Quái kiệt mô tô cổ Sài thành - Bài 2: Lên rừng săn xe cổ

21/02/2007 23:40 GMT+7

>> Bài 1: Sở hữu chiếc mô tô 001 của VNDCCH Để có được chiếc xe mô tô biển đăng ký đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Bản mất 6 năm đeo đuổi và hơn chục lần ra Bắc vào Nam. Nhưng đó chỉ là một trong số hàng chục chiếc xe cổ mà ông đã cất công sưu tầm trên khắp mọi miền đất nước. Và mỗi chiếc xe là cả một kỳ công...


Chất chiếc BMW R25/3 ở Yên Bái lên công nông chở ra ga tàu về Hà Nội

Quán cà phê vỉa hè Hàn Thuyên (TP.HCM) một ngày hè năm 1990, trong câu chuyện của những người chơi xe mô tô phong thanh thông tin hồi mới giải phóng, có một anh bộ đội người Bắc mang một chiếc BMW về Yên Bái sống. Bằng đó thông tin cũng đủ để ông Bản lại rong xe lên đường.

Từ Sài Gòn ra đến Yên Bái bằng mô tô mất đúng 3 ngày, ông tranh thủ đi liên tục như sợ có ai đó đến "chớp" mất chiếc xe. Đến nơi, ông lân la ở các quán sửa xe lớn để hỏi thăm thông tin về những chiếc xe máy lớn. Rất nhiều thông tin cho ông, nhưng khi tìm đến thì chỉ là những chiếc Java, Uran... chứ không phải "báu vật" ông đang tìm. Mất thêm 2 ngày nữa, "báu vật" vẫn biệt vô âm tín. Không nản chí, ông tiếp tục đi khắp hang cùng ngõ hẻm hỏi thăm. Rồi vận may cũng đến, một chủ tiệm sửa xe ở ngoại vi thị xã Yên Bái kể đã từng nhìn thấy có một chiếc xe rất lạ, không chạy bằng xích như xe thường mà chạy bằng trục. Hỏi "máy thế nào", anh thợ trẻ bặm môi một hồi rồi chắc chắn: "Máy nằm ở giữa, nhưng mấy năm nay không thấy chạy nữa". Nghe thế, trong bụng ông sướng run lên, hỏi cặn kẽ đường đi nước bước chủ nhân "chiếc xe lạ". Xong, ông lấy trong túi ra hơn chục ngàn dúi vào tay anh thợ rồi lên xe lao vút đi, bỏ mặc anh thợ sửa xe gọi với theo: "Này, tiền của ông này, ông không sửa xe mà...".

Nhà chủ xe ở lưng chừng sườn núi, còn chiếc xe để ở một góc nhà sàn, chất đầy trên đó là từng túm ngô nguyên bắp đã phơi khô. Đó là chiếc BMW R25/3 (250 phân khối), theo chủ của nó là một người lính từng tham gia giải phóng Sài Gòn phiêu bạt đến đây. Nhưng hình như nó đã nằm đó lâu lắm rồi, bánh xẹp lép, bụi bám từng lớp dày, máy thì hỏng không thể nổ... "nói chung là tàn phế trong con mắt của người bình thường" - ông Bản nhớ lại. Còn với ông, đó vẫn là báu vật vì vẫn có thể phục hồi, nhất là yên xe còn zin, mà chỉ riêng lớp cao su của chiếc yên này đã trên 100 USD. Xem qua con xe một lượt, ông quyết định trả giá 2,5 chỉ vàng. Chủ nhà mừng rơn vì "đống sắt vụn chẳng để làm gì" bỗng chốc trở thành "của đống tiền" nên gật đầu cái rụp.

Chủ đồng ý rồi, đến lượt khách lo. Chiếc xe nặng hơn một tạ rưỡi, không thể nổ máy cũng chẳng thể lăn bánh để dắt xuống núi. Nghe khách than vãn, chủ nhà vừa được đống tiền sung sướng chạy đi gọi mấy thanh niên trong bản tới, chỉ vào chiếc xe, bảo: "Mang cái này xuống núi, chiều về tao đãi rượu". Vậy là xe được cột lại, 6 thanh niên dùng hai đòn tre dài luồn ngang và khiêng xuống núi như khiêng... heo. Xuống chân núi, những thanh niên dân tộc thiểu số nhất định không lấy tiền ông Bản đưa vì "tối nay lũ tao có rượu để uống rồi". Họ còn nhiệt tình đi gọi giùm ông một chiếc công nông để thuê chở xe ra ga tàu đóng thùng về Hà Nội, vào Nam.


Vui cùng trẻ em người thiểu số trên đường "săn" xe cổ
Câu chuyện ông lên Đắk Lắk "thỉnh" một con BMW cũng đầy kỷ niệm. Chiếc xe thuộc sở hữu của một người dân tộc thiểu số ở buôn Hồ, nhưng đã từ rất lâu rồi ông này không còn sử dụng được. Hai bánh xe được tháo ra để trưng dụng một mục đích khác rồi "biến mất" lúc nào chủ nhân của nó cũng không hay. Xe không chạy thì máy cũng chả để làm gì, thế là máy được chủ tháo ra trưng dụng làm máy tuốt lúa. Chiếc máy tuốt lúa sau đó lại được bán cho một người ở bản khác. Đến khi ông Bản tìm đến buôn Hồ, chiếc BMW chỉ còn bộ khung nằm chỏng trơ ở góc nhà sàn. Ông hỏi mua bộ khung, gia chủ bảo "thích thì cứ lấy, tao không lấy tiền". Hỏi đến máy xe, ông này bảo "không có, đem bán rồi". Ngồi "hầu" rượu với gia chủ cả buổi, hỏi han, lần mò mãi, cuối cùng ông cũng tìm được chiếc máy tuốt lúa đã hỏng vứt ở xó nhà một thanh niên ở bản bên. Anh thanh niên dân tộc thấy người lạ hỏi mua chiếc máy hỏng với giá 5 chỉ vàng thì ừ liền, tay cầm tiền mà miệng cứ há hốc ngạc nhiên rồi lẩm bẩm: "Chắc ông này điên rồi à...".

Từ sự đam mê chơi xe, ông đi đến sưu tầm rồi sống bằng nghề này khi nào cũng không hay. Khi ở Sài Gòn, ông thường lang thang ở những quán cà phê, ngồi với bè bạn hàn huyên về xe cổ... để rồi hễ nghe thông tin ở đâu có "báu vật" là lại lập tức lên đường tìm kiếm, bất kể ngày hay đêm, lên rừng hay xuống biển... Tính đến nay, ông đã sưu tầm, "làm sống lại" gần 50 chiếc mô tô cổ, đa phần là BMW, Harley Davidson... Bí quyết mua xe của ông thật đơn giản "chấp nhận giá cao". Vì "nếu không quyết nhanh, người khác mua mất thì sẽ không có cơ hội thứ hai để... quyết". Như khi nghe có một chiếc xe BMW R25 ở Cần Thơ được sản xuất năm 1954, chủ xe có ý định bán 4,5 lượng vàng, nhiều tay chơi mô tô đến xem nhưng chỉ trả giá 3,5-3,7 lượng vàng. Ông đến, xem xe xong "xin bớt đúng 1 chỉ" và rước xe về. Chiếc xe này về sau có người đến xin mua lại nhưng ông không bán, mà để cho con gái đi. Hỏi nếu bán thì giá bao nhiêu? Ông chỉ cười, bảo: "Những con BMW còn ngon bây giờ nhiều người sẵn sàng mua trên chục ngàn đô là chuyện thường".

Số lượng xe cổ ông Bản sưu tầm được, tính ra chỉ thua số lượng xe cổ của ông N. cũng ở Sài Gòn. Nghe nói ông N. có lúc sở hữu tới 50 chiếc Harley Davidson, nhưng không phải bằng cách lặn lội lên rừng, xuống biển tìm kiếm từng chiếc như ông Bản, mà do kinh tế khá và biết chớp thời cơ mua vào khi các cơ quan nhà nước thanh lý loại xe này vào giữa thập niên 80. Lúc đó, một chiếc Harley giá thanh lý chỉ vài chỉ vàng, người dân bình thường chả ai ngó ngàng tới vì chỉ mỗi việc lo cơm áo gạo tiền đã mệt, nếu có dư tiền mua xe thì lo đi kiếm xe Nhật, đỡ hao xăng chứ loại xe "uống xăng như trâu" ở cái buổi xăng hiếm như máu thì... "cho nhiều người không lấy". (Còn tiếp)

M.Đ - Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.