Chất lượng tố tụng rất đáng quan tâm: Còn tâm lý né tránh hậu quả oan sai

15/06/2020 07:09 GMT+7

Oan sai trong án hình sự tồn tại chủ yếu theo hai dạng: oan sai trong xác định sai sự thật khách quan; do những người tiến hành tố tụng đánh giá sai tính chất của hành vi bị truy cứu và áp dụng pháp luật sai.

Oan sai trong xác định sai sự thật khách quan, đó là trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự không thực hiện hành vi bị truy cứu nhưng lại bị những người tiến hành tố tụng quy kết là đã thực hiện hành vi đó.
Ở dạng oan sai này, điển hình như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, rất thu hút sự quan tâm của dư luận và báo chí. Tuy nhiên, thực tế dạng oan sai này thường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các vụ oan sai trong án hình sự (đã được phát hiện cũng như chưa được phát hiện).

Tâm sự cay đắng của “chủ mưu” vụ giết người được giải án oan sau 40 năm - Video tư liệu

Ở dạng oan sai thứ hai, người bị truy cứu có thực hiện hành vi như bị cáo buộc, tuy nhiên hành vi đó không cấu thành tội phạm hoặc cơ quan tiến hành tố tụng định tội sai hoặc áp dụng pháp luật sai. Dạng oan sai này đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật ở một mức độ nhất định mới có thể nhận ra. Đáng tiếc, theo chúng tôi dạng thứ hai lại đang phổ biến, nhưng chỉ có một số rất ít vụ được cơ quan tiến hành tố tụng thừa nhận.
Trong hai sự kiện cụ thể được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian gần đây cho thấy còn quan điểm đánh giá rất khác nhau trong chính các cơ quan tiến hành tố tụng về cùng một vấn đề.
Thứ nhất là giữa Viện KSND tối cao và Hội đồng thẩm phán TAND tối cao khi đánh giá tính hợp pháp của kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Viện KSND tối cao: Viện khẳng định kháng nghị là hợp pháp, trong khi tòa kết luận kháng nghị là trái pháp luật.
Thứ hai liên quan đến vụ án của nạn nhân tự tử tại sân TAND tỉnh Bình Phước sau khi nghe tuyên án phúc thẩm: cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khẳng định quá trình xét xử vụ án là khách quan, thận trọng, công tâm và đúng pháp luật; trong khi Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM lại thấy có nhiều căn cứ, sai sót trong tố tụng nên kháng nghị đề nghị hủy cả án sơ thẩm và án phúc thẩm để điều tra lại, và kháng nghị này được Ủy ban TAND cấp cao tại TP.HCM chấp thuận toàn bộ.

Xôn xao vụ nhảy lầu ở tòa án Bình Phước sau status “thức tỉnh nền tư pháp”

Ở hai ví dụ vừa nêu, người dân không thể biết cơ quan nào đúng, nhưng họ biết chắc chắn rằng đã có một cơ quan sai ở một vấn đề cụ thể. Và dù cơ quan nào đúng hay sai, thì qua đó nhiều người dân sẽ hồ nghi khi một cơ quan tiến hành tố tụng khẳng định họ đã giải quyết vụ án một cách khách quan, công tâm và đúng pháp luật.
Có một thực tế là đối với những người tiến hành tố tụng, dù họ cố ý hay do hạn chế về trình độ chuyên môn thì đều có chung một tâm lý là không dễ tự nhận mình sai, tâm lý né tránh hậu quả oan sai đến cùng. Bởi thế, hy vọng được giải oan, nhất là dạng oan sai thứ hai nói trên ngày càng trở nên mong manh khi mà không dễ tìm thấy được sự sẵn sàng “đối đầu về chuyên môn” của các cơ quan tiến hành tố tụng trong một địa phương, không có một cơ chế hữu hiệu để kiểm tra, giám sát chất lượng công tác áp dụng pháp luật...
Oan sai, dù bất cứ lý do gì, nếu không được giải oan mà tích tụ dần sẽ tạo thành những "quả bom" phá hủy niềm tin vào pháp luật, niềm tin vào công lý của người dân. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế phòng tránh, phát hiện, xử lý oan sai trong giải quyết án hình sự cần sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, cần sự đóng góp tích cực của các luật sư, chuyên gia pháp lý và của mọi người dân có lương tri.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.