Quá khó để mở bán mang về

14/09/2021 06:43 GMT+7

Từ cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ đến các nhà hàng lớn đều cho biết họ “bó tay toàn tập” với những quy định để được quay trở lại kinh doanh theo mô hình bán mang về .

Quy định “đánh đố” người bán lẫn người mua

Ngày 13.9, chị Nguyễn Thanh Vân (Q.8, TP.HCM) cho hay con gái chị năm nay vào lớp 7, đang rục rịch học online thì máy tính để bàn tại nhà cũ quá không vào mạng được. Chị tìm mua gấp để con học nhưng các cửa hàng bán máy vi tính tại Q.8 chưa mở bán. Liên lạc qua điện thoại một vài cửa hàng, một số trả lời là không có giấy đi đường để đi bán hàng, một số lại cho biết không ra khỏi “vùng đỏ” được để đến kho lấy hàng. “Trong khi ở Q.3 có nhiều nơi bán, hỏi giao hàng, họ lại báo shipper chỉ giao trong quận. Hỏi được người quen bên Q.5, họ bảo cho mượn máy để con học tạm mấy tháng, nhưng không đi lấy về được, họ cũng không chở sang cho mình được khi đã cầu cứu shipper công nghệ. Cho phép mở bán thiết bị tin học, văn phòng phẩm mùa tựu trường mà không cho giao liên quận thì cũng như không”, chị Thanh Vân chia sẻ.

Quán bún Sài Gòn hiếm hoi mở bán online: Vài tiếng đã hết sạch hàng

Kiến nghị của các DN ngành dịch vụ ăn uống cũng đề cập đến việc cho tạm ngừng đóng BHXH ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch. Miễn giảm 100% nghĩa vụ phải nộp bảo hiểm xã hội của DN và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động; miễn thuế VAT trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022 - 2023, giảm 50% thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm kế tiếp. Được chấp nhận tất cả các chi phí phát sinh trong đại dịch mà DN phải chịu: xét nghiệm, chi phí chống dịch và 3 tại chỗ...
Tương tự, cơ sở chuyên phân phối các sản phẩm thịt heo gà T.B (Q.12) cho biết Phòng Văn hóa và thông tin Q.12 có triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Công văn 2994 ngày 7.9 của UBND TP.HCM. Theo đó, UBND Q.12 cho phép các cửa hàng thực phẩm, điểm kinh doanh, ăn uống… được phép hoạt động từ 6 - 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán mang đi. Tuy nhiên, các cơ sở mở bán phải đảm bảo 4 điều kiện: 3 tại chỗ, kinh doanh theo hình thức đặt hàng trực tuyến và người giao hàng là shipper công nghệ đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19, người lao động tại cơ sở đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi và xét nghiệm định kỳ 2 ngày/lần. Văn bản triển khai của quận này cũng nhấn mạnh yếu tố “UBND phường tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động của cơ sở theo mục 2 (3 tại chỗ)…”.
Đại diện cơ sở này phân tích: “Quy định “3 tại chỗ” với doanh nghiệp (DN) đang tính bỏ nay lại áp cho hộ kinh doanh thì không ổn lắm. Mặt bằng cửa hàng chưa tới 4 m2, chật chội và chủ yếu bỏ tủ cấp đông. Nếu bố trí 2 nhân viên phải ngủ nghỉ “3 tại chỗ” thì thế nào? Chúng tôi tiếp tục đóng cửa, không thể duy trì mở bán được theo quy định “mở mà không mở” thế này”.
Với lĩnh vực nhà hàng ăn uống, ông Lê Hoài Nam, Giám đốc vận hành Công ty cổ phần QSR Managemnet (chủ sở hữu các thương hiệu The Pizza Company, Dairy Queen, Chang Thái...), nói thẳng ngay nhà hàng lớn nếu áp “3 tại chỗ” cũng “bó tay toàn tập”. Ông Nam nói: “Nhà hàng không có khu vực tắm rửa và nghỉ ngơi cho nhân viên, rất nóng và ngột ngạt khi đóng cửa vào cuối ngày, do đó không đảm bảo sức khỏe và không phù hợp để làm nơi ở cho nhân viên. Trong khi đó, thời gian bán hàng là từ 6 - 18 giờ chiều là quá ngắn, không thể thực hiện kịp các đơn hàng phục vụ giờ ăn tối của người dân. Bên cạnh đó, quy định nhân viên phải được xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 hai ngày/lần, với mức phí DN tự chi trả cho xét nghiệm nhanh sẽ khiến tăng chi phí hoạt động. Trong khi đó, đa số nhân viên nhà hàng đã trở về tỉnh và chưa được tiêm vắc xin nên khó quay lại TP.HCM để làm việc”.
Ông Tiến, chủ một nhà hàng ở Q.Tân Bình, bổ sung Công văn 2994 của TP đưa ra các quy định cho mở cửa nhưng “kiểu như đánh đố người thực thi”. Thực tế rất khó thực hiện khi nguyên vật liệu chế biến đắt đỏ, khó vận chuyển, cộng thêm các quy định “3 tại chỗ”, xét nghiệm, chỉ giao hàng qua shipper công nghệ… khiến giá thành càng đội lên cao. “Nếu mở lại nhà hàng lúc này, chỉ có lỗ chứ đừng nói hòa vốn. Chỉ mấy hộ gia đình bán bún, bán phở “dấm dúi” bán tại nhà là có thể thực hiện được, nhưng vi phạm quy định”, ông Tiến nhận xét.

TP.HCM: 152.894 ca Covid-19 hồi phục, hơn 90% dân số trên 18 tuổi tiêm vắc xin

Giảm chi phí cho khách

Ngày 12.9, trong đơn tập thể gửi đến lãnh đạo TP.HCM, các DN trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, mô hình chuỗi cửa hàng và nhà hàng, cho biết dù TP đã cho mở cửa trở lại nhưng họ không thể thực hiện được. Đại diện Công ty Cổng Vàng (chủ các thương hiệu Kichikichi, Sumo, Hutong...) kiến nghị UBND TP.HCM và các cơ quan ban ngành có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và các DN bán lẻ và dịch vụ bằng các giải pháp cụ thể như ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ. Những người được tiêm ít nhất 1 mũi có thể trở lại làm việc tại văn phòng và tại cơ sở kinh doanh ăn uống, bán lẻ. DN chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho nhân viên, đảm bảo tuân thủ 5K nghiêm ngặt.
Đặc biệt, vị này nhấn mạnh nên cho phép nhân sự giao hàng riêng của DN bán lẻ và dịch vụ được đi giao hàng, không nên chỉ giới hạn giao hàng công nghệ, bởi nhân viên giao hàng của các nhà hàng còn được huấn luyện nghiệp vụ và tuân thủ chống dịch khá nghiêm ngặt. “Phụ thuộc vào giao hàng công nghệ, người mua không mặn mà vì phí ship nay cao quá, họ không thèm đặt hàng nữa. Nhân viên giao hàng của các chuỗi thức ăn nhanh rất chuyên nghiệp, nhà hàng giao miễn phí, giúp giảm chi phí cho khách hàng cũng là cách kích cầu lúc này”.
Tương tự, với lĩnh vực thiết bị tin học, anh Phương, chủ cửa hàng máy tính trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), cho hay để nhân viên của cửa hàng giao, lắp ráp hoặc hướng dẫn lắp ráp chứ shipper sao làm được việc đó?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.