gạo” để chuẩn bị cho mùa trở trời, dự kiến sẽ có đông bệnh nhân tới chữa trị. Ở đây, ngoài việc được lo thuốc men, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn còn được cho gạo, thậm chí cho tiền lộ phí. “Mình phải lo trước, không để những người bệnh tật lại thêm thiếu miếng ăn”, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, trông coi bếp cơm từ thiện tại phòng khám, bộc bạch.

Trở lại thời điểm cách nay hơn 20 năm, khi linh mục - lương y Nguyễn Đức Thịnh gặp gỡ những thầy thuốc trong vùng bàn về ý tưởng mở một nơi chẩn bệnh, bốc thuốc cho bệnh nhân nghèo. Những thầy thuốc tâm huyết như các ông Hai Hóa, Ba Tài, Sáu Dầu, Sáu Ngon, Hai Lượm... đều rất sẵn sàng với ý tưởng làm phước giúp đời, nhưng rào cản duy nhất là khác biệt tín ngưỡng, bởi trong các thầy thuốc, mỗi người đều theo tín ngưỡng khác nhau. Thật khó để những người theo Phật giáo, Cao Đài hay Hòa Hảo hành thiện với danh nghĩa Công giáo. Linh mục Thịnh bảo: “Chúng ta làm không phải để phân biệt nhà thờ này hay chùa chiền kia, mà mục tiêu cuối cùng là giúp đỡ người bệnh, bất kể tôn giáo, giàu nghèo”.

Thắp lên những tia hy vọng

 

Chúng ta làm không phải để phân biệt nhà thờ này hay chùa chiền kia, mà mục tiêu cuối cùng là giúp đỡ người bệnh, bất kể tôn giáo, giàu nghèo

Linh mục Nguyễn Đức Thịnh

Thế rồi một khu nhà lá 5 gian được dựng lên biệt lập phía sau nhà thờ giáo xứ Thánh Giuse Kinh 7 (H.Tân Hiệp, Kiên Giang). Hằng ngày, các lương y có uy tín trong vùng lui tới để xem bệnh, châm cứu, bốc thuốc cho người dân địa phương. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân tìm tới cơ sở chữa bệnh ngày càng đông. Năm 1991, cơ sở được Hội Chữ thập đỏ H.Tân Hiệp hỗ trợ nâng lên thành phòng khám nhân đạo với 70 giường. Nhưng phòng khám nhanh chóng quá tải, bởi mỗi ngày đều có hơn 200 lượt bệnh nhân đến điều trị.

Phần lớn bệnh nhân là những người đến điều trị sau tai biến, xương khớp, thần kinh, tim mạch... Nhiều bệnh nhân cố giữ được mạng sống thì kinh tế đã kiệt quệ nên tìm đến đây. Không ít người đã hết hy vọng cứu chữa ở những cơ sở y tế khác cũng được đưa đến để mong thắp lên những tia hy vọng mong manh. Cũng có người mắc phải bệnh tật lâu ngày nhưng không tiền thuốc thang, được các tổ chức từ thiện gửi gắm lại nơi này. Phòng khám không chỉ khám miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc ít người, mà còn cấp phát gạo nếu bệnh nhân và người nhà không có gạo ăn, cho tiền lộ phí nếu bệnh nhân không có tiền đi lại... Những người có điều kiện hơn thì được chữa trị với mức viện phí chỉ tương đương 10% so với viện phí bên ngoài và đây là nguồn thu chủ yếu để chăm lo lại cho người nghèo.

“Không thể bỏ nhau”

Khi bệnh nhân đến ngày càng đông, nhu cầu đội ngũ thầy thuốc càng nhiều. Bên cạnh các lương y có mặt những ngày đầu tiên khi phòng khám thành lập, đến nay đã có gần 40 y, bác sĩ tình nguyện đến phục vụ bệnh nhân. Nói tình nguyện là vì họ không nhận lương, mà chỉ hưởng mức hỗ trợ tiền cơm nước, đi lại.

Quệt mồ hôi trán sau buổi sáng khám cho hàng trăm bệnh nhân, bác sĩ Trịnh Duy Thắng với nụ cười thường trực trên môi, nói: “Ở đây, người ta cần những thầy thuốc như mình lắm”. Mười năm trước, khi có trong tay tấm bằng bác sĩ, nghe lời giới thiệu của một người quen, anh Thắng đã vác ba lô từ Hà Nội xuôi thẳng tới nơi này. Từ chối những lời mời hậu hĩnh để nhận “lương” trên dưới 1 triệu đồng mỗi tháng, có người nói anh “gàn”. Nhưng anh Thắng nói thời gian dài ở đây càng cho anh thấy chọn lựa của mình là đúng: “Mình theo đạo Công giáo. Kinh Thánh dạy nên làm điều tốt, giúp đời, giúp người. Nhiều anh em ở đây cũng đã bỏ tiền túi ra phục vụ người bệnh đấy thôi. Không thể nói không có những phòng khám nhân đạo thì người nghèo, người bệnh không biết phải đi đâu..., nhưng có một chỗ như thế này thì cuộc đời bớt đi một phần gánh nặng”. Thời gian phục vụ ở đây, Thắng nói anh đã gặp rất nhiều bệnh nhân khó khăn cùng cực, những người đã tắt hết hy vọng cũng đã được cứu chữa lành lặn... Không ít lần anh phải xuất những đồng thù lao ít ỏi của mình để tặng cho bệnh nhân.

Cũng vì “đạo nào cũng dạy người ta làm việc thiện giúp người” nên cụ Nguyễn Văn Đậm (80 tuổi), một tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo, từ An Giang sang trông coi bếp ăn từ thiện tại phòng khám đã hơn 8 năm nay và “sẽ làm việc này cho đến khi nào không còn sức lực để làm mới thôi”. Cụ Đậm cho hay tuy phòng khám ở vùng hẻo lánh của Kiên Giang, nhưng hằng ngày các tiểu thương ở An Giang cũng gom góp rau quả gửi sang để phục vụ. Ngoài ra, các tín đồ Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin lành... cũng hằng ngày có mặt cùng đội ngũ các y, bác sĩ - người phục vụ cơm nước, người tình nguyện chăm sóc bệnh nhân neo đơn.

Tình người là chất keo kết dính họ lại với nhau. Nói về điều này, linh mục Thịnh có cách lý giải của riêng mình: “Cùng sống chung cộng đồng, chúng tôi không thể bỏ nhau được”.

Trong tờ rơi mô tả hoạt động của Phòng khám nhân đạo Kinh 7, có đoạn: “Về tâm lý, phòng khám có xây dựng một sân khấu và trang bị dàn nhạc đầy đủ để trình diễn văn nghệ... giúp bệnh nhân thư giãn vui cười và quên đi những đau đớn, phiền muộn, góp phần chữa trị nhanh hơn. Linh mục Thịnh hay trình diễn trò ảo thuật quốc tế: Con trai biến thành con gái rất hấp dẫn làm cho bệnh nhân ngạc nhiên và thích thú. Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ là như thế đó”.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.