Quái kiệt mô tô cổ Sài thành - Bài 1: Sở hữu chiếc mô tô 001 của VNDCCH

20/02/2007 23:51 GMT+7

Nhắc đến tên ông, không chỉ giới chơi mô tô ở TP.HCM mà cả ở Hà Nội đều biết. Những người có tuổi biết đến ông như một tay chạy Harley, BMW, một tay "săn" xe cổ siêu hạng; còn giới trẻ nghe tên ông là phục lăn về tài chạy xe và kiến thức về xe mô tô... Ông là Tạ Văn Bản, còn gọi Bản "mô tô"...

6 năm đeo bám

Khoảng giữa năm 1990, trong một lần đến thăm ông Bảy Bự - một tiền bối chơi xe Harley ở Sài Gòn mà ông Bản rất kính phục - trong câu chuyện về xe, ông Bảy Bự có nhắc: "Ở Hà Nội có chiếc BMW số tay, trước năm 1954 tao từng thấy có người chạy vào Sài Gòn rồi lại đi ra". Thông tin vỏn vẹn chỉ có vậy nhưng cũng đủ kích thích ông Bản một mình một xe máy ngày hôm sau lên đường ra ngay Hà Nội để tìm chiếc BMW. Đến Hà Nội, ông lân la dò hỏi ở các tiệm sửa xe lớn và qua các mối quan hệ bằng hữu chơi xe, đúng 3 ngày sau, đầu mối chiếc xe BMW không chỉ lộ diện mà kèm đó là cả một "hồ sơ" khá đầy đủ về chiếc xe.

Đó là chiếc BMW R2, dung tích xi-lanh 200cm3 (loại xe có phân khối nhỏ nhất của BMW), sản xuất năm 1931-1932, số tay, thắng gót (nhấn gót về phía sau chứ không nhấn mũi bàn chân về phía trước) và... mô-bin dầu (vỏ mô-bin bằng thủy tinh trong suốt, có thể nhìn thấy lõi đồng bên trong và khi hoạt động phải dùng một loại dầu cách điện). Đây là một trong những dòng xe mô tô đầu tiên của BMW, vì thế nó còn mang dáng dấp của một chiếc xe... đạp, khung sườn xe là những thanh sắt liền lạc, không có mối hàn; không xi-nhan; không có phuộc nhún trước và sau như xe hiện nay, mà phía trước có 9 thanh nhíp (dạng nhíp ô tô) nằm ngang, phía sau có 2 lò xo đệm yên như... yên xe đạp.

Năm 1937, chiếc xe được hãng BMW bán cho một người Pháp và khi qua Việt Nam làm đại sứ, ông này đã mang chiếc xe theo. Sau Cách mạng Tháng 8, chiếc xe trở thành sở hữu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và người đầu tiên mua nó đem đăng ký, sử dụng là ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, một cán bộ Ty Thủy lợi Nam - Hà, sống tại Hàng Đậu, Hà Nội. Chiếc xe được lưu hành với biển số BMT 001 (lúc đó chỉ có 2 loại biển: BMT (biển mô tô) dành cho xe máy và BÔT (dành cho ô tô) đăng ký và lưu hành trên toàn quốc).

Trong "giấy chứng nhận sở hữu xe chạy bằng máy" do Ty Công an Nam - Hà cấp cho ông Quỳnh còn ghi: Số biển kiểm soát cũ: của Ngụy quyền IJ269. Chiếc xe sau đó lần lượt qua tay các ông Nguyễn Mạnh Hùng (Hàng Đậu, Hà Nội), ông Đức (phố Huế, Hà Nội) và ông Khuê ở cầu Tó (Thanh Trì, Hà Nội) - toàn là những tay chơi mô tô có hạng đất Hà thành. Chính ông Khuê, trong quá trình sở hữu chiếc xe đã gửi một bức tâm thư tới hãng BMW với 2 đề nghị: được tài trợ để đi một chuyến xuyên lục địa từ Việt Nam qua trụ sở BMW tại Đức bằng chính chiếc BMW R2 và xin sao lục hồ sơ gốc chiếc BMW này. Nhưng rồi chỉ có yêu cầu thứ 2 được đáp ứng, hãng BMW đã gửi một bản "Hồ sơ lưu trữ origin" cho ông Khuê. Vì vậy, những người sở hữu chiếc BMW R2 sau này mới có hồ sơ đầy đủ về chiếc xe quý hiếm này.

Bằng trực giác của người chơi xe, ông Bản hiểu đây là một "điệp vụ bất khả thi" vì chủ sở hữu chiếc BMW cũng là tay mê xe cỡ "nhất xe nhì... vợ". Nhưng phàm đã là dân mê xe, đã thấy thì phải... có, càng khó ham muốn sở hữu càng cao. Một đêm mất ngủ, sớm hôm sau ông Bản quyết định xuất hiện tại nhà ông Khuê với một con BMW R50 (500cm3) hoành tráng khiến ông Khuê phải "lác mắt". Thấy xe đẹp, ông Khuê mời khách vào hỏi chuyện về xe. Lúc này, ông Bản mới nhẹ nhàng: "Tôi nghe anh có con xe còn cổ hơn của tôi nên ghé qua xin... mãn nhãn". Gặp bạn chơi, ông Khuê tung chăn phủ xe cho khách xem. Hai bên hàn huyên đủ thứ chuyện, nhưng tuyệt nhiên không có một từ... "mua - bán". Cho đến trước khi chia tay, ông Bản mới dạm: "Em biết anh rất quý chiếc này, nhưng nếu sau này anh chị có ý định nhượng lại thì xin anh nhớ đến em. Anh chị cần bao nhiêu tiền em xin đưa".

Sau lần "chào sân", lần nào ra Bắc ông Bản cũng đến nhà ông Khuê để hàn huyên chuyện xe. Mỗi năm vài lần và ròng rã suốt 6 năm trời, đến độ hai người kết thân như anh em, ra Bắc ông ăn ở tại nhà ông Khuê, nói chuyện xe và biết được cả các "đối thủ" đang nhòm ngó mục tiêu của mình. Phía ông Khuê, mổ gà đãi bạn là thường nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện bán xe. Vào đúng thời điểm tưởng chừng như vô vọng thì ông Bản nhận được thư từ Hà Nội của ông Khuê, hỏi: "Chú còn ý định muốn chiếc BMW của tôi không?". Được lời như bắt được vàng, ông Bản một mặt hỏi giá, một mặt điện cho Dũng "Đa-ni" - người em kết nghĩa - lo tiền bạc, rồi ngay hôm sau lên đường ra Hà Nội. Chiếc xe được chuyển sở hữu qua ông Bản với cái giá suýt soát 10 lượng vàng năm 1996, vào thời điểm đó, những chiếc BMW R50, R60 chỉ 3-4 lượng vàng...

Nỗi buồn châu rời phố...

Sau này, ông Bản mới biết lúc đó nhà ông Khuê có chuyện, cần tiền lo cho con cái nên bất đắc dĩ lắm mới phải bán chiếc BMW R2 này đi. Khi quyết định bán, chính cái tình và sự đam mê của ông Bản đã khiến ông Khuê tin tưởng giao lại báu vật của mình. Bởi trong suốt 6 năm, có không biết bao nhiêu người trong nước có, ngoài nước có, đến từ Ba Lan, Tiệp Khắc, Thụy Điển... đến hỏi mua nhưng ông Khuê đều từ chối. Nghe nói ông chủ khách sạn Hilton Hà Nội cũng đến xem và ngỏ ý mua nhưng ông Khuê không bán. Khi tiễn ông Bản mang chiếc xe ra ga tàu gửi vào Nam, mắt ông Khuê rơm rớm như phải chia ly một người thân mà biết sẽ khó có ngày tái ngộ.

Mang chiếc xe vào Sài Gòn, ông Bản bảo hầu như chẳng phải chỉnh sửa gì, mà nói đúng hơn là không dám chỉnh sửa gì vì hầu hết đồ còn origin và "vẫn chạy tốt". Ông lau chùi xe sạch sẽ, bóng loáng để hàng ngày ngồi ngắm và thi thoảng mang ra phố chạy một vòng cho đỡ ghiền. Ông cũng mang xe đi đăng ký theo đúng thủ tục, ra biển số xe mới, nhưng mỗi khi dạo phố lại tháo biển số mới ra, gắn biển BMT 001 vào vì "nó là một phần không thể tách rời của chiếc mô tô". Nghe ông sở hữu chiếc xe độc nhất vô nhị, nhiều tay chơi xe cổ ở Sài thành tìm đến chiêm ngưỡng và đánh tiếng, để rồi thất vọng ra về khi chủ nhân của nó "thề" không bán.

Nhưng chuyện đời chả nói trước được gì. Vài năm sau, ông Bản phải chia tay với chiếc BMW R2. Người sở hữu chiếc xe bây giờ là ông Lê Hùng Dũng. Để có được chiếc xe, ông Dũng tiết lộ đã đổi 1 chiếc BMW R5 (sản xuất 1954), một chiếc Chrysler (sản xuất 1956), bù thêm 5.000 USD tiền mặt. Ông Dũng kể, khi mang xe về ông phải mất thêm 2 năm nhờ một số người Đức "săn" cả tá phụ tùng loại xe này về để thay thế. Bây giờ, chiếc xe được hoàn chỉnh với 99,9% đồ origin sản xuất từ những năm 1931-1932, nhưng ông Dũng chỉ để ngắm và "giữ lại làm di sản". Nghe đồn, đây là chiếc mô tô cổ nhất Việt Nam và một đại gia chơi xe cổ khác, trong tay đang sở hữu hơn chục chiếc Volkswagen cổ, chết mê chết mệt chiếc BMW R2 đã đánh tiếng sẵn sàng mua với giá... "trên trời". Nhưng hình như chiếc xe đã trở thành vô giá...

Ông Lê Hùng Dũng và chiếc BMW hiện nay

Minh Đức - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.