“Quả bom” mùa Giáng sinh

11/12/2010 20:58 GMT+7

Chưa đầy 2 tuần lễ nữa là vào mùa Giáng sinh. Đây cũng là thời điểm các cư dân gửi cho nhau những lời chúc tốt lành hay những tấm thiệp điện tử mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận bạn sẽ nhận được "quả đắng" do virus.

Từ ngày 7 và 8.12, hàng chục nghìn cư dân mạng VN đã nhận được những thư điện tử có tiêu đề "Quà tặng Giáng sinh". Khi người nhận click chuột vào e-mail sẽ hiện ra thông điệp: "Chúc mừng Giáng sinh, Giáng sinh vui vẻ nhé, gửi tới món quà Giáng sinh nho nhỏ", kèm theo đó là đường link dẫn tới một website có nội dung yêu cầu người sử dụng đăng nhập bằng tài khoản Yahoo! Mail hoặc Gmail để xem món quà. Nếu thực hiện theo yêu cầu này, người sử dụng sẽ nhận được một thiệp điện tử nhưng đổi lại tài khoản thư điện tử của họ sẽ bị hacker nắm giữ.

Thông tin này ngay sau đó đã được Trung tâm an ninh mạng BKIS phát hiện và phát đi lời cảnh báo. Tiếp đó, trên nhiều diễn đàn hoặc qua các hệ thống chat, cư dân mạng liên tục gửi cho nhau những lời cảnh báo về loại virus này nhưng vẫn không ít người tiếp tục dính bẫy.

Trên một diễn đàn chuyên về chăm sóc em bé, nicknamke Mẹ Búp than thở: "Sáng vừa mở mail công ty thì nhận được thư gửi chúc mừng Giáng sinh, lúc nó đòi tên tài khoản và mật mã mình cũng đã nghi nghi, nhưng địa chỉ người gửi lại là sếp trưởng phòng nên mình mới tin tưởng, ai dè… huhu".

Tại diễn đàn của một trường đại học, người quản trị cũng đưa ra thông báo khá bi thương: "Chào cả nhà, mùa Giáng sinh đang đến và đây cũng là mùa mà virus máy tính dễ lây lan nhất. Hôm qua, 9.12.2010, BQT diễn đàn đã bị virus xâm nhập qua hộp thư và đánh mất mật khẩu (cũng may là BQT đã khắc phục được vấn đề này). Nay thông tin với cả nhà cùng biết và đề phòng loại virus: Quà tặng Giáng sinh".

Theo thống kê của BKAV, chỉ trong vòng 3 ngày, từ ngày 7 đến 9.12 đã có trên 3.000 trường hợp bị lừa bởi loại mail này.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Bộ phận an ninh mạng BKIS vào dịp cuối năm, các ngày lễ luôn là thời điểm thuận lợi để hacker tấn công người sử dụng internet, vì thế các cư dân mạng cần cảnh giác. "Những dịp như thế này bạn sẽ nhận được rất nhiều thông tin nên thường có tâm lý lơ là. Hơn nữa, hacker sau khi chiếm đoạt được tài khoản sẽ tiếp tục dùng những tài khoản này để gửi thư cho bạn bè của nạn nhân và thực hiện nhiều hành vi phá hoại khác".

Cũng theo ông Đức, biến thể virus "Quà tặng Giáng sinh" mới ở mức độ trung bình và chỉ có thể lừa được một số người chưa có kinh nghiệm sử dụng internet, trên thực tế đã và đang xuất hiện nhiều loại virus tinh vi phức tạp hơn rất nhiều. Trong đó, kẻ xấu có thể cài đặt các loại virus tạo ra giao diện giống hệt với các giao diện trang web được nhiều người quen sử dụng như: gmail, yahoo… và các tên miền khác, nếu thiếu quan sát bạn sẽ bị lừa mất tài khoản. Bên cạnh đó, kẻ xấu còn lợi dụng cài đặt virus khai thác lỗ hổng trong trình duyệt. Chỉ cần bạn click vào đường link thì trong tích tắc virus đã xâm nhập vào máy tính và tự chạy để tìm kiếm tài khoản và mật mã rồi gửi về.

Đa số các địa chỉ hòm thư điện tử thường là miễn phí nên người sử dụng không nhớ được câu hỏi bí mật hoặc địa chỉ e-mail thứ 2 để khôi phục lại tài khoản khi đã bị hack. Mặt khác, nhiều người thường có tư tưởng chủ quan, mất e-mail này thì lập ra cái khác, điều này hết sức nguy hiểm bởi khi chiếm đoạt được mật khẩu, hacker khống chế tài khoản, xóa thư, đánh cắp các dữ liệu quan trọng trên máy tính cũng như trong hòm thư. Sẽ rất tai hại nếu kẻ xấu sử dụng tài khoản của những người làm kinh doanh đi lừa đối tác của họ.

Để bảo vệ máy tính trước những đợt tấn công này, ông Đức khuyến cáo người sử dụng phải hết sức cẩn thận, cần đọc kỹ nội dung của các e-mail xem có đúng là dành cho mình hay không, nếu thấy nghi ngờ thì tuyệt đối không nên mở các đường link hay file đính kèm. Cảnh giác với những thư từ người quen biết nhưng không được báo trước. Thường xuyên sử dụng phần mềm chống virus...

"Những vụ lừa đảo hay tấn công của hacker rất nhiều nhưng không phải ai cũng dính, điều này phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân. Nếu thấy những đường link lạ khi tiếp nhận qua mail, qua chat với bạn bè chúng ta cần phải hỏi lại. Khi đã có được những phản xạ như vậy chúng ta sẽ ngăn chặn được rất nhiều nguy cơ", ông Đức nói. 

Thái Uyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.