Quan hệ Việt - Mỹ: Những bước thăng trầm hơn 200 năm

19/06/2005 21:56 GMT+7

Bài 3: Chặng đường dài đến bình thường hóa Cơ hội của Tổng thống Carter Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, Hiệp định Paris chấm dứt, Mỹ đã cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao và kinh tế với Việt Nam. Tuy nhiên đầu năm 1977, Mỹ có chính quyền mới, Thống đốc bang Georgia Jimmy Carter lên làm tổng thống. Có hai đặc điểm nổi bật: một là xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc, hai là hội chứng chiến tranh Việt Nam nặng nề.

Tháng 3/1977 chính quyền Carter đã chủ động đàm phán với chính phủ Việt Nam, Tổng thống Carter cử đặc phái viên Leonard Woodcock, chủ tịch tập đoàn ô tô Mỹ sang Việt Nam để đàm phán. Ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp L.Woodcock và 4 thành viên, trong đó có thượng nghị sĩ Mansfield. Sau chuyến đi thăm mở đường này, hai bên đã thỏa thuận mở cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ tại Paris. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phan Hiền dẫn đầu, phía Mỹ là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Richard Holbrooke. Cuộc đàm phán diễn ra khá lâu qua 3 vòng tháng 5, 6 và 12/1977. Mọi chuyện có vẻ diễn ra thuận lợi.

Tháng 9/1978, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đến New York (Liên Hiệp quốc) để tiến hành các cuộc đàm phán "cuối cùng" với Richard Holbrooke - lúc này là Thứ trưởng Ngoại giao. Trong cuộc đàm phán đó, Việt Nam cũng không ra các điều kiện và hai bên đi vào thỏa thuận bình thường hóa. Vấn đề chỉ bàn nốt thông cáo chung. Sau đó Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cử Thứ trưởng Trần Quang Cơ ở lại bàn tiếp. Tuy nhiên, sau nhiều tuần ở lại New York để hoàn tất các chi tiết để rồi nhận được câu trả lời rằng phía Mỹ thực ra chưa sẵn sàng cho bình thường hóa.

Theo lời  kể lại của John Mcauliff, giám đốc điều hành Quỹ hòa giải và Phát triển của Mỹ: "Sau này chúng tôi được biết ông Holbrooke và Ngoại trưởng Cyrus Vance đã phải nhượng bộ quan điểm cứng rắn của Cố vấn an ninh quốc gia Brzezinski coi việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nguyên cớ mà người ta đưa ra công khai làm cản trở quá trình bình thường hóa quan hệ là vấn đề thuyền nhân người Hoa và cuộc xung đột đang leo thang tại Campuchia. Đây cũng chính là thời điểm chính thức gác lại việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tới 17 năm sau.

Sự thật về những bức ảnh “tù binh Mỹ”

Tháng 7/1987, Tổng thống Ronald Reagan cử Đại tướng Mỹ John Vessey - đặc phái viên tổng thống sang Việt Nam bàn về vấn đề người Mỹ mất tích (MIA), Mỹ tỏ ra mềm dẻo với Việt Nam. Lúc này tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch làm việc với John Vessey. Hai bên đều muốn tranh thủ cơ hội. Sau đó hai bên tiếp tục đàm phán nhiều lần, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sang Mỹ từng đợt để thảo luận.

Ông Trịnh Xuân Lãng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhớ lại: "Năm 1988, tôi được cử sang làm đại diện tại LHQ, trên danh nghĩa Đại sứ tại LHQ, nhưng anh Thạch giao cho tôi công thức 70/30, tức là 70% thời gian là làm việc về Mỹ, 30% làm việc về LHQ... Sau chiến tranh, vấn đề MIA là vấn đề gay gắt, thuộc về tâm lý, tình cảm, chính trị rất lớn của nước Mỹ. Tình cảm là bởi vì 2.000 người chồng, người con của nước Mỹ bị ghi vào diện "mất tích”, gây xáo trộn nước Mỹ, bức xúc trong dư luận”.

"Tình hình lúc đó căng như dây đàn", ông Lãng kể. "Lực lượng cực hữu, như cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, và cựu Tổng thống Richard Nixon dùng vấn đề MIA phản đối vấn đề bình thường hóa. Thậm chí một số thành phần ở Mỹ kích động những gia đình có người mất tích chống lại tiến trình này. Các bức ảnh giả vu cáo Việt Nam giam giữ tù binh Mỹ được tung ra gây xáo động dư luận. Có một bức ảnh 3 tù binh Mỹ còn sống, trong đó gia đình Mỹ nhận là chồng, là bố. Gia đình cũng không tin là họ còn sống đã đến gặp tôi. Tôi rất khó xử, cuối cùng đã đề nghị bên nhà cho gia đình vào VN để xác minh. Cô con gái vào không giải quyết được gì. Còn bức ảnh tù binh Mỹ bị đưa sang Lào, phải đến Hải Dương để xác minh. Chưa hết, một số cựu nhân viên KGB dựng đứng tin rằng Việt Nam đưa tù binh sang Liên Xô, chính họ đã phỏng vấn. Đây thực sự là một tin chấn động nước Mỹ. Thậm chí một tướng của KGB còn ra điều trần trước QH Mỹ. Thực tâm tôi cảm thấy rất bất bình, và xin ý kiến chỉ đạo ở nhà, Bộ Ngoại giao chỉ nhắc nhở quan điểm rằng "không ai có quyền lợi dụng vấn đề MIA, vì đây là vấn đề nhân đạo. Tuy nhiên bản thân chính quyền Mỹ cũng muốn lập quan hệ ngoại giao, muốn giải tỏa vấn đề về MIA, nếu còn thì không thể bình thường hóa quan hệ được. Vì vậy đích thân họ đi điều tra. Sau khi tiến hành điều tra kỹ lưỡng có kết quả điều tra họ đã đưa ra dư luận để cải chính, bức ảnh 3 người Mỹ là họa báo Liên Xô từ năm 1924, nông trường tập thể. Còn ảnh ở Lào là ghép đi ghép lại những hình ảnh cũ ở chiến trường Campuchia. Chính quyền Mỹ một mặt báo cho ta biết sự thật, một mặt tuyên bố công khai đây đều là những bức ảnh bịa đặt. Trước đó chính quyền Mỹ đã cử một toán điều tra sang Liên Xô, và kết quả một cuộc điều tra công phu của QH Mỹ đều kết luận vấn đề các bức ảnh về tù binh Mỹ là không có thật”.

Tài liệu tham khảo

- Hồ sơ Văn hóa Mỹ của Hữu Ngọc
- Why Việt Nam? của Archimedes Patti,
- 42 đời Tổng thống Mỹ của William Adegregorio, 
- Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ - những bài học lịch sử  của Vũ Minh Giang.
- Hồi ký của Joseph Damond, trưởng đoàn đàm phán hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

(còn tiếp)

Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.