Phụ nữ Việt Nam dành trung bình 20,2 giờ/tuần để làm việc nhà

Thu Hằng
Thu Hằng
04/03/2021 16:52 GMT+7

Trong khi 1/5 nam giới không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà, thì trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam dành 20,2 giờ/tuần để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái…

Đây là thông tin đáng chú ý trong báo cáo nghiên cứu “Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - việc làm”, vừa được Tổ chức lao động thế giới (ILO) công bố hôm nay, 4.3.

Thời gian làm việc nhà của phụ nữ gấp gần 2 lần nam giới

Theo ILO, với tỷ lệ tham gia thị trường lao động cao đáng kể, phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng kéo dài dai dẳng trên thị trường lao động, và phải mang trên vai gánh nặng kép vừa đi làm vừa cáng đáng trách nhiệm gia đình nặng nề hơn nhiều so với nam giới.
Hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động, trong khi tỷ lệ này ở cấp độ toàn cầu là 47,2%, và tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 43,9%.
Theo báo cáo cáo, phân bổ trách nhiệm gia đình không đồng đều trong xã hội Việt Nam có thể là nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam. Số liệu điều tra lao động - việc làm năm 2018 cho thấy, gần 50% số phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế vì “lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình”, trong khi chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này.
Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay: “Trước đại dịch Covid-19, cả phụ nữ và nam giới đều tiếp cận việc làm khá dễ dàng, nhưng nhìn chung, chất lượng việc làm của phụ nữ thấp hơn của nam giới. Lao động nữ chiếm đa số trong những việc làm dễ bị tổn thương, đặc biệt là công việc gia đình. Thu nhập của họ thấp hơn của nam giới (tiền lương tháng thấp hơn 13,7% trong năm 2019) bất luận thời giờ làm việc là tương đương với nam giới, và chênh lệch giới về trình độ học vấn đã được thu hẹp đáng kể”.
Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ phụ nữ đảm nhận các vị trí ra quyết định còn quá thấp. Phụ nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động, nhưng chỉ đảm nhận chưa đến 1/4 vị trí lãnh đạo, quản lý chung.
“Bất bình đẳng đối với phụ nữ về chất lượng việc làm và phát triển nghề nghiệp cũng bắt nguồn từ trách nhiệm kép mà họ phải gánh vác. Phụ nữ phải dành thời gian làm việc nhà nhiều hơn gấp đôi so với nam giới”, bà Barcucci cho biết.
Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra rằng, phụ nữ dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái, trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Thậm chí, gần 1/5 nam giới không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà.

Đại dịch Covid tạo nên những bất bình đẳng mới

Theo ILO, đại dịch đã gây nên hệ quả là tổng số thời giờ làm việc sụt giảm đáng kể trong quý 2.2020 và mới chỉ được phục hồi trong nửa cuối năm. Phụ nữ là đối tượng phải chịu tổn thất về thời giờ làm việc nặng nề nhất.
Tổng số giờ làm hàng tuần của phụ nữ trong quý 2/2020 chỉ bằng 88,8% tổng số giờ làm của họ trong quý 4.2019, trong khi con số này ở nam giới là 91,2%.
Trong 3 tháng cuối năm 2020, phụ nữ đã làm việc nhiều hơn 0,8% số giờ so với cùng kỳ năm 2019, trong khi nam giới chỉ làm nhiều hơn 0,6%. Bà Barcucci nhận định: “Những phụ nữ làm việc nhiều giờ hơn bình thường trong nửa cuối năm 2020 có lẽ là để bù đắp cho các khoản thu nhập bị mất trong quý 2. Những giờ làm tăng thêm này khiến gánh nặng kép họ vốn phải gánh vác càng nặng nề hơn, do họ vẫn phải dành quá nhiều thời gian làm việc nhà so với nam giới”.
Đại dịch Covid-19 không chỉ làm gia tăng những bất bình đẳng vốn hiện hữu trong thị trường lao động Việt Nam mà còn tạo nên những bất bình đẳng mới. Trước đại dịch, hầu như không có sự chênh lệch trong tỷ lệ thất nghiệp giữa nam giới và phụ nữ nhưng tình trạng này đã xuất hiện từ quý 3.2020.
“Căn nguyên của bất bình đẳng trên thị trường lao động chính là những vai trò truyền thống mà phụ nữ được kỳ vọng phải đảm nhận, và những kỳ vọng này được củng cố bằng các chuẩn mực xã hội”, TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết.
Báo cáo nghiên cứu mới của ILO Việt Nam kêu gọi phụ nữ và nam giới thay đổi tư duy, nhằm thay đổi hành vi kinh tế của họ, hướng tới đạt được bình đẳng giới trên thị trường lao động.
“Mặc dù ở cấp độ chính sách, bộ luật Lao động 2019 đã mở ra những cơ hội để thu hẹp khoảng cách giới, chẳng hạn như thu hẹp khoảng cách trong độ tuổi nghỉ hưu, hay xóa bỏ việc hạn chế phụ nữ tham gia một số ngành nghề nhất định, Việt Nam vẫn còn một nhiệm vụ khó khăn hơn nữa cần phải hoàn thành, đó là việc thay đổi tư duy của nam giới và của cả chính phụ nữ Việt Nam để từ đó thay đổi hành vi của họ trên thị trường lao động”, ông Chang-Hee Lee nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.