Theo nội dung chương trình Những bổ sung cần thiết cho quân đội vì lợi ích quốc gia (gọi tắt là MAVNI) được Bộ Quốc phòng công bố rộng rãi và chính thức thực hiện từ ngày 23.2.2009, người nước ngoài đang sống hợp pháp ở Mỹ theo diện visa tạm thời được ít nhất 2 năm có thể đăng ký nhập ngũ.
Trước mắt, trong năm 2009, quân đội Mỹ sẽ thí điểm tuyển 1.000 tân binh có khả năng trong lĩnh vực y tế (trình độ bác sĩ, y tá) và ngôn ngữ (am hiểu văn hóa và thông thạo các ngôn ngữ như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Somali, Ả Rập..., không có Việt Nam).
Những người tham gia chương trình này sẽ được nhập quốc tịch Mỹ trong vòng 6 tháng kể từ ngày nhập ngũ và được miễn lệ phí nhập tịch khoảng 675 USD. Đổi lại, họ phải cam kết thực hiện nhiệm vụ ít nhất 4 năm nếu thuộc nhóm ngôn ngữ và 3 năm (hoặc 6 năm làm hậu cần) nếu thuộc nhóm y tế. Nếu không hoàn thành cam kết, họ sẽ bị tước quốc tịch.
Đây là lần đầu tiên kể từ thời chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ áp dụng chính sách tuyển người nước ngoài thuộc diện nhập cư tạm thời vào quân đội (trước kia, chỉ có công dân Mỹ và những người nhập cư thường trú, còn gọi là người có thẻ xanh, mới được phép nhập ngũ).
Thậm chí, Bộ Quốc phòng đã mở “cửa” cho cả sinh viên đang học tập tại Mỹ và người tị nạn được quyền tham gia, đồng thời rút ngắn thời gian nhập tịch cho những ai trúng tuyển MAVNI xuống chỉ còn nửa năm, thay vì phải mất hơn mười năm như những trường hợp nhập cư thông thường.
Điều kiện xét tuyển cũng được hạ thấp, ứng viên nhóm ngôn ngữ chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học và nói được tiếng Anh là có thể dự tuyển, còn ứng viên thuộc nhóm y tế thì cần có bằng y tá hoặc bác sĩ của Mỹ. Như vậy, hiện chỉ còn duy nhất nhóm nhập cư bất hợp pháp là không đủ điều kiện nhập ngũ tại Mỹ.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, trung tướng Benjamin C.Freakley, Trưởng bộ phận tuyển quân của quân đội Mỹ, cho biết mục đích của việc tuyển người nhập cư tạm thời là nhằm giúp khắc phục tình trạng thiếu quân, đặc biệt ở các lĩnh vực y tế, phiên dịch và phân tích tình báo của quân đội Mỹ. Trong năm đầu thí điểm, MAVNI sẽ được áp dụng chủ yếu trong lực lượng lục quân và do trung tâm tuyển quân của thành phố New York triển khai thực hiện, nếu thành công sẽ tăng mạnh chỉ tiêu tuyển và mở rộng ra tất cả các lực lượng khác trong quân đội. Lục quân Mỹ hy vọng trong tương lai, chương trình này sẽ cung cấp cho họ 14.000 tân binh mỗi năm, chiếm 1/6 tổng số tân binh được tuyển.
Mục đích của việc tuyển người nhập cư tạm thời là nhằm giúp khắc phục tình trạng thiếu quân, đặc biệt ở các lĩnh vực y tế, phiên dịch và phân tích tình báo của quân đội Mỹ.
Trung tướng Benjamin C.Freakley, Trưởng bộ phận tuyển quân |
|
Tranh cãi
Sau hai tháng triển khai, quân đội Mỹ đã tuyển được 52 tân binh trong gần 5.000 ứng viên đăng ký tham gia, New York Times cho biết. Trong đó, 11 người có bằng thạc sĩ, 31 người có bằng cử nhân, 4 người có chứng chỉ cao đẳng và 6 người tốt nghiệp trung học. Gần một nửa đến từ bán đảo Triều Tiên, còn lại là người Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Pakistan và Ả Rập. Số này có mục đích nhập ngũ khác nhau và phần lớn không phải vì viễn cảnh được sớm nhập tịch Mỹ.
Toniya Mishra, 24 tuổi, người Ấn Độ, có bằng thạc sĩ kỹ thuật của Học viện Công nghệ Rochester, nói với phóng viên New York Times rằng nguyên nhân khiến cô quyết định đăng ký nhập ngũ chỉ đơn giản là tìm việc làm sau khi bị sa thải khỏi một công ty sản xuất phần mềm ở New Jersey vì khủng hoảng kinh tế. Thấy quân đội Mỹ rao tuyển kỹ sư trên mạng, Mishra nộp hồ sơ nhưng không hy vọng gì vì biết mình thiếu tiêu chuẩn (không có thẻ xanh). Tuy nhiên, cuối cùng cô lại trúng tuyển theo chương trình MAVNI và chính thức nhập ngũ từ 1.4.2009.
Động cơ nhập ngũ của các tân binh thuộc MAVNI là một trong những nguyên nhân chính khiến chương trình này bị lực lượng cựu chiến binh Mỹ và cả số sĩ quan đang tại chức chỉ trích gay gắt. Nhiều người đã bình luận trên trang web Military.com - một diễn đàn của quân nhân Mỹ - rằng việc triển khai MAVNI sẽ giúp các phần tử khủng bố có cơ hội thâm nhập và phá hoại quân đội, đồng thời khiến cho lực lượng vũ trang Mỹ tràn ngập người nhập cư.
Ông Marty Justis, giám đốc điều hành của “Quân đoàn Mỹ” - một tổ chức cựu chiến binh - thì tuyên bố nhóm ông không phản đối người nhập cư nhập ngũ nhưng với điều kiện họ phải “chứng tỏ được lòng trung thành của mình với nước Mỹ cao hơn với đất nước họ”.
Lê Quang
(từ New York)
Bình luận (0)