Quảng cáo trên thân xe buýt sẽ 'thoát ế'

04/06/2019 19:43 GMT+7

Với phương án tiếp cận mới sát nhu cầu của thị trường, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM hy vọng lần đầu giá thứ 5 sẽ thoát khỏi tình cảnh "ế độ" như 4 lần đấu giá trước.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa tiếp tục tiến hành ký hợp đồng đấu giá cho thuê quảng cáo trên xe buýt với Trung tâm Đấu giá TP. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Hà Lê Ân, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng để tìm hiểu rõ hơn về những thay đổi, điểm mới của lần đấu giá thứ 5 này. 

* Sau 4 lần tổ chức đấu giá thất bại, phương án đấu giá lần thứ 5 có những điểm gì khác biệt so với những lần trước, thưa ông?

- Rút kinh nghiệm từ 4 lần đấu giá trước, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã nghiên cứu phương án đấu giá lần 5 với nhiều điểm mới, thuận lợi, đưa ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, đủ khả năng thu hút các đơn vị có nhu cầu. Cụ thể, số gói thầu sẽ được chia nhỏ thành 71 gói, 1 tuyến xe/1 gói thay vì 1 gói lớn hơn 10 tuyến như trước. Thời gian thực hiện hợp đồng linh hoạt hơn: bao gồm các gói 6 tháng, 1 năm, 2 năm, 3 năm, thay vì trước đây chỉ có duy nhất gói 3 năm. Theo các phương án trước, đơn vị tham gia đấu thầu nếu trúng thầu sẽ phải đặt cọc trước 20% tổng giá trị gói thầu. Đây cũng là 1 trong những khó khăn khiến nhiều đơn vị quảng cáo e ngại. Do đó trong phương án mới, chúng tôi không chỉ giảm tiền cọc mà còn xét tới tính khuyến mãi, thuê thời gian dài thì tiền đặt trước thấp. Đơn cử thuê gói 3 năm đặt trước 5% tổng giá trị gói thầu, gói 2 năm đặt trước 7%, gói 1 năm đặt 10% và gói 6 tháng đặt cọc 15%.  

Bên cạnh đó, thời gian bán - nhận hồ sơ cũng được kéo dài tới 1 tháng (từ 25.5 - 25.6) để các đơn vị quảng cáo, đơn vị sản phẩm có đủ thời gian nghiên cứu tuyến phù hợp với sản phẩm của mình. Một điểm mới nữa là do chia nhỏ thành nhiều gói thầu nên thời gian đấu giá được chia thành 8 đợt. Điều này vô hình chung tạo cơ hội cho các đơn vị rớt đợt đầu có đủ thời gian mua hồ sơ để tham gia đợt tiếp theo.

* Khi xây dựng phương án đầu giá lần 4, các gói thầu cũng đã được chia nhỏ và linh động về thời gian nhưng vẫn thất bại. Vậy theo ông, đâu là mấu chốt khiến quảng cáo trên thân xe buýt tại TP.HCM “ế”?

- Lần đấu giá trước chúng tôi đã chia nhỏ các gói thầu nhưng mỗi gói vẫn gồm 6 - 7 tuyến, chưa đủ hấp dẫn. Qua nghiên cứu từ các lần đấu giá trước, Trung tâm rút ra nhận định: Về mặt bằng chung, thị trường quảng cáo hiện nay đang chứng kiến sự lên ngôi của quảng cáo trên trang mạng xã hội, qua trang web, quảng cáo trực tuyến nên các đơn vị quảng cáo, đơn vị sản phẩm không mấy mặn mà, không dành nhiều kinh phí cho hình thức quảng cáo ngoài trời.

Quan trọng nhất, chúng tôi phát hiện ra các công ty quảng cáo trước khi mua gói đấu giá thường tìm kiếm sản phẩm, đơn vị sản phẩm chọn tuyến nào thì sẽ mua tuyến đó. Đây là hình thức bán lẻ vì các đơn vị sản phẩm thường trọn gói 1 - 2 tuyến. Như vậy, việc chia nhỏ các gói quảng cáo sẽ phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay. Các đơn vị sản phẩm rất thích điều này nhưng trước đây họ không biết được tiếp cận trực tiếp với loại hình quảng cáo trên xe buýt, cũng như sợ thủ tục lằng nhằng, rắc rối. Đây cũng có thể là lý do chính khiến dịch vụ này chưa thành công.

Ngoài các công ty quảng cáo đủ năng lực tài chính, các đơn vị sản phẩm có nhu cầu sẽ được trực tiếp tham gia đấu giá Độc Lập

* Nói như vậy, không chỉ các công ty quảng cáo mà bất kể doanh nghiệp, đơn vị sản phẩm nào có nhu cầu cũng có thể trực tiếp tham gia đấu giá?

- Đúng như vậy. Đây là điểm mới nhất, quan trọng nhất. Lần đấu giá thứ 5 mở rộng đối tượng tham gia. Ngoài các công ty quảng cáo đủ năng lực tài chính, các đơn vị sản phẩm có nhu cầu sẽ được trực tiếp tham gia đấu giá. Đặc biệt, đơn vị sản phẩm trực tiếp tham gia đấu thầu chắc chắn sẽ có lợi về tài chính hơn thông qua các đơn vị quảng cáo. Tuy nhiên lưu ý doanh nghiệp phải có hợp đồng nguyên tắc, biên bản thỏa thuận với một công ty thi công dán quảng cáo. Nếu trúng thầu, trước khi ký hợp đồng với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, doanh nghiệp phải trình được hợp đồng với đơn vị thi công. Bất kể đơn vị sản phẩm nào có nhu cầu muốn tìm hiểu thủ tục tham gia đấu giá có thể tìm hiểu thông tin qua trang web của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, hoặc liên hệ trực tiếp tới anh Nguyễn Ngọc Thạnh, Phó Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng của Trung tâm thông qua số điện thoại 0919683698.

[VIDEO] Thích thú với nhà chờ xe buýt kiểu mới, hiện đại bậc nhất Sài Gòn

* Như ông đã nhận định ở trên, xu hướng hiện nay quảng cáo trực tuyến qua mạng xã hội, trang web đang thịnh hành. Vậy quảng cáo trên thân xe buýt có đủ sức cạnh tranh?

- Mỗi loại hình, phương tiện quảng cáo có sức hấp dẫn riêng phụ thuộc vào tính chất của từng loại sản phẩm. Xe buýt có lợi thế là đi khắp các phố phường, mức độ nhận diện cao. Trên mạng xã hội giới trẻ chiếm đa số nên quảng cáo chủ yếu dành cho các sản phẩm được giới trẻ ưa thích. Đối với các nhãn hàng lớn như Samsung, Sony, Coca-Cola… hình thức quảng cáo ngoài trời vẫn được ưa chuộng mà trong đó, loại hình quảng cáo trên xe buýt lại rẻ hơn nhiều so với các trụ quảng cáo lớn. Hơn nữa, có rất nhiều sản phẩm đơn cử như loại hình phân bón, đơn vị có nhu cầu đưa hình ảnh sản phẩm đi tới các vùng, quận rìa, ven thành phố chứ quảng cáo trên Facebook, mạng xã hội hoàn toàn không hiệu quả.

Cũng nhân ý này, chúng tôi khẳng định không có chuyện quảng cáo xe buýt “ế” do gói thầu số 1 “ngon” nhất đã về tay Công ty Koa Sha Media VN (Nhật Bản), các gói còn lại “xương” hơn nên không ai mua. Với nhiều đơn vị sản phẩm, họ không có nhu cầu chọn các tuyến xe buýt khu vực trung tâm. Tuyến “ngon” hay không phù hợp với tính chất từng sản phẩm khác nhau.

* Trước đó, nhiều doanh nghiệp than quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM giá quá cao, doanh nghiệp nội không “kham” nổi, ông đánh giá như thế nào về nhận định trên?

- Giá sàn để tổ chức đấu giá quảng cáo trên xe buýt hiện nay do 1 công ty tư vấn độc lập thẩm định xây dựng trên cơ sở khảo sát thị trường quảng cáo nội ô, ngoại ô, nội - ngoại ô, tham khảo 1 số công ty quảng cáo lớn và đã được Sở Tài chính cùng các Sở, ngành liên quan xem xét, thẩm định mất hàng năm trời trước khi UBND phê duyệt. Trong đợt đấu giá đầu tiên, có doanh nghiệp đã trúng gói lớn tới 492 xe thuộc 25 tuyến, nếu giá quá cao chắc chắn đã không có đơn vị tham gia đấu giá. Tôi cho rằng giá không phải nguyên nhân chính. Vấn đề nằm ở nhu cầu thị trường. Hy vọng với phương án mới tiếp cận theo xu hướng bán lẻ, phù hợp với nhu cầu của công ty quảng cáo cũng như các đơn vị sản phẩm, đợt đấu giá thứ 5 này sẽ sôi động hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.