Quế Nam - Ngãi, một thuở lên ngôi

TS Nguyễn Đăng Vũ
TS Nguyễn Đăng Vũ
26/12/2020 10:00 GMT+7

Qua nhiều thế kỷ, quế Thanh (Thanh Hóa), quế Quỳ (Nghệ An), cũng như quế Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi) luôn thăng, trầm. Trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng thấy ít nhiều về một thời quế Nam - Ngãi đã có lúc lên ngôi.

Sơ lược về bộ Hội điển sự lệ ghi chép việc mua quế Nam-Ngãi

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (gọi tắt là Hội điển), là bộ sách gồm 262 quyển, bằng chữ Hán, do Nội các triều Nguyễn biên soạn vào giữa thế kỷ 19, gồm các tác giả: Miên Định, Miên Nghi, Vũ Xuân Cẩn, Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản… và các quan lại 6 bộ (mỗi bộ có khoảng 15 người). Bộ Hội điển được bắt đầu thực hiện từ năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) và hoàn thành vào năm Tự Đức thứ 4 (1851) có ghi chép việc mua quế Nam-Ngãi.
Đến tháng 9 năm Ất Mão (1855), sách được cho khắc in. 13 năm sau, vào tháng 8 năm Mậu Thìn (1868), bộ sách mới được in xong. Học giả Trần Văn Giáp trong công trình Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, nguồn tư liệu văn học, sử học Việt Nam có thống kê bộ sách có 262 quyển, mỗi quyển bình quân 30 tờ, khổ 20x30 cm, cộng cả thảy 8.000 tờ.
Bộ sách này ghi chép về các chỉ dụ, sắc lệnh của nhà vua cho các bộ, các địa phương thi hành trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thời Gia Long lên ngôi đến thời Tự Đức đang trị vì. Trong phần nhà nước thu mua, có nhiều trang viết liên quan đến việc thu mua ngũ cốc, ngũ kim, tơ lụa..; các loại sản vật, như đường, yến sào, dầu thơm, quế, mật ong, sa nhân, nón, chiếu… ở nhiều nơi trong cả nước.
Ở đây chỉ trích một số ghi chép liên quan đến việc nhà nước thu mua quế Nam – Ngãi trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ 19, và cũng chỉ trong khoảng thời gian từ thời Minh Mạng đến thời Tự Đức.

Vài số liệu thu mua quế

Trong quyển 65, ghi chép việc nhà nước thu mua, có nói mua các vị thuốc. Trong mục nói về chuyện thu mua các vị thuốc, có viết công việc thu mua quế.
Có thể liệt kê một vài số liệu thu mua quế thời Minh Mạng như sau:
Tại Quảng Nam, vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821) và năm thứ 3 (1822), chuẩn lời tâu, cho mua quế thượng hạng, hảo hạng và hạng thường ở Thu Bồn và Chiên Đàn. Riêng năm 1822, mua quế hạng nhất 100 cân là 52 quan, hạng thường 100 cân là 24 quan. Từ năm Minh Mạng thứ 4 (1823), lại xuống chỉ cho Quảng Nam chuẩn y giá thu mua, có tăng so với các năm trước, gồm: Quế tạ hạng đầu mỗi 100 cân là 55 quan; quế thường 100 cân là 25 quan. Từ đó về sau lại cho phép tăng giá. Quế tạ hạng đầu nguồn Thu Bồn 100 cân là 20 lạng bạc; nguồn Chiên Đàn 100 cân là 19 lạng bạc; còn quế tạ thường là 9 lạng bạc. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), mua quế hạng nhì, mỗi cân 4 quan 5 tiền 30 đồng; quế hạng ba mỗi cân 2 quan 7 tiền 36 đồng; quế tạ hạng đầu mỗi cân 1 quan 2 tiền… Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), mua 1.252 cân 8 lạng quế bì, mỗi 100 cân giá 100 quan; 1.019 cân 8 lạng quế chi, mỗi 100 cân giá 55 quan. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), xét quế cây của Quảng Nam đã nộp, cho cân lại khoảng hơn 47 cân, châm chước cho cấp trước là 1.000 quan.
Tại Quảng Ngãi, vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828), thu mua quế tạ ở 2 nguồn Đà Bồng, Cù Bà (tức Trà Bồng và Sơn Hà), mỗi cân giá 35 quan. Sách này cũng cho biết, việc thu mua giá quế ở Quảng Ngãi có điều hơi cao (so với quế Quảng Nam).
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua lại cho phép phát tiền, phát thóc trước cho dân Nam - Ngãi để đến kỳ thu mua cho được 2 vạn cân quế. Vào năm sau, cũng có đạo dụ việc thu mua quế Nam - Ngãi tương tự. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), lại có dụ cho đặt mua các hạng quế, trừ hạng quế chi (quế cành) vẫn mua theo giá cũ, còn quế bì, cho mua theo giá tăng thêm 2 tiền so với việc mua trước đó là 6 tiền, thành mỗi cân 8 tiền (Hội điển, tập III, quyển 65).
Sang thời Thiệu Trị và Tự Đức, việc thu mua quế vẫn được chú trọng. Vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), nhà vua dụ cho mua 1 vạn 5 nghìn cân quế các hạng ở Quảng Nam, 5 nghìn cân quế các hạng ở Quảng Ngãi. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), nhà vua cho mua 1 vạn cân quế các hạng ở Quảng Nam, 2 nghìn cân quế các hạng ở Quảng Ngãi.
Năm đầu thời Tự Đức (1848) nhà vua cho mua quế các hạng ở Nam - Ngãi, mỗi tỉnh 1 vạn 5 nghìn cân (Hội điển, tập III, quyển 64)…

GS Georges Condominas - nhà dân tộc học lừng danh của thế giới thế kỷ 20 - thăm một vườn quế Trà Bồng, Quảng Ngãi năm 2008

ẢNH: ĐĂNG VŨ

Cách thu mua và mục đích thu mua

Vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), vua Minh Mạng đi tuần du một số địa phương để khảo sát những thứ cần dùng và có dụ đại ý rằng: Việc thu mua của dân nhất thiết phải trả giá hậu hĩnh, không được làm phiền nhiễu nhân dân. Đến năm 1826, nhà vua có chỉ dụ cho 15 phái viên chia đi khắp các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Hòa (Khánh Hòa ngày nay) hội họp với các quan doanh trấn, chiếu theo sản vật địa phương mà định giá thu mua để hàng hóa khỏi ế đọng, trong đó có quế Nam - Ngãi. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), lai dụ xuống các quan tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát các tỉnh, từ đó về sau nếu muốn thu mua các sản vật địa phương, trong đó có quế, đều phải căn cứ vào giá của những nhà buôn thu mua mà thu mua cho đúng giá thị trường, cấm các chức dịch, tổng lý sách nhiễu làm khó dễ, để dân vui lòng đem bán. Đến năm 1835, lại dụ: Dân đem sản vật đến bán, bất cứ nhiều hay ít, phải trả ngay tiền mặt, không được chậm trễ, không được để chức dịch dây phần vào đó.
Vào các thời Thiệu Trị, Tự Đức cũng đều cho những đạo dụ tương tự. Năm 1848, vua Tự Đức còn có dụ, đại ý rằng: Xét thấy, quế là thổ sản của Nam - Ngãi, từ trước thuyền của nhà nước đi ngoại quốc việc công, nên dùng quế Nam Ngãi trao đổi, buôn bán, để sắm quân nhu. Vì vậy từ nay về sau, hằng năm cứ khoảng đến mùa đông, bộ tư cho quan chức hai tỉnh Nam - Ngãi đi khảo sát từng loại quế, thấy loại nào trội hơn 1, 2, 3 giá thành trở xuống thì thôi không đáng cò kè, còn trội hơn 4 ,5 giá thì xét bớt cho vừa phải. Việc khảo sát giá cả chỉ trong vòng một tuần, không được dây dưa chậm trễ… (Hội điển, tập III, tr. 593).
Qua những đoạn ghi chép này, có thể thấy rằng: đã có một khoảng thời gian khá dài, từ đầu thời Minh Mạng đến thời Tự Đức, quế Nam - Ngãi là sản vật địa phương được nhà nước chú trọng thu mua, chứ không phải chỉ là công việc của các thương nhân người Hoa lặn lội thu gom quế vùng Nam - Ngãi để xuất bán qua Trung Hoa, hay bán cho các nước Trung Đông hoặc các nước phương Tây. Dường như vào khoảng thời gian này, triều đình đã nghiêm cấm hẳn việc thương nhân Hoa kiều mua bán quế. Việc thu mua lẫn buôn bán quế (và một số sản vật khác nữa) phải do chính nhà nước tổ chức thực hiện.
Và cũng còn một điều khá lạ là: Trong phần nói việc thu mua trong bộ Hội điển, dường như không thấy chỗ vào nào đề cập đến việc thu mua quế Thanh (Thanh Hóa), quế Quỳ (Nghệ An) vào thời gian này. Để lý giải về điều đó, cũng như việc giao thương của nhà Nguyễn, trong đó có việc buôn bán quế, có lẽ phải tìm hiểu thêm nhiều nguồn tài liệu khác, của các tác giả trong và ngoài nước, có nội dung liên quan đến lịch sử, kinh tế, xã hội của nước Việt Nam ta thời bấy giờ, hay gần hơn là các tài liệu ghi chép về riêng quế Trung bộ, hoặc có đề cập đến quế Trung bộ, của E.Roberts, M.Hedde, Borière, Charles Crevost, Phó Đức Thành… Vì chỉ là một bài báo, nên ở đây chúng tôi chưa có điều kiện đề cập. Chắc hẳn phải cần đến một chuyên khảo về quế Trung Bộ, quế Nam - Ngãi, của một ai đó thật sự quan tâm.
Một nho sinh của huyện Bành Hồ (Đài Loan), sau chuyến bị gió bão đánh trôi giạt vào bờ biển Quảng Ngãi, rồi được ưu ái lưu lại tỉnh thành Quảng Ngãi trong suốt mấy tháng cuối năm 1835, là Thái Đình Lan, đã xác tín điều này trong tác phẩm Hải Nam tạp trứ nổi tiếng. Ông cho biết: “Nhà nước (Đại Nam – tức Việt Nam) cấm buôn bán nhục quế và đường, không cho tư gia mua để xuất khẩu; quy định giá để thu mua về cho triều đình buôn bán” (Hải Nam tạp trứ, bản dịch của Ngô Đức Thọ, in trong sách Thái Đình Lan và tác phẩm Hải Nam tạp trứ của Trần Ích Nguyên - Giáo sư tại Đại học Thành Công - Đài Loan, NXB Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2009, tr.249).
Qua những trích dẫn và diễn giải trên, tạm thời nhận định, do chính sách thu mua quế độc quyền của triều đình để buôn bán, trao đổi (như để mua sắm quân nhu ở nước ngoài chẳng hạn), nhưng lại thoáng đạt trong cách thu mua, luôn khuyến khích dân đem bán quế, nghiêm cấm sự chèn ép, nên quế Nam - Ngãi một thời thật sự lên ngôi. Đó là chưa nói đến lý do, nhà nước lúc bấy giờ chỉ chú trọng đến sản phẩm quế Nam - Ngãi, mà chưa chú trọng đến sản phẩm quế ở vùng đất khác.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.