TNO

Phượt với… 0 đồng

21/12/2015 14:12 GMT+7

(Tin Nóng) Đừng ngồi nhà hỏi nơi ấy đẹp không, thú vị thế nào, hãy đến tận mắt nhìn và cảm nhận, dù trong túi chẳng có đồng nào. Đó là chia sẻ của ba “phượt thủ” nổi tiếng tại TP.HCM với các bạn trẻ mới đây.

(Tin Nóng) Đừng ngồi nhà hỏi nơi ấy đẹp không, thú vị thế nào, hãy đến tận mắt nhìn và cảm nhận, dù trong túi chẳng có đồng nào. Đó là chia sẻ của ba “phượt thủ” nổi tiếng tại TP.HCM với các bạn trẻ mới đây.

Phượt với… 0 đồng - ảnh 1
“Đi du lịch bụi trong nước, chỉ cần lên kế hoạch chu đáo, chuyện tiền bạc chỉ là chuyện nhỏ”, theo Đăng Khoa

Đi trở thành chất gây nghiện

Nhỏ thó, mong manh, đầy nữ tính, nhưng cô gái có tên Rosie Nguyễn (Nguyễn Hoàng Nguyên), tác giả cuốn “Ta ba lô trên đất Á” đã in dấu chân ở hơn 20 nước. Rosie Nguyễn chia sẻ: “Ông bà ta có câu “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Điều đó đã thôi thúc mình đi và đi, đi để thấy tâm hồn mình rộng mở, phóng khoáng, không bị bó vào chuyện lặt vặt, tủn mủn của đời sống, của những mối quan hệ. Hơn thế, với một người viết tự do, đi để có những cảm xúc dạt dào nhất trên trang viết gửi đến người đọc”.

Trượt đại học, sốc, xấu hổ, không dám nhìn mặt bạn bè, người thân, Ngô Trần Hải An, sinh năm 1981, vác ba lô lang thang. “Gặp những con người xa lạ ở những vùng đất lạ, nghe những câu chuyện đời của họ, lòng bỗng nhẹ tênh, những nỗi niềm của mình hóa nhỏ xíu. Kể từ đó, những chuyến đi cứ hút mình”, Hải An tâm sự.

Và cứ thế, ròng rã mười 13 năm qua, Hải An hết chinh phục miền đất này đến vùng trời khác để khi quay về với cuộc sống chộn rộn nơi phố thị lại thấy mình trưởng thành, tự tin, yêu đời, yêu người hơn.

Với Trần Đặng Đăng Khoa, người đi xuyên Đông Nam Á chỉ với 17 triệu đồng hay  chinh phục những cánh rừng, những cung đường khó chịu nhất Việt Nam thì “đi như chất gây nghiện, ở lâu một chỗ là thấy cúm chân. Đi để mắt thấy tai nghe, chiêm nghiệm mà lớn hơn trong cõi đất trời bao la này”, Khoa nói.
Phượt với… 0 đồng - ảnh 2
Rosie Nguyễn (Nguyễn Hoàng Nguyên) trên hành trình du lịch của mình

Có kế hoạch, khéo chèo chống

Nếu không có tiền, bạn sẽ làm gì để được đi du lịch? “Hãy tìm cách tạo ra tiền. Đó có thể là đàn hát ở những nơi công cộng; có thể bán tranh ảnh hay những sản phẩm của chính mình”, Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ kinh nghiệm.

Trong hành trình của mình, đã có lúc Đăng Khoa rỗng túi, lạc vào rừng sâu. “Những lúc như thế, bản năng sinh tồn đã giúp mình trở nên thông minh, linh hoạt, giỏi chèo chống để thoát khỏi những khó khăn. Và cơ bản hơn là con người ở đâu cũng tốt bụng; càng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, con người càng tốt bụng”.

“Nếu không có tiền, bạn hãy đi nhờ xe miễn phí, nên đón xe ở các cây xăng hay ở ngã tư có đèn tín hiệu. Đừng ngại xin ngủ nhờ, thậm chí xin một bữa ăn của một hộ dân nào đó. Người Việt Nam mình rất tốt bụng, họ sẵn sàng cho bạn ngủ nhờ, ăn miễn phí, thậm chí gói thêm cho bạn bữa ăn kế tiếp”, Ngô Trần Hải An nói.

Chu du nhiều ở nước ngoài, bí quyết của Rosie Nguyễn là lên các trang du lịch bụi nổi tiếng, nơi đây sẽ giới thiệu các địa chỉ homestay, cô liên lạc rồi đến đó qua đêm, ăn uống và được chủ nhà hướng dẫn du lịch tận tình. “Người nước ngoài cũng rất tốt bụng, tốt đến không ngờ, nhất là người Nhật. Mình chưa gặp những bất trắc nặng nề nào từ lòng người trong suốt hành trình. Điều đó càng khiến mình có thêm động lực để đi và đi xa hơn nữa”, Rosie Nguyễn kể.
Phượt với… 0 đồng - ảnh 3
Ngô Trần Hải An: Nếu không có tiền, bạn hãy đi nhờ xe miễn phí
Phượt với… 0 đồng - ảnh 4
"Phượt thủ" Trần Đặng Đăng Khoa: "Càng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, con người càng tốt bụng"

40 ngày nhưng chỉ xài 40 ngàn đồng là trải nghiệm đáng nhớ của Hải An trong chuyến du lịch bụi tại vùng Tây Bắc. Hải An nói: “Đồng bào Tây Bắc cực kỳ mến khách. Họ không biết bạn là ai, đến từ đâu; nhưng khi đã gặp thì họ sẵn sàng mời bạn vào nhà, nhường chỗ ngủ tốt nhất cho bạn, đãi bạn bữa ăn ngon nhất, kể cả hy sinh một con gà. Vì vậy, hãy cứ đi, đừng ngại”.

“Nếu du lịch bụi nước ngoài, bạn cần có tiền mua vé máy bay, mua vé các nơi tham quan. Nhưng đi du lịch bụi trong nước, bạn đừng ngần ngại, vấn đề là bạn có dám đi hay không. Nếu dám, bạn chỉ cần lên kế hoạch chu đáo, rõ ràng, an toàn, chuyện tiền bạc chỉ là chuyện nhỏ”, Đăng Khoa tư vấn.

Thanh Đông
(ảnh: nhân vật cung cấp)

>> Gái bản làm du lịch
>> Chênh vênh con đường núi nguy hiểm nhất thế giới
>> Bay 21 chuyến, du lịch qua 13 nước không tốn một xu
>> Hoang sơ quần đảo Nam Du
>> 10 lời khuyên khi du lịch với điện thoại thông minh
>> Đi phượt, thấy xe rơi vực liền ra tay cứu người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.