Sau hơn 2 ngày xét xử bổ sung vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), trưa 29.4, HĐXX quyết định dừng phiên tranh luận và bước sang phần nghị án.
|
Trước tòa, bị cáo Dương Chí Dũng thừa nhận bản thân đã cố ý làm trái quy định pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước và sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Đối với hành vi tham ô tài sản, bị cáo tiếp tục kêu oan, mong HĐXX xem xét và “xin cho bị cáo được sống”.
Các bị cáo Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều cũng tiếp tục kêu oan, đề nghị HĐXX xem xét lại về hành vi tham ô tài sản.
Trong khi đó, bị cáo Trần Hải Sơn cho biết sẽ nhờ gia đình khắc phục tối đa hậu quả gây ra.
Theo dự kiến, đến ngày 7.5, HĐXX tiếp tục làm việc.
Trước đó, đầu giờ sáng 29.4, HĐXX đã công bố tài liệu tương trợ tư pháp do Liên bang Nga cung cấp. Trong đó có các nội dung ụ nổi 83M đã được công ty sở hữu Nakhodka bán cho phía ông Goh, Giám đốc Công ty AP với giá 2,3 triệu USD. Sau đó, Vinalines thông qua AP mua ụ nổi với giá 9 triệu USD. Đã có 2 nhân chứng người Nga được thẩm vấn, trong đó có tổng giám đốc công ty bán ụ nổi, song họ cho rằng không biết về khoản tiền "lại quả" 1,66 triệu USD.
Theo luật sư Hoàng Huy Được, tài liệu tư pháp với nước ngoài theo quy định phải được dịch và chứng thực tại cơ quan lãnh sự ngoại giao. Trong khi đó, các tài liệu vừa được tòa công bố không đáp ứng được những điều kiện này nên không có tính hợp pháp.
Luật sư Trần Đình Triển đặt vấn đề tài liệu từ Nga được thực hiện từ tháng 11.2013, vì sao đến nay mới xuất hiện tại tòa. Cùng quan điểm này, luật sư Lê Minh Công cho rằng tài liệu được thu thập sau khi vụ án được xét xử sơ thẩm nên không rõ quy trình thu thập như nào, đề nghị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án.
Đại diện Viện KSND tối cao cho rằng các tài liệu đã được thu thập, công bố theo đúng tiến trình tố tụng và nội dung không ảnh hưởng nhiều đến cơ sở buộc tội các bị cáo trong vụ án. Theo vị này, nên xem đây chỉ là tài liệu có tính chất tham khảo.
Cũng theo đại diện cơ quan công tố, các bằng chứng tài liệu từ Singapore và Nga không ảnh hưởng đến các cơ sở buộc tội các bị cáo trong vụ án nên đề nghị HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm đối với các bị cáo như đã nêu trước đó.
Trả lời HĐXX sáng 29.4, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải cho biết đã tra soát nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tìm được bằng chứng giao dịch của Trần Hải Sơn tại Hà Nội và Hải Phòng năm 2008 để làm rõ việc Sơn khai rút tiền từ ngân hàng này đưa cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.
Theo đại diện ngân hàng, trong đêm qua 28.4 đã huy động các nhân viên giỏi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất để tra soát nhưng không thấy và đề nghị tòa cho thêm thời gian.
Trước đó, đại diện ngân hàng đã thực hiện yêu cầu tra soát các giao dịch của Trần Hải Sơn qua CMND thời điểm 2007-2012 nhưng không tìm thấy bằng chứng do phần mềm không tra soát được.
Thái Sơn
>> Phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng: Chưa tuyên án, tiếp tục tranh luận
>> Phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng: Viện Kiểm sát đề nghị y án tử hình
>> Dương Chí Dũng kêu oan về khoản 10 tỉ đồng 'lại quả
>> Hôm nay 22.4, xử phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng
>> Vụ án Vinalines: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc bị tuyên án tử hình
>> Ba luật sư bào chữa cho nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines
Bình luận (0)