Qatar Airways - nạn nhân lớn nhất giữa khủng hoảng ngoại giao Ả Rập

07/06/2017 14:57 GMT+7

Hãng bay nổi tiếng Vùng Vịnh sẽ là cái tên chịu thiệt hại nhiều nhất giữa căng thẳng ngoại giao của các nước Ả Rập.

Theo Bloomberg, hai thập niên qua, Qatar Airways đi từ một hãng bay khu vực trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới, với các chuyến bay nối hơn 150 điểm đến toàn cầu. Hãng sở hữu một số loại máy bay mới nhất và có nhiều kế hoạch tham vọng về liên doanh ở nước ngoài, song giờ đây, căng thẳng ngoại giao Qatar và các nước láng giềng Trung Đông đang đe dọa những tham vọng trên.
Hôm 5.6, Ả Rập Xê Út, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, tạm ngừng các chuyến bay và liên kết hàng hải với nước này. Việc này khiến Qatar Airways bị buộc phải dừng hơn 50 chuyến bay mỗi ngày, tương đương 10% tổng số chuyến hãng phục vụ, theo hãng OAG.
Qatar Airways có 14 lượt bay đến Dubai (UAE) mỗi ngày, thường có nhiều chuyến đến Riyadh (Ả Rập Xê Út) và Cairo (Ai Cập) và hơn một chục điểm đến khác tại các nước vừa cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. Ước tính của Frost & Sullivan cho biết nếu lệnh cấm tiếp diễn, doanh thu Qatar Airways có thể giảm 30% vì số chuyến bay, nhu cầu giải trí của hàng khách trên máy bay giảm và số máy bay nhàn rỗi, chi phí chuyển hướng chuyến bay tăng.
Kế hoạch cấm máy bay Qatar tiến vào không phận của các nước nằm trong vòng khủng hoảng, đặc biệt là không phận của Ả Rập Xê Út, có thể là vấn đề khó khăn hơn, làm tăng chi phí thông qua việc chuyển hướng bay và hạ tính khả thi của một số tuyến bay. “Chuyển hướng đi khác ngoài không phận bị cấm đồng nghĩa với chi phí nhiên liệu cao hơn và thời gian bay dài hơn. Các điểm đến ở châu Phi và Ấn Độ Dương có thể không còn”, chuyên gia Mark Martin, người đứng đầu hãng tư vấn hàng không Martin Consulting tại Dubai cho hay.
Lệnh cấm của Ả Rập Xê Út được đưa ra hôm 5.6, hạn chế về không phận có hiệu lực từ ngày 6.6. Ai Cập và Bahrain cho biết các hãng bay Qatar sẽ bị cấm trong khi UAE cho hay họ vẫn mở không phận. Hiện Qatar Airways chưa bình luận gì về vụ việc.
Nhiều hãng hàng không khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng, dù không đáng kể như Qatar Airways. Emirates của Dubai, FlyDubai và Etihad Airways của Abu Dhabi cùng Air Arabia ở Sharjah ngừng các chuyến bay tới Doha, thủ đô Qatar từ ngày 6.6. Saudi Arabian Airlines, Egyptair và Gulf Air cũng ngừng dịch vụ đến đây. OAG cho hay các hãng hàng không trên sẽ dừng khoảng 20 chuyến bay khởi hành hằng ngày.
Etihad và Emirates, hai công ty vừa đưa siêu tàu bay Airbus A380 vào phục vụ một số dịch vụ ở Doha, có thể có doanh thu giảm đến 15% nếu lệnh cấm tiếp tục. Đối tác của Qatar Airways như British Airways và American Airlines cũng có thể bị ảnh hưởng.
Như nhiều hãng bay Vùng Vịnh khác, lợi nhuận của Qatar Airways đã giảm vì giá dầu thô hạ đè nặng tăng trưởng kinh tế khu vực, làm giảm nhu cầu đi lại của các sếp ngành dầu khí. Lệnh cấm laptop trên cabin của Mỹ vì lo ngại khủng bố cũng đang tác động đến nhu cầu hành khách bay hạng thương gia.
Hơn 10% số ghế ngồi trên các chuyến bay đến và đi khỏi Qatar của Qatar Airways phụ thuộc vào bốn nước đang áp đặt lệnh cấm, theo chuyên gia Diogenis Papiomytis của hãng Frost & Sullivan. Sự gián đoạn chính trị là cú sốc với nhiều kế hoạch của hãng hàng không Vùng Vịnh vì họ đang muốn tăng cường quan hệ với các hãng bay nước ngoài. Qatar Airways sở hữu 20% cổ phần tập đoàn IAG, công ty mẹ của British Airways, và 10% cổ phần LatAm Airlines Group, hãng bay lớn nhất Nam Mỹ. Qatar Airways còn bày tỏ sự quan tâm đến cổ phần của Royal Air Maroc (Maroc) và Meridiana (Ý).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.