Phượt 'đánh đu' mạng sống

06/12/2017 14:11 GMT+7

Những ngày gần đây, nhiều người đã lên tiếng phản đối vì những hành động mạo hiểm, coi thường mạng sống của một số bạn trẻ khi leo núi Đá Chồng.

Thời gian gần đây, núi Đá Chồng (TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đang gây sốt trong cộng đồng du lịch bụi với địa thế độc đáo có nhiều tảng đá nằm chồng lên nhau. Tuy nhiên, với số lượng người đến đây ngày càng đông, nhiều người đã lên tiếng phản đối vì những hành động mạo hiểm, coi thường mạng sống của một số bạn trẻ. 
Đánh đu trên miệng vực
Nằm ở độ cao trên 400 m so với mực nước biển, Núi Đá Chồng có hình dáng độc nhất vô nhị ở Việt Nam với hàng chục phiến đá xếp chồng lên nhau, cheo leo ở độ cao hàng trăm mét, nhô hẳn ra ngoài bìa rừng. Nơi đây vừa đẹp vừa hoang sơ, lại mang tính thử thách nên giới trẻ ưa mạo hiểm rất thích thú với điểm đến này.
Những người đến tham quan có thể đi bằng thuyền qua lòng hồ, dừng chân tại Khe Mừng sau đó đi bộ dưới tán rừng đến đỉnh núi Đá Chồng. Với những bạn trẻ ưa mạo hiểm và chinh phục độ cao thì đi thẳng theo chỉ dẫn của GPS, du khách sẽ vượt qua dãy đá Sư Tử đến đỉnh núi Chồng. Tuy nhiên, đường đi đến đây khá khó khăn vì nơi đây là đường rừng, lắt léo, rất khó đi, dễ bị lạc. 
Nhưng nguy hiểm nhất là khi leo lên các mỏm đá cheo leo. Các tảng đá lớn xếp chồng lên nhau, lại khá cao, gió mạnh nên trèo lên đến đỉnh rất nguy hiểm. Vì thế, những video clip, hình ảnh những bạn trẻ trèo lên đỉnh mõm đá này những ngày vừa qua bị rất nhiều người phản đối. Những bạn trẻ này kéo tay nhau trèo lên đỉnh. Nguy hiểm nhất là nhiều người cố tình đứng ra sát tận mép đá để chụp hình, cắm cờ. Thậm chí, có nhiều hình ảnh tạo dáng chụp ảnh hết sức nguy hiểm như tạo dáng chụp chổi bay, mang cả xe đạp lên mỏm đá. 
Anh Hoàng Linh (TP.HCM) cho biết: “Không dụng cụ bảo hiểm, bất chấp thời gian và thời tiết, không kỹ năng, leo núi bằng tay không, tất cả chỉ là sự… liều mạng. Các bạn có tuổi trẻ, sức khỏe, niềm đam mê nhưng có vẻ như các bạn quá coi thường mạng sống của mình cũng như trách nhiệm với gia đình xã hội”. 
Gay gắt hơn, anh N.Vũ, một nhà báo tại TP.HCM, đánh giá: “Các bạn có tuổi trẻ, có sự can đảm, có tinh thần xê dịch và có ý thức màu cờ sắc áo, tôi nghĩ, các bạn nên tìm một việc gì để không có lỗi với những gì đang có. Hơn là dành thời gian, tâm sức chỉ để chứng minh cho cái sự liều lĩnh, coi thường mạng sống, coi thường tuổi trẻ như thế này”.
Mạo hiểm không đồng nghĩa với phong trào hay đùa giỡn với mạng sống L.N
Đừng mạo hiểm theo phong trào
Trên các diễn đàn phượt, nhiều bạn trẻ bênh vực việc chinh phục mỏm đá này. Theo những người đã tham gia, mỏm đá này có 1 sợi dây để hỗ trợ những người muốn leo lên đỉnh. Chỉ cần có thể lực tốt và tâm lý vững là được. Tuy nhiên, những hành động có thể dẫn đến nguy hiểm như leo ra sát mép vực, bay chổi, chụp với xe đạp… thì không thể biện minh.
Cao Mạnh Tuấn, một người chuyên tổ chức và tham gia các chuyến du lịch bụi, cho biết việc leo ra sát mép vực, bay chổi là rất nguy hiểm. Nhưng cá nhân anh không có nhiều ý kiến về việc này. Mạo hiểm luôn là một phần của du lịch. Đối với người trẻ, mạo hiểm là một phần của quãng đời đó. Chỉ có điều, mạo hiểm không đồng nghĩa với phong trào hay đùa giỡn với mạng sống. Hy vọng các bạn trẻ có thể ý thức được điều này.
Trong một bài viết trên Báo Quảng Ninh, Phòng Thông tin - Văn hóa H.Hoành Bồ đặc biệt lưu ý khách du lịch cần có người bản địa dẫn đường và tuyệt đối không nên trèo lên đỉnh các mỏm đá, việc này rất nguy hiểm bởi với địa hình dốc và độ cheo leo và trơn trượt của các mỏm đá du khách có thể rớt xuống và nguy hiểm đến tính mạng bất kỳ lúc nào. Chính quyền địa phương cũng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm... Ngoài ra, các bạn trẻ phải đảm bảo an toàn cho bản thân như: lựa chọn phương tiện (thuyền đủ điều kiện được phép đi trên lòng hồ) trang bị đầy đủ phao cứu sinh và mặc áo phao; chủ động chuẩn bị đồ ăn, nước uống vì trên tuyến đi không có hàng quán. Khu rừng thông dưới chân núi rất dễ cháy, nguy hiểm đến tính mạng nên đặc biệt phải cẩn thận củi lửa, bảo vệ môi trường. 
Trong các bức hình trên mạng không rõ các bạn có giày chuyên dụng hay trước đó có tham gia các lớp rock climbing (leo núi đá không). Nếu tự tin với việc mình làm và hiểu cái giá thì cũng ổn thôi. Việc leo tự do không bảo hiểm cũng khá phổ biến ở nước ngoài nhưng mà đó là họ có nhiều kinh nghiệm. Tôi không hề phán xét các bạn nhưng mong các bạn trẻ tự cân nhắc. Một vài tấm ảnh trên facebook có đáng với tay chân bị gãy hay sinh mạng không?
(Hoàng Lê Giang, người Việt đầu tiên đặt chân đến Bắc cực, 8 lần chinh phục đỉnh Himalaya)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.