Pinkville và Oliver Stone, chuyện bây giờ mới biết...

08/09/2007 23:38 GMT+7

Vậy là đạo diễn Oliver Stone và nhà thiết kế bối cảnh Derek Hill đã rời Việt Nam sau chuyến đi có phần “bí mật”. Họ đã bay sang Bangkok, tiếp tục khảo sát địa điểm làm phim Pinkville.

Trong thời gian lưu lại Việt Nam, Oliver Stone đã đặt chân đến nhiều nơi: Đà Nẵng, Hội An, Chu Lai, Sơn Mỹ, Biên Hòa. Trong đó, ông đã dành trọn 24 tiếng đồng hồ từ chiều 5.9 đến chiều 6.9 để hít thở không khí thanh bình bên trong TP Quảng Ngãi, để tận mắt xem “cánh đồng chết” - theo cách nói của ông - tại Mỹ Lai/Sơn Mỹ. Nếu có, Oliver chỉ tiếc chưa thăm được An Khê và Đông Hà, hai địa danh mà hồi trai trẻ, chàng trung sĩ bộ binh “cứng đầu” William Oliver Stone từng bị thuyên chuyển đến. Đây không là lần đầu vị đạo diễn này đến Việt Nam mà đã là lần thứ 6 hoặc thứ 7.

Năm 1989, lần đầu tiên ông theo bà Le Ly Heyslip (bà Phùng Lệ  Lý) về Hòa Quý (Quảng Nam) thăm Việt Nam. Trước những cảnh đời phơi trần trên cát, ông đã khóc như đứa trẻ ngay trước mắt mọi người. Thế rồi, ông là người bảo trợ đầu tiên và duy nhất lúc đó xây nên trạm xá Tình Quê Mẹ tồn tại đến hôm nay. Trong chương trình đến Việt Nam vừa qua, đúng ra đầu chiều 6.9 ông ghé thăm Hòa Quý, nhưng do thời gian eo hẹp, lại phải “tạm lánh” vào Hội An tránh sự “săn lùng” của các nhà báo, chiếc 29U-8737 đã đưa ông đi thẳng Quảng Ngãi khi chiều xuống. Với ông đó là tình huống ngoài kịch bản, bởi trước đó ở khách sạn Park Hyatt Saigon (TP.HCM), hoàn toàn yên tĩnh, chẳng nhà báo nào “truy nã” ông.


Oliver Stone nguyện cầu trước tượng đài Sơn Mỹ - Ảnh: Hoàng Thuyên
Trên xe, ông có vẻ trách bà Le Ly Heyslip vì nghi bà thông báo cho báo chí ở Đà Nẵng nhưng tác giả Khi trời đất đảo lộn cũng không phải... tay vừa. Bà nói: “Nhà báo ở quê tui thông minh lắm. Báo Thanh Niên đưa tin về ông trước khi ông tới. Họ gọi hỏi tui trước chứ đâu phải tui!”. Thế rồi, sau một đêm yên bình bên sông Trà Khúc, ông dịu hẳn người. Sáng hôm sau ở Sơn Mỹ, Oliver Stone rất tươi tỉnh trước ống kính truyền hình, đặc biệt khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên ngay dưới chân tượng đài chứng tích vụ thảm sát mà ông cung kính chắp tay như một phật tử thuần thành. Mà ông có khác chi phật tử ở Việt Nam! Ông có pháp danh quy y Minh Đức tại chùa Quán Thế m ở California. Ông dùng pháp danh đăng ký phòng ở khách sạn Park Hyatt Saigon và Trung tâm Quảng Ngãi, nên chẳng nhà báo nào dò ra tên ông đạo diễn Hollywood đoạt mấy cái Oscar! Vậy mà, ở Đà Nẵng ông bị báo chí, truyền hình “wanted” thay vì “unwanted” như đã yêu cầu. Ông “nghi” bà Le Ly Heyslip cũng phải nhưng rồi tình thế cũng êm...

Chính bà Le Ly Heyslip đưa ông lên chùa bên Mỹ, được thầy Thích Giác Nhiên ban pháp danh Minh Đức, thể hiện sự thông minh xuất chúng và tấm lòng nhân hậu của ông. Chưa bao giờ thấy một người Mỹ khóc nên khi nghe bà kể lại chuyện Oliver Stone khóc hồi 1989 và mới đây ông Phạm Thành Công tả lại khóe mắt ông đạo diễn rưng rưng khi nghe chuyện thảm sát, lòng chúng tôi cũng bồi hồi. Anh Quốc Hùng, người xuất hiện trên mặt báo và truyền hình mấy hôm nay với vai trò “cận vệ” cho Oliver Stone khi vừa xuống sân bay Đà Nẵng - từng nhiều lần tháp tùng ông - nói với chúng tôi: “Tôi biết Oliver từ 1989. Ông ấy là con người nhân ái, hiền hòa”.

* “Chúng tôi có tình cảm rất sâu đậm về nơi này, và sắp tới đây tôi sẽ làm một bộ phim về Mỹ Lai. Đây là bộ phim điều tra về vụ thảm sát ở Sơn Mỹ, bởi chưa có nhiều người biết rõ câu chuyện xảy ra như thế nào, nhiệm vụ của tôi là khám phá, tìm ra điều đó. Có một số người Việt lẫn người Mỹ còn nhớ rất rõ về câu chuyện này, có cả người phụ nữ còn sống sót nữa, và tôi sẽ gặp trực tiếp, nói chuyện với họ để tìm ra sự thật của vụ thảm sát Sơn Mỹ. Dự định cuối năm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu bấm máy và sang năm sẽ hoàn thành bộ phim” - William Oliver Stone, đạo diễn.

* “Đạo diễn Oliver Stone rất mong muốn bộ phim sẽ được khởi quay trên nền bối cảnh miền Trung Việt Nam, mảnh đất đã chứng kiến vụ thảm sát Mỹ Lai 39 năm về trước” - John Kilik, nhà sản xuất phim Pinkvill.

* “Tôi nói 16 . 3 sang năm là kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát. Oliver sực nhớ: Allright! Yes! Yes! Tui nghĩ nếu mình có đối tác tốt, thủ tục nhẹ nhàng... ổng sẽ nỗ lực làm nhanh. Còn không, có khi họ qua Thái quay, rồi phải đợi tới tháng 6, trước bầu cử ở Mỹ phim mới phát hành” - Le Ly Heyslip, cố vấn kỹ thuật.

Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong sự dịu dàng là một tính cách mạnh mẽ, đầy quyết liệt. Phim của ông gai góc, chạm vào những vấn đề đương đại, nhạy cảm với hàng chục triệu người. Lần này, với Pinkvill-Mỹ Lai cũng vậy, ông muốn tự mình mở lại cuộc điều tra vụ thảm sát tưởng đã ngủ yên. Ai bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn lại họ bằng đại bác. Oliver Stone không bóng bẩy như Raxun Gamzatov mà ông nói thẳng: “Chúng tôi phải nhớ lại quá khứ ở Mỹ Lai, nếu không chúng tôi sẽ lặp lại sai lầm”. Với tinh thần công dân, ông không muốn nước Mỹ của ông lại phạm phải sai lầm tại Iraq như đã sai lầm trong cuộc chiến ở Việt Nam. Với tinh thần phản kháng bạo lực, ông muốn thông qua tác phẩm của mình kêu gọi sự khoan hòa, nhân ái trên phạm vi toàn cầu từ thông điệp Pinkvill-Mỹ Lai.

Theo những gì được biết, tuy ít ỏi, chúng tôi hiểu vị đạo diễn tài ba này đang trên hành trình tìm về phương Đông như khá nhiều triết gia phương Tây đã từng. Dưới cái nắng chói chang Sơn Mỹ, ông đã được chiếc nón lá Việt Nam che chở. Đôi mắt ông ngước nhìn trời xanh như nói bao điều. Cũng bầu trời ấy thôi, cách nay 39 năm gầm rú tiếng máy bay oanh tạc mà nay yên ả, thanh bình đến vô thỉ vô chung... Từng là một người lính bộ binh Sư đoàn 25 Mỹ, đóng quân ở Cần Giuộc, chắc hẳn Oliver từng nếm mùi lửa đạn chiến tranh và chán ghét nó. Điều đó góp phần giải thích vì sao ông kết thân với Le Ly Heyslip, người một thời từng là nữ “V.C” ở Quảng Nam. Và rồi ông đã tin cậy chọn bà góp ý cho kịch bản lần 1, lần 2. Lần này, đến Sơn Mỹ, Oliver Stone cầm theo 2 cuốn sách tiếng Anh viết về Mỹ Lai bà đã tặng. Đi đến đâu, ông gạch chân nhiều dòng tới đó và khi gặp được hai trong năm nhân chứng sống, được cầm tay, chuyện trò với họ, ông run lên khi biết mình đang từng lúc chạm vào sự thật dù rất đớn đau. “Kịch bản sẽ được chỉnh sửa lần cuối sau chuyến đi. Hành trình của nó đã kéo dài từ đầu thế kỷ. Ông Mikko Alanne đã âm thầm viết từ năm 2001.

Một hôm, ông Oliver mời tui tới, biểu thề 3 lần, rồi đưa ra kịch bản nhờ góp ý. Sau 2 lần chỉnh sửa, chuyến đi Việt Nam được chuẩn bị. Chuyến tháng 6 không thực hiện được vì một vài lý do. Chuyến ni, tui về nước trước, kết hợp làm hội thảo tủ sách lưu động và đi tiền trạm cho ổng. Mới đây, Oliver nói với tôi, bà thấy không, phim Pinkville toàn báo chí đưa tin, tôi đâu có nói gì. Bây giờ tại Việt Nam tôi mới nói”. Có thể do Oliver đã nói, bà Le Ly Heyslip cũng “phá cách”, tiết lộ đôi điều. Theo bà, trong kế hoạch có đến 3 nơi được chọn làm bối cảnh phim, Việt Nam là ưu tiên một nhưng Thái Lan và vùng bị bão Katrina ở Mỹ vẫn được tính đến và đang khảo sát. Vấn đề lúc này là, Việt Nam có sẵn lòng tạo mọi điều kiện để Oliver Stone thực hiện bộ phim có tính sử thi đương đại này không? “Nếu được, họ sẽ dựng lại một ngôi làng y đúc làng Thuận Yên, xóm Tư Cung hồi năm 1968 và tái hiện cuộc thảm sát. Dung lượng quay cảnh VN khoảng 40% phim. Sau đó, nơi nớ sẽ là điểm du lịch, tham quan cho khách trong ngoài nước”. Bà nhấn mạnh: “Đây là cơ hội lớn cho nước mình, cho ngành du lịch. Nếu để tuột mất, thiệt uổng!”. 

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.