Quản lý biệt thự cổ ở Hà Nội: Chưa có hành lang pháp lý

24/09/2015 11:23 GMT+7

(TNO) “Nếu không khẩn trương có hành lang pháp lý cho nhà Pháp ở khu phố Pháp, thì những vụ như nhà 107 Trần Hưng Đạo Hà Nội sẽ còn xảy ra”.

(TNO) “Nếu không khẩn trương có hành lang pháp lý cho nhà Pháp ở khu phố Pháp, thì những vụ như nhà 107 Trần Hưng Đạo Hà Nội sẽ còn xảy ra”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu Định cư cảnh báo.

nha-phap-coNhiều nhà Pháp cổ ở Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Minh Hoàng
* Công chúng cho rằng, ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo vừa sập rất quý. Vậy, giá trị thực sự của tổng thể kiến trúc khu phố Pháp như thế nào, thưa bà ?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục: Khu phố Pháp là một giá trị vô giá. Du khách đến Việt Nam đều đánh giá Hà Nội đẹp hơn các thành phố khác ở khu vực thực chất là ở nhờ giữ được các lớp không gian, kế thừa nhau chứ không dẫm đạp lên nhau. Ở Malaysia hay Thái Lan có sự lộn xộn cái trước đè cái sau của không gian phát triển, nhưng ở ta không thế.
Chúng ta có lớp không gian lõi là không gian Hoàng Thành Thăng Long. Không gian này dù người Pháp can thiệp nhưng vẫn còn trục hoàng đạo. Trong đó cũng có những cấu trúc trở thành phố. Nhưng khu phố cổ người Pháp gần như bảo tồn nguyên trạng. Nó chỉ được chỉnh trang thêm vỉa hè và hạ tầng. Nó cũng mới được chỉnh trang thêm hồi 2007. Đấy là lớp không gian thứ hai. Song hành từ 1885 tới tận 1936 vẫn tiếp tục khai sáng, hình thành và hoàn chỉnh khu phố Pháp, trong đó có ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo vừa sập. Chúng ta có ba lớp không gian của Hà Nội xưa như vậy.
Khu phố Pháp là một giá trị có hạt nhân thời kỳ đó, bắt đầu từ hồ Hale chạy dọc sang đến bờ sông Hồng rồi quay về. Ranh giới phía Tây là hồ Ba Mẫu. Nó làm nên vẻ lộng lẫy của đô thị Hà Nội.
Nói cách khác, quỹ dinh thự, công sở và biệt thự Pháp đang là một di sản hiện hữu làm nên vẻ sang trọng, vẻ đẹp riêng cho các đô thị của Việt Nam trong vùng Đông Nam Á. Chúng sở hữu những chuỗi phong cách nghệ thuật Tiền cổ điển, Cổ điển, Tân cổ điển, Địa phương Pháp, Art Décor, Indo - China (Phong cách Đông dương của Hiện đại - Bản địa thời kỳ đầu, rực rỡ, giao thoa với văn minh phương Tây)…
nha-phap-coDấu vết xuống cấp ở trần của căn nhà Pháp cổ số 60 Hàng Chiếu - Ảnh: Minh Hoàng
* Quý là vậy, song quỹ di sản kiến trúc đô thị này đã được giữ gìn như thế nào, thưa bà?
Chúng ta luôn luôn kiểm kê các khu nhà này. Ở Hà Nội cũng vậy. Nhưng có những nguyên nhân để các quỹ di sản này bị mai một.
Về mặt luật, chúng ta không đưa nó vào được đối tượng nào của di sản. Bản thân đến các địa phương cũng tùy, chỉ làm quy chế chứ không có luật quy định. Luật Thủ đô cũng không có quy định về loại di sản kiến trúc đô thị này. Về mặt nhà nước quản lý bị hạn chế như vậy. Nó dẫn đến nếu kiểm kê rồi không đưa ra giải pháp, hành lang pháp lý thì cũng không giúp gì được cho bảo vệ di sản.
Nguyên nhân thứ hai nữa là lộn xộn trong sở hữu. Những di sản nhà Pháp này trước chủ yếu là biệt thự, công sở sau khi tiếp quản thì hầu hết thành kiến trúc công quyền. Ở Hải Phòng chẳng hạn, nhờ thế nên nó gần như nguyên, việc sang sửa cũng dễ dàng. Nhưng ở Hà Nội, đặc biệt từ 2009, nhiều biệt thự đã bị đổi quyền sở hữu. Chúng bị sang tên đổi chủ, thậm chí có biệt thự trở thành nhà tư, thậm chí một biệt thự có nhiều chủ. Từ nhà công, thành nhà tư, từ biệt thự thành nhà hàng...
Theo so sánh bản đồ của tôi, quỹ di sản nhà Pháp ở Hà Nội giờ đã mất khoảng 70%.
Ví dụ nhà 107 Trần Hưng Đạo thuộc Tổng công ty Đường sắt, nhưng rồi làm sao lại lồi ra 21 hộ dân. Tại sao từ cơ quan lại thành loại hình nhà ở. Tức là chúng ta có những đầu mối hết sức chồng chéo. Nếu chúng ta cứ để thế này thì khu phố Pháp sẽ mất - mà cái mất này lại là tinh hoa của một thành phố. Và chúng ta sẽ trở thành một thành phố bình dân lầm lũi.
nha-phap-coNhững người yêu Hà Nội không khỏi xót xa khi thấy nhà Pháp cổ - dấu tích lịch sử bị đối xử như thế này - Ảnh: Minh Hoàng
* Chúng ta cần làm gì, thưa bà?
Cái cần làm nhất bây giờ của thành phố là trên cơ sở giá trị lịch sử, không gian văn hóa, đặc điểm kiến trúc của di sản kiến trúc khu phố Pháp thì phải đánh giá được tình trạng kỹ thuật của nó. Như thế thì mới xác định được di sản nào cần được gia cố khẩn cấp. Thứ hai nữa là phải rà soát được tình trạng sở hữu để làm thế nào tìm cách tiếp cận vấn đề một cách toàn diện.
Chúng ta cũng phải lưu ý nữa là trong trận mưa gây ngập vừa rồi, khu phố Pháp vẫn bình chân. Với hạ tầng, với vị trí, các nhà biệt thự Pháp, ở khu phố Pháp đang trở thành miếng mồi để người có tiền nhòm ngó. Vì thế, nếu không mau chóng có một quy chế quản lý, bảo tồn cho nó thì rất có thể nó sẽ bị mua bán, sau đó bị thay đổi để biến dạng đi theo cơ chế thị trường. Nói cách khác di sản có thể bị thịt.
Chúng ta từng có quy chế bảo vệ nhà khu phố Tây, nhưng đã hết hạn. Giờ chúng ta phải khẩn trương thiết lập lại quy chế đó. Theo đó, các yếu tố kỹ thuật của các ngôi nhà, không gian liên quan đều phải có quy chuẩn.
Một giảng viên khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội nêu ý kiến: Về nguyên tắc, những ngôi nhà như nhà Pháp ở Việt Nam, chỉ sau 50 năm là kiến trúc sư không chịu trách nhiệm nữa rồi. Luật ở nước ngoài rất chặt chẽ về việc đó. Bao nhiêu năm thì phải kiểm tra để bảo dưỡng. Với biệt thự xây gạch là như vậy. Tuổi thọ tính toán của nó là 50 năm, muốn hơn nữa thì phải ngó nghiêng vào nó, phải chăm sóc nó. Nhưng ở Việt Nam không có luật quy định về định kỳ bảo dưỡng đó. Quản lý đô thị Việt Nam kém nên không có quy định đó.
Ở nước ngoài, sở hữu một ngôi nhà khó, một phần do việc bảo dưỡng thường xuyên này khá tốn kém.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.