Quảng Bình chú trọng trồng, phát triển rừng

06/12/2021 15:02 GMT+7

Năm 2021, công tác bảo vệ, phát triển rừng tại Quảng Bình đã được lực lượng kiểm lâm chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực và đặt ra nhiều mục tiêu lớn trong giai đoạn kế tiếp…

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết 232.812 ha rừng đã giao khoán cho các địa phương, đơn vị bảo vệ, trong đó đạt 100% kế hoạch khoanh nuôi phục hồi rừng. Ngay từ đầu năm, các địa phương, đơn vị đã hợp đồng cung ứng cây giống hoặc tự tổ chức sản xuất với số lượng khoảng 30 triệu cây, chủ yếu là keo, lim xanh, dổi xanh, lát hoa, huê mộc, phi lao... Chi cục tham mưu Sở NN-PTNT, UBND tỉnh thực hiện các thủ tục về trồng rừng thay thế cho các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng. Trong năm 2021, có 22 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng đã thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền (18,1 tỉ đồng) thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. UBND tỉnh Quảng Bình giao kế hoạch trồng rừng thay thế (836 ha) từ nguồn thu trồng rừng thay thế, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 358 ha và hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn 478 ha.

Lực lượng kiểm lâm H.Minh Hóa hỗ trợ người dân trồng rừng

Còn nhiều vướng mắc

Quảng Bình quyết liệt thực hiện đề án trồng 1 tỉ cây xanh, dù gặp không ít khó khăn trong nguồn vốn đầu tư công. Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, việc thực hiện kế hoạch năm 2021 còn nhiều khó khăn, như nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (90 tỉ đồng) đề nghị Trung ương bố trí giai đoạn 2021 - 2025 hiện vẫn chưa được bố trí. Tương tự, số vốn 90 tỉ đồng mà Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT để báo cáo UBND tỉnh, đề xuất nguồn ngân sách đầu tư công của địa phương thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 đến nay cũng chưa được bố trí.

Trong khi đó, trung ương mới bố trí 19,7 tỉ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2021 (giảm 17,9 tỉ đồng so với năm 2020), và chỉ bố trí cho hoạt động bảo vệ, phát triển rừng nằm ngoài khu vực II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Do vậy, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn các xã khu vực II, III rất khó khăn, trực tiếp là 2 Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Minh Hóa và huyện Quảng Ninh. Số lao động từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về địa phương rất lớn do dịch Covid-19 cũng làm gia tăng áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Biên chế của Chi cục Kiểm lâm sau quá trình tinh giản còn rất “mỏng” so với diện tích rừng được giao quản lý. Thêm điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là nhà ở công vụ ở các hạt, trạm kiểm lâm hư hỏng, xuống cấp...

Kiểm lâm H.Minh Hóa tuần tra bảo vệ rừng

Mặc dù vậy, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình vẫn xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng). Đồng thời, thực hiện quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng, giảm số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp… “Chúng tôi tiếp tục tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ; đặc biệt là chỉ tiêu bảo vệ rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng trồng. Trọng tâm là chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, chương trình trồng 1 tỉ cây xanh”, ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.