Ai thắng, ai thua trong cuộc khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc?

05/10/2021 09:09 GMT+7

Giá năng lượng tăng đột biến trên toàn cầu và tình trạng thiếu điện của Trung Quốc đang tạo ra nhiều người thua hơn là người thắng trên thị trường chứng khoán châu Á.

Ít nhất 20 tỉnh và khu vực, chiếm hơn hai phần ba tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, đã thông báo về một số hình thức cắt điện. Nguyên nhân chủ yếu gồm hai yếu tố: giá than cao kỷ lục cùng với tình trạng thiếu nhiên liệu đã hạn chế việc sản xuất điện, trong khi đó một số khu vực chủ động tạm dừng điện để đáp ứng các mục tiêu về phát thải carbon và cường độ năng lượng.

Các nhà máy sản xuất trong nhiều lĩnh vực, từ đồ chơi đến linh kiện quan trọng cho Apple và Tesla đã rơi vào khó khăn. Tình trạng thiếu hụt điện năng diễn ra khi các chính phủ trên khắp thế giới cạnh tranh cung cấp năng lượng với lượng dự trữ thấp và nhu cầu tăng cao.

Apple, Tesla có thể nhức đầu khủng hoảng điện tại Trung Quốc

Nhìn chung các nhà sản xuất than và khí đốt tự nhiên ở khu vực châu Á sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn, còn các đối thủ năng lượng xanh sẽ được lợi trong thời gian dài hơn. Những lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng để tạo ra kim loại và hóa chất có thể bị thất thoát nặng nhất. Dưới đây là tình hình một số lĩnh vực cần xem xét do Bloomberg tổng hợp.

Khí đốt

Các công ty sản xuất và xuất khẩu khí đốt cho khu vực châu Á sẽ là người hưởng lợi rõ ràng từ việc giá tăng cao, trong khi đó những công ty nhập khẩu, tiêu thụ và phân phối sẽ phải đối mặt với thua lỗ.

Danh sách bên được lợi có khả năng bao gồm Woodside Petroleum của Úc, Petronas Gas Bhd của Malaysia, Inpex Corp của Nhật Bản, Oil and Natural Gas Corp và Reliance Industries của Ấn Độ. Ngược lại, các nhà phân phối khí đốt như China Gas Holdings, Hong Kong and China Gas và Kunlun Energy có thể phải chịu nhiều áp lực.

Ít nhất 20 tỉnh và khu vực của Trung Quốc đã thông báo về một số hình thức cắt điện

chụp màn hình

Tuy nhiên, theo ông Neil Beveridge, nhà phân tích năng lượng cấp cao tại Sanford C. Bernstein, khía cạnh “rủi ro là chúng ta sẽ thấy tỷ suất lợi nhuận đối với các nhà phân phối khí đốt bị siết chặt khi bước vào mùa đông”. Họ có thể không chấp nhận được mức giá tăng cao do Trung Quốc quy định.

Than và điện

Các công ty khai thác than có thể khai thác nhiều hơn trong bối cảnh giá hàng hóa tăng cao. Cổ phiếu cần theo dõi bao gồm Adaro Energy Tbk của Indonesia, Whitehaven Coal của Úc, Coal India của Ấn Độ, China Shenhua Energy Co, China Coal Energy và Shanxi Coking Coal Energy Group của Trung Quốc. Cổ phiếu của các nhà máy phát điện chạy bằng than như Huadian Power International Corp, Huaneng Power International và Datang International Power Generation Co cũng được chú ý đặc biệt.

Trong một lưu ý hôm 26.9, hai chuyên gia phân tích Pierre Lau và Lesley Li của Citigroup viết rằng, các nhà sản xuất nhiệt điện than độc lập ở Trung Quốc có khả năng sẽ báo cáo lỗ ròng trong quý 3/2021 do chi phí cao hơn. Các công ty này sẽ không thể cộng vào mức giá tăng thêm cho người tiêu dùng. Cổ phiếu của các nhà sản xuất và sử dụng điện cũng đã giảm, ngay cả khi những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết chính phủ Trung Quốc đang xem xét tăng giá điện cho các hộ tiêu dùng công nghiệp.

Người sử dụng điện

Giá điện tăng cao đe dọa đến cổ phiếu của những bên sử dụng nhiều điện năng, bao gồm Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (Aluminum Corporation of China), công ty Gang thép Baoshan, công ty Thép Angang, công ty Kỹ thuật Hóa chất Quốc gia Trung Quốc và Zhejiang Longsheng Group.

Theo các nhà phân tích, việc cắt điện ở Trung Quốc hạn chế sản lượng công nghiệp, và điều này dẫn đến nhu cầu vận chuyển thấp hơn, ảnh hưởng đến cổ phiếu của cả bên vận chuyển như Cosco Shipping Holdings.

Chuỗi cung ứng toàn cầu

Một số nhà cung cấp cho iPhone và nhà sản xuất ô tô đã phải tạm dừng sản xuất tại một số cơ sở ở Trung Quốc để đáp ứng chính sách tiêu thụ năng lượng chặt chẽ hơn của chính quyền Bắc Kinh. Hiện cổ phiếu của nhà cung cấp cho Apple là ASE Technology Holding và nhà cung cấp Tesla như Eve Energy và Ningbo Joyson Electronic Corp nằm trong số cần đề phòng rủi ro.

Nhóm phân tích của Bank of America Corp trong một ghi chú hôm 27.9 viết rằng, giá nguyên liệu đầu nguồn sẽ có khả năng tăng, gây áp lực không nhỏ về chi phí cho các nhà sản xuất linh kiện.

Cổ phiếu năng lượng xanh

Các công ty sản xuất điện thông qua nguồn tái tạo như gió và nước đã khắc phục điểm yếu được nhìn thấy từ những công ty cùng ngành sử dụng nhiên liệu than. Cổ phiếu của China Longyuan Power Group Corp đạt kỷ lục hôm 28.9, sau khi tăng 21% trong năm phiên giao dịch. Các cổ phiếu khác được chú ý bao gồm Huaneng Lancang River Hylass, Fujian Mindong Electric Power và Cecep Wind-Power Corp.

Tờ Economic Daily trong một bài bình luận trên trang nhất hôm 28.9 viết rằng, cách cuối cùng để giải quyết tình trạng thắt chặt nguồn cung cấp điện là thông qua chuyển đổi sang mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn. “Về lâu dài, những sự kiện năng lượng như thế này sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho gió và năng lượng mặt trời, đồng thời thúc đẩy năng lượng sạch tham gia vào lưới điện”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.