Protein trong hải quỳ có thể chữa bệnh điếc

05/08/2016 13:38 GMT+7

Các tế bào lông ở tai trong có vai trò then chốt cho khả năng nghe ở động vật có vú. Khi chúng bị hư hại, khả năng thính giác sẽ suy giảm. Tuy nhiên, một protein trong hải quỳ có thể khôi phục các tế bào này.

Hải quỳ có khả năng tự phục hồi cơ thể khi bị tổn thương Ảnh chụp màn hình Irish Examiner
Khi sinh ra, con người có khoảng 50.000 tế bào lông ở tai trong. Chúng có chức năng chuyển các rung động âm thanh thành tín hiệu thần kinh truyền đến não bộ. Khi bị tác động bởi tiếng ồn lớn, tuổi tác hay bệnh tật, các tế bào này bị hư hỏng.
Trong thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học tại Đại học Louisiana (Mỹ) phát hiện một loại protein có trong hải quỳ có thể giúp phục hồi nhanh chóng tế bào lông, theo Irish Examiner.
Trong tự nhiên, hải quỳ là sinh vật biển có thể tự mọc lại các mô bị mất. Thậm chí, chúng có thể tự phục hồi dù cơ thể bị rách một nửa. Các tế bào lông nhạy cảm bao quanh xúc tu giúp hải quỳ phát hiện con mồi bằng cách cảm nhận rụng động trong nước biển.
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Glen Watson đã chiết xuất một loại protein có trong chất nhầy bao phủ quanh hải quỳ. Chất nhầy này được cho là chìa khóa cho khả năng tái sinh của chúng.
Sau đó, họ làm hỏng tế bào lông ở tai trong của chuột. Khi được tiếp xúc với protein chiết xuất từ hải quỳ, các tế bào lông bị hư hại bắt đầu hồi phục.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Experimental Biology. Các nhà khoa học kỳ vọng những phát hiện đột phá sẽ mang lại phương pháp chữa trị hiệu quả cho những người bị mất thính giác nghiêm trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.