Từ một công nhân cơ khí, anh Nguyễn Tiến Dũng (36 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) đã có bước ngoặt ngoạn mục trở thành nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp.
Anh Nguyễn Tiến Dũng dạy học viên làm tóc tại salon của mình - Ảnh: Nguyễn Như
|
Không có khách, vẫn ngồi đợi đến đêm
|
“Cha mẹ tôi phản đối nhiều lắm, bởi định kiến rằng nghề làm tóc là không sang”, anh Dũng nhớ lại.
Trong thời gian ấy, anh Dũng đang là công nhân lành nghề trong một công ty nước ngoài ở Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM), với thu nhập kha khá. Tuy nhiên, Dũng nhận thấy nếu cứ làm hoài như vậy, mỗi năm cố lắm anh cũng chỉ về thăm nhà được một lần. Hơn nữa, anh sẽ không có điều kiện để cống hiến hết khả năng cũng như tham gia những hoạt động xã hội.
Vậy là Dũng nghĩ đến chuyện đổi nghề vào năm 23 tuổi. Anh “khoanh vùng” những công việc xã hội đang cần và bản thân anh có thể làm được, như: thời trang, sửa chữa xe máy - rửa xe, sửa điện thoại di động, cắt tóc. Cuối cùng, anh quyết định chọn nghề cắt tóc, với các lý do phù hợp với hoàn cảnh của mình: học phí thấp; ít tốn tiền đầu tư cho dụng cụ học nghề; sắp xếp được thời gian để đi học.
Sau hơn 3 tháng học nghề, anh Dũng bắt đầu đi làm thợ cho người ta. Anh cũng tranh thủ học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 2 vì có hướng sau này đi dạy.
Năm 2004, anh Dũng đứng ra tự mở tiệm tại xã Phước Kiển (H.Nhà Bè). Tiệm có diện tích nhỏ hẹp, chỉ đặt vừa hai chiếc ghế. “Nếu có ba người khách trở lên thì phải ngồi ngoài đường. Trong 2 - 3 tháng đầu, có nhiều ngày chẳng có khách nào đến. Nhưng tôi vẫn ngồi đợi từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm, với ý nhắn gửi rằng: Xin chú ý nơi đây có tiệm tóc. Lúc nào bà con cô bác thấy thuận tiện mời ghé vô”, anh Dũng tâm tình.
Không nhất thiết phải vào đại học
Cách không xa tiệm cắt tóc ngày trước của anh Dũng là Salon studio Dũng T&D - Phù thủy tóc rất khang trang. Lúc chúng tôi đến, vợ chồng anh Dũng đang hướng dẫn làm tóc cho nhiều bạn trẻ. Anh Dũng cho biết hiện salon anh có 14 học viên (khoảng 50% trong số đó được dạy miễn phí). Học trò của anh chị đến từ nhiều tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đắk Lắk, Bình Thuận, Đà Nẵng…
Vào năm 2012, vợ chồng anh Dũng mua thêm một số máy làm tóc từ 20 triệu đồng vay của Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM. Năm 2014, anh chị vay tiếp 60 triệu đồng từ nguồn quỹ trên để đầu tư vào những loại áo cưới. “Chúng tôi dự định năm sau sẽ trả hết số nợ này, để dành suất vay cho những bạn khác”, anh Dũng bày tỏ.
Sau sự tiên phong chuyển nghề của anh Dũng, bà xã anh là chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (32 tuổi, vốn là công nhân cơ khí) cũng đã chuyển sang làm nghề tóc và gặt hái được một số thành công. Đặc biệt, cả hai người em trai của anh Dũng tốt nghiệp ĐH sư phạm đều ra mở tiệm làm tóc ngay tại quê nhà Thanh Hóa. Ngoài ra, còn có thêm 3 người thân bên gia đình chị Tâm cũng theo nghề này.
Trong những buổi tư vấn hướng nghiệp, anh Dũng cởi mở: “Thợ cơ khí vẫn làm tóc phà phà đó thôi, có sao đâu. Theo tôi, không chỉ nghề tóc mà nhiều ngành nghề khác đều có công thức chung để thành công. Đó là phải hết sức trau dồi tay nghề, luôn cố gắng làm thì nghề sẽ không phụ mình. Nghề này có sự cạnh tranh cao giữa các salon, nên khi ra mở tiệm, làm sao mình phải tạo cho khách hàng hài lòng từ lúc mới bước vào cho đến lúc bước ra”.
Anh chia sẻ thêm: “Tôi thường dạy học trò của mình rằng đừng nghĩ nghề này là thấp hèn. Một người thợ giỏi còn hơn một kỹ sư dở. Không nhất thiết phải vào ĐH bằng mọi giá, nhất là khi gia đình mình không dư dả tài chính. Lâu nay các phụ huynh luôn muốn con vào ĐH, để học xong làm ông này bà nọ. Họ không muốn con mình làm thợ. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ”. Ông chủ salon Phù thủy tóc nêu dẫn chứng: “Chúng tôi đăng tuyển kế toán buổi sáng thì buổi chiều đã tuyển được. Còn tuyển thợ làm tóc có khi cả tháng trời chưa tìm ra”.
Bình luận (0)