Quán xá đìu hiu sau Chỉ thị 16: Người trẻ chật vật với từng bữa ăn

Tấn Đạt
Tấn Đạt
10/07/2021 14:32 GMT+7

Sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, hàng quán đóng cửa, không bán mang về, khiến một số bạn trẻ chật vật với từng bữa ăn.

Ngay sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 kể từ lúc 0 giờ ngày 9.7, một số người trẻ quen với việc ăn uống vội ở hàng quán phải tập tành "lăn vào bếp".

"Vào bếp là cả một cuộc chiến"

"Lâu nay tôi không nấu ăn. Thông thường, tôi ăn cơm trưa với đồng nghiệp, chiều tối đi làm về sẽ ghé vô quán ăn luôn. Theo Chỉ thị 16, các hàng quán không được phép bán mang về nên chỉ còn cách ra cửa hàng tiện lợi mua đồ ăn chế biến sẵn nhưng giá lại đắt mà không đủ chất dinh dưỡng”, anh Lê Trường Thịnh, 23 tuổi, ngụ hẻm 167 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM, chia sẻ.

Anh Thịnh làm việc cho một ngân hàng bên mảng thu hồi nợ. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh phải làm việc tại nhà, thu nhập sụt giảm nên không thể duy trì thói quen 'ăn ngoài' như thế này.
Tương tự, anh Lê Nguyễn Duy, 26 tuổi, trú tại hẻm 80 Lữ Gia, Q.11, TP.HCM trước đây chỉ toàn ăn ngoài. Tuy nhiên, khi hàng quán phải đóng cửa, không bán mang về theo Chỉ thị 16, Nguyễn Duy phải tập tành nấu ăn.

Bên trong một cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM

Ảnh: Tấn Đạt

Trước khi giãn cách chính thức, Duy và bạn cùng phòng trọ mua nồi, bếp điện từ, các gia vị cơ bản... Ngày đầu, anh chọn các món ăn đơn giản như canh bí đỏ, thịt kho trứng để 'bắt nhịp' cho những ngày sau.
Duy kể: "Tôi là người miền Tây, bạn cùng phòng ở miền Trung, nên khẩu vị hơi khác dẫn đến tranh cãi trong lúc nêm nếm thức ăn, nhưng cuối cùng cũng nấu xong bữa cơm trước 19 giờ".

Căn bếp được dựng trước phòng trọ của Duy, tuy đơn giản nhưng anh phải mất gần cả giờ để "thiết kế"

Ảnh: NVCC

Bữa cơm đơn giản do Duy và bạn cùng phòng tự nấu trong những ngày giãn cách

Ảnh: NVCC

"Bày biện bữa cơm vừa có canh, có thịt, có dưa leo tuy đơn giản nhưng tôi thấy vui vì đây là lần đầu tiên nghiêm túc nấu ăn sau ba năm lên TP.HCM sống và làm việc. Tôi sẽ cố gắng duy trì thói quen này sau khi hết giãn cách", Duy chia sẻ.
Còn Lê Thị Thu Nhung, 22 tuổi, sống tại chung cư Marina Tower, TP.Thủ Đức, TP.HCM, tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để rèn luyện kỹ năng nấu nướng. Thu Nhung cho hay cô thường ăn ở ngoài, rất ít tự nấu ăn nên "tay nghề bếp núc" hay bị bạn bè đánh giá ở mức trung bình kém.
Khi được hỏi về bữa ăn tự nấu vào sáng ngày 9.7, Thu Nhung chia sẻ: "Mỗi lần vào bếp là cả một cuộc chiến, lúc thì nồi canh hơi mặn do bỏ dư xíu muối, rồi củ cải xào giống như kho... Đỉnh điểm là tôi mất một buổi để lau dọn bếp, lò vi sóng do lỡ để 2 trứng gà vào quay nổ văng tung toé".

Nhung cho hay để trở thành "nữ công gia chánh" ai cũng đi lên từ những món đơn giản

Ảnh: NVCC

Cô gái 22 tuổi này thừa nhận: "Có thời gian ở nhà, vào bếp thì mới biết là nữ công gia chánh đóng vai trò rất quan trọng, giúp gắn kết gia đình và là nền tảng xây dựng hạnh phúc". Cô dự định sẽ đi học một khoá nấu ăn sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ùn ứ ở chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ Gò Vấp khi thực hiện Chỉ thị 16

Không có tủ lạnh nên chỉ ăn… khô

Trong 2 tuần giãn cách xã hội, một số người trẻ phải cậy nhờ thực phẩm được người nhà dưới quê gửi lên TP.HCM.

Chẳng hạn, Cao Tấn Phát, 22 tuổi, đang ở trọ trong con hẻm trên đường Cao Thắng nối dài Q.3, TP.HCM muốn rơi nước mắt khi trước ngày áp dụng Chỉ thị 16, khu vực anh sinh sống bị phong tỏa vì có ca mắc Covid-19. Trước tình huống bất ngờ này, anh đành gọi về gia đình để được hỗ trợ.

Trước khi gia đình ở quê gửi thực phẩm lên TP.HCM, anh tạm cầm cự với mì ăn liền và gạo được chính quyền cùng nhà hảo tâm hỗ trợ cho khu vực bị phong tỏa.

“Do tôi không có tủ lạnh nên đồ gia đình dưới quê gửi lên cũng là những con cá khô vài trái bầu, bí… để giữ được lâu. Trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ cần có cá khô chiên với cơm nóng được hỗ trợ từ chính quyền là tôi cảm thấy quý lắm”,  Phát tâm sự.

Khu vực Phát sinh sống bất ngờ bị phong tỏa

Ảnh: NVCC

Những thực phẩm ăn cầm cự qua ngày của Phát

Ảnh: NVCC

Giống như Tấn Phát, bữa ăn trong những ngày giãn cách xã hội ở nhà chị Nguyễn Mỹ Phụng, 26 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM đa số là dùng thực phẩm từ quê gửi lên.

Khi nghe tin TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, cha mẹ ở quê liên tục điện thoại hỏi thăm chị Phụng và ngay lập tức chuẩn bị rất nhiều đồ ăn gửi lên "tiếp tế". “Má có gửi đồ ăn lên cho con, dùng hết điện về, má gửi tiếp. Đừng có đi ra ngoài nguy hiểm lắm", chị Phụng dẫn lại lời mẹ nói với cô trên điện thoại.

Bữa cơm của chị Phụng đều là những đồ tiếp tế từ dưới quê nên có gì dùng nấy

Ảnh: NVCC

Những thực phẩm chị Phụng nhận được dưới quê bao gồm gạo, cua, tôm, rau củ quả tươi sạch… “Đồ 'tiếp tế' dưới quê giúp gia đình nhỏ của tôi đỡ lo lắng về chuyện mua thực phẩm trong vòng 1 tuần tới. Chúng tôi không phải ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn nhưng vẫn có đủ thực phẩm”, chị Phụng cho hay khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Bối rối vì con đường đi làm qua phường Linh Trung bị phong tỏa vì Covid-19

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.