Thị trường quần áo, giày dép... đã bước vào mùa tết. Tại TP.HCM, các phố thời trang, trung tâm thương mại luôn nhộn nhịp người mua sắm.
Nhiều nhãn hiệu thời trang nội đã bắt đầu lấy lại thị phần ở phân khúc bình dân và giá rẻ, vốn lâu nay hàng Trung Quốc chiếm lĩnh.
Tuy nhiên, ở phân khúc cao cấp, thị trường vẫn nằm trong tay các nhà nhập khẩu hàng Hàn Quốc, Malaysia, Singapore...
Nội đông đúc, ngoại thưa thớt
Ghi nhận tại những khu vực chuyên bán hàng quần áo, giày dép như đường Lê Văn Sĩ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu... cho thấy các cửa hàng nhãn hiệu Ha Gatini, Ninomax, N&M, Việt Thy, Việt Tiến, An Phước... luôn đông đúc người mua sắm, đặc biệt vào buổi tối. Tại hệ thống cửa hàng Ha Gatini (Công ty Nhất Hà), nhà sản xuất vừa tung ra một loạt sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng có thu nhập trung bình. Với một số thiết kế khá trẻ trung, màu sắc nổi bật phù hợp để mọi người diện trong dịp tết và những ngày đầu năm, nhiều người mua sắm đã không đắn đo khi bỏ ra trên dưới 300.000 đồng/chiếc váy, đầm nhãn hiệu này.
Tương tự, tại cửa hàng Ninomax của Công ty cổ phần thời trang Việt, nhân viên bán hàng rất nhanh nhảu giới thiệu cho khách những kiểu dáng mới. Phong cách nổi bật trong các thiết kế tung ra dịp tết này, theo các nhân viên bán hàng, vẫn là trẻ trung, năng động. Vì thế, khách hàng độ tuổi 16-23 rất chuộng. Tại các cửa hàng thời trang nam, mặc dù không có nhiều hàng mới nổi trội nhưng với mức giá 300.000-500.000 đồng/chiếc áo sơmi được may chắc chắn tại các cửa hàng của An Phước, Việt Tiến vẫn là điểm lựa chọn ưu tiên của khách hàng nam giới.
|
Trong khi đó, đường Lê Văn Sĩ, Nguyễn Đình Chiểu trước đây có rất nhiều shop thời trang bán đồ nhập khẩu từ Trung Quốc thì nay ghi nhận cho thấy hàng hóa xuất xứ nước này đã giảm dần, đặc biệt là hàng thời trang nữ. Các cửa hàng thời trang nữ bán quần áo, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc thưa thớt người mua, mặc dù mức giá cũng chỉ trong khoảng 200.000-500.000 đồng/sản phẩm tùy loại.
E ngại giày dép không rõ nguồn gốc
Mặt hàng giày dép cũng bắt đầu bước vào mùa bán hàng cao điểm. Ngoài các loại giày dép thời trang trong nước sản xuất, chủ yếu tập trung tại các cơ sở nhỏ ở các quận 4,6,8,12, huyện Hóc Môn... cung cấp, giới kinh doanh cho biết xu hướng nhập hàng Trung Quốc theo đường biên mậu về kinh doanh vẫn còn khá lớn. Các loại giày này khi bán đến tay người tiêu dùng phần lớn có mức giá dưới 300.000 đồng/đôi. Nếu so với hàng trong nước sản xuất có mức giá tương tự, đa số người tiêu dùng chọn mua hàng sản xuất trong nước do e ngại các vật liệu sử dụng của hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc không bảo đảm an toàn. |
Sức mua tăng vọt
Theo ông Phan Văn Kiệt - phó tổng giám đốc Tổng công ty may Việt Tiến, tính đến thời điểm này sức mua đã tăng 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Việt Tiến đã chủ động tăng thêm
25-30% sản lượng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đang có xu hướng tăng vọt trong những ngày cận tết sắp tới. Sản phẩm bán chạy nhất của Việt Tiến hiện nay rơi vào chủng loại trung cấp, khoảng 250.000-600.000 đồng/sản phẩm. Riêng với dòng sản phẩm veston có giá bán 2,5-5 triệu đồng/bộ, Việt Tiến “đánh” vào giới công sở có thu nhập cao khi tung ra loại veston hết sức trẻ trung, tiện lợi và năng động, thay cho hình ảnh khô cứng, nghiêm nghị vốn thường xuyên xuất hiện trong mắt người tiêu dùng như thời gian qua.
Trong khi đó, với sản phẩm dành cho công nhân lao động, người có thu nhập trung bình trở xuống, Việt Tiến cũng tăng đến 60% sản lượng sản xuất cho thương hiệu Việt Long, với giá bán trung bình 180.000-250.000 đồng/sản phẩm. “Tôi nghĩ đã qua rồi thời người tiêu dùng chọn mua sản phẩm giá rẻ với chất lượng rất thấp từ hàng không rõ nguồn gốc, trong đó có cả hàng Trung Quốc. Đây cũng là lý do khiến lượng hàng bán ra của các doanh nghiệp trong nước tăng vọt”, ông Kiệt khẳng định.
Hệ thống kinh doanh hàng dệt may thời trang trong nước của Công ty TNHH MTV thương mại thời trang Vinatex (Vinatex Mart) cũng có lượng hàng bán tăng đột biến kể từ sau thời điểm Noel. Theo bà Phạm Thị Quỳnh Ny - giám đốc marketing Vinatex Mart, chỉ tính riêng lượng hàng dệt may chuẩn bị cho mùa bán tết khoảng 500 tỉ đồng, thì lượng hàng chuẩn bị đã tăng 57% so với tết năm ngoái. Hiện doanh số hàng thời trang bán ra mỗi ngày trong toàn hệ thống đạt khoảng 9 tỉ đồng, tăng 192% so với các ngày thường trước đó.
Bà Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, cho rằng việc các doanh nghiệp sản xuất thời trang trong nước bán được nhiều hàng hơn trong dịp tết này do “một phần người tiêu dùng đã có sự quay lưng thật sự với các sản phẩm chất lượng thấp có nguồn gốc từ Trung Quốc”. Theo bà Đoan, Việt Thy hiện đang bán rất chạy các loại sản phẩm ở mức giá 150.000-260.000 đồng/sản phẩm, chủng loại vốn bị cạnh tranh rất gay gắt với hàng Trung Quốc ở mùa tết trước. Bà Đoan so sánh nếu ở cùng mức giá với sản phẩm nói trên, hàng Trung Quốc hiện chỉ có thể rẻ hơn khoảng 10.000-15.000 đồng/sản phẩm, “vì chi phí sản xuất ở Trung Quốc bây giờ không còn rẻ nữa, nhưng quan trọng hơn lỡ mua rồi chất lượng có bị gì thì biết đến đâu mà trả hoặc đổi?” - bà Đoan nói.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)