Lưu Đình Long là một cư sĩ, anh đã làm việc 10 năm tại báo Giác Ngộ. Trước “Như mây thong dong, anh đã xuất bản hai cuốn sách là “Lắng nghe hơi thở” (2012) và “Tâm kinh mình thuyết cho mình” (2014). Sách của Lưu Đình Long mang đậm dấu ấn Phật giáo qua các bài viết nhẹ nhàng, súc tích, trao truyền đến bạn đọc nguồn năng lượng tích cực.
Thông điệp của Như mây thong dong thể hiện rõ trên ảnh bìa của cuốn sách với hình ảnh chú chim nhỏ đậu ở ô cửa màu xanh truyền đi thông điệp: Ai trong cuộc sống cũng sẽ gặp những điều bất như ý. Để có thể thong dong như những đám mây, hãy chọn cho mình một khoảng trời - giống như chú chim nhỏ chọn đậu nơi ô kính rộng rãi nhất, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Khi có tự do sẽ có thong dong.
Cuốn sách “Như mây thong dong” của tác giả Lưu Đình Long
Với người học Phật như Lưu Đình Long, việc trở về “làm việc” với chính mình mỗi ngày rất quan trọng. Đây cũng chính là điều anh khuyên các bạn đọc, nhất là bạn trẻ tại buổi giao lưu. Anh bộc bạch rằng mỗi sáng anh thường thức dậy với 4 câu thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Thức dậy miệng mỉm cười/ Hai bốn giờ tinh khôi/ Xin nguyện sống trọn vẹn/ Mắt thương nhìn cuộc đời”.
Theo Lưu Đình Long, bắt đầu một ngày mới mình dùng “mắt thương” để nhìn cuộc đời thì sẽ thấy cuộc đời không đến nỗi tệ. Một người chưa tốt, mình sẽ nhìn ra được những áp lực mà người đó đang chịu đựng và họ khổ vì họ chưa tìm được con đường sáng. Mình may mắn có một con đường sáng, có “mắt thương” để có thể ôm ấp cả nỗi khổ niềm đau...
Tác giả Lưu Đình Long trên sân khấu giao lưu và ra mắt sách cùng MC – TS Phạm Thị Thúy
Nhìn về các vấn đề của cuộc sống như bão lũ, ngân sách thâm hụt..., con mắt người học Phật nhìn với đôi mắt khác, không thể lên án, sợ hãi. Mình nhìn với hiểu và thương mới thấy được cuộc đời có những niềm đau nỗi khổ nhưng ở chính cuộc đời đó cũng có những hạnh phúc, những niềm vui; nơi mỗi con người có phần xấu vẫn còn những phần tốt cần thừa nhận. Nhiệm vụ của chúng ta là tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp trong tâm hồn họ để những hạt giống đó được nảy nở.
Lưu Đình Long nói thêm: “Khi tâm an nhìn người, nhìn đời rất dễ thương. Vấn đề là các bạn có muốn thay đổi hay không vì những điều trong sách các bạn biết, thậm chí biết rất nhiều. Muốn thay đổi thì cần nhiều nỗ lực, kiên trì. Hai yếu tố đó tạo nên sức mạnh, và khi có sức mạnh để làm, để thay đổi thì mình sẽ thành công”.
Một bạn đọc đặt về chữ thương trong giới trẻ ngày nay. Theo bạn, tình yêu dành cho đại chúng thường dễ nhưng yêu thương một người rất khó. Làm sao để yêu thương một người thật thong dong, nhẹ nhàng?
Theo tác giả Lưu Đình Long, người trẻ ngày nay ít có kỹ năng về thương, chỉ thương theo bản năng. Khi thương thì mong muốn chiếm hữu, chiếm hữu về thời gian, suy nghĩ của người ấy, muốn người ấy chỉ dành cho mình thôi chứ không cho người khác. “Suy nghĩ đó cần được loại bỏ vì nó giống như sợi dây trói mình. Mỗi người cần có nhiều mối quan hệ ngoài quan hệ với người họ yêu thương. Nếu có thể yêu thương thong dong nhẹ nhàng, người kia sẽ càng có lý do để bên mình nhiều hơn”, Lưu Đình Long chia sẻ.
Một độc giả và cũng là một người bạn của Lưu Đình Long chia sẻ cảm nhận về “Như mây thong dong”