TP.Phan Thiết (Bình Thuận) hiện chưa có trường tiểu học bán trú đạt chuẩn quốc gia. Có trường, lớp học cũng đồng thời là phòng ăn, phòng ngủ của học sinh (chỉ đạt 2m2/em).
Lớp học “3 trong 1” tại Trường tiểu học Tuyên Quang, TP.Phan Thiết - Ảnh: Quế Hà |
Trao đổi vớiThanh Niên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Phan Thiết Thân Trọng Lê Hà, cho biết hiện nay nhu cầu gửi con vào trường bán trú tăng cao. Các cháu vào trường bán trú ngoài việc có thời gian để học, tránh được áp lực; còn được quan tâm, chăm sóc về dinh dưỡng, sức khỏe.
Tuy nhiên tất cả các trường tiểu học bán trú trên địa bàn hiện đang quá tải. “Trường tiểu học bán trú của Phan Thiết hiện nay chỉ mang tính phục vụ, chứ không phải là dịch vụ”, ông Hà nói. Bên cạnh khó khăn về ngân sách, TP.Phan Thiết cũng thiếu quỹ đất để xây dựng trường bán trú. Theo ông Hà, hiện chỉ mới duy nhất Trường tiểu học Bắc Phan Thiết là có nhà ăn riêng dành cho học sinh bán trú nhưng cũng quá tải. Các trường còn lại đều không có nhà ăn riêng. Thậm chí có trường còn không có sân chơi cho trẻ.
20 năm không thay đổi
Cô Nguyễn Thị Mỹ Chi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tuyên Quang-trường bán trú đầu tiên tại TP.Phan Thiết, cho biết: “Đã 20 năm rồi nhưng cơ sở vật chất của trường không có gì thay đổi. Trường có 880 học sinh nhưng diện tích đất chỉ là 1.886 m2 (khoảng 2 m2/học sinh), trong khi đó tiêu chuẩn một trường tiểu học bình thường phải đạt 6m2/học sinh. Do thiếu đất xây trường nên phòng học của các em đều “3 trong 1”. Tức là một phòng học dùng cho cả việc học, nhà ăn và kiêm luôn phòng ngủ trưa cho các cháu. Đã vậy, việc thiếu sân chơi và sinh hoạt ngoài trời khiến việc học thể dục của lớp này ảnh hưởng đến việc học lớp kia”.
Hiện các trường bán trú ở Phan Thiết không có trường nào có đầy đủ các phòng chức năng. Thậm chí Trường tiểu học Tuyên Quang còn tận dụng cả hành lang lớp học làm phòng thư viện, phòng chức năng. Bếp ăn của nhà trường cũng thuộc diện “dã chiến”. Các bảo mẫu, cấp dưỡng không có chỗ ngồi nghỉ trưa. Trường tiểu học bán trú đã 20 năm như Tuyên Quang nhưng đến nay vẫn chưa có nổi phòng hội họp cho giáo viên. Cô L., giáo viên của một trường tiểu học bán trú của Phan Thiết so sánh: “trường bán trú thực ra là nơi giữ trẻ cho phụ huynh đi làm vì cơ sở vật chất quá thiếu thốn”.
Trưởng phòng Thân Trọng Lê Hà, cho biết hiện UBND TP.Phan Thiết đang có kế hoạch xây thêm trường tiểu học tại P.Xuân An và một địa điểm khác. Khi đó, áp lực từ các trường bán trú sẽ giảm đi theo hướng tạo điều kiện tốt hơn cho người dân gửi con em vào học.
Không phải dễ kiếm chỗ cho con học bán trú
Đầu năm học 2015-2016, chị Trần Thị P., một cán bộ công chức của tỉnh Bình Thuận phải chạy ngược chạy xuôi mới xin được cho đứa con đầu lòng vào lớp 1 tại một trường tiểu học bán trú. “Chồng tôi đi làm xa, không có ai đưa đón cháu đi học. Khi được vào bán trú thì buổi trưa không phải lo đi đón con. Tuy nhiên xin vào lớp 1 bán trú sao mà khó khăn quá”, chị P. chia sẻ. Khó khăn của chị P. ở chỗ, chồng chị không phải cán bộ công chức, trong khi đó đối tượng ưu tiên xét tuyển cho con vào học bán trú quy định cả 2 vợ chồng đều phải là công chức. Cùng quan điểm với chị P., nhiều phụ huynh ở Phan Thiết ví von việc xin con vào lớp 1 bán trú chẳng khác gì lo cho con vào đại học. Báo Thanh Niên cũng từng nhiều lần phản ánh cảnh phụ huynh ở Phan Thiết xếp hàng từ 4 giờ sáng để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1. Có nơi phải “rút thăm” trúng em nào thì em đó được vào học. Nhiều phụ huynh đã khiếu nại khi con mình ở ngay sát trường tiểu học bán trú nhưng vẫn không được vào học.
|
Bình luận (0)