'Quốc hội 15 có tiếp tục làm vụ Hồ Duy Hải không?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/03/2021 17:39 GMT+7

Đánh giá cao công tác của TAND tối cao và VKSND tối cao, song Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, còn nhiều vụ việc bức xúc như vụ án Hồ Duy Hải.

Phải giao chỉ tiêu giám sát cho đại biểu

Chiều 25.3, Quốc hội dành thời gian để các đại biểu thảo luận tại tổ về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao và VKSND tối cao.
Thảo luận tại tổ Hà Nam, Bình Phước, Cần Thơ, Bến Tre (tổ 11), Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan kể trên, song khẳng định bên cạnh đó, “chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm một phần của những hạn chế, tồn tại mà các cơ quan đó hiện nay đang mắc phải”.
Ông Nhưỡng cho rằng, việc giải trình tại Quốc hội của các cơ quan vẫn chưa cao, vẫn còn hình thức. Quốc hội chưa yêu cầu tập đoàn nào giải trình trước Quốc hội. Có lẽ nên nghiên cứu vấn đề này, trước hết là tập đoàn nhà nước cần giải trình trước Quốc hội.
Cũng theo ông Nhưỡng, việc giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội và cá nhân đại biểu chưa cao, nhất là đại biểu rất ngại đụng chạm đến các vấn đề của địa phương.
"Làm thế nào để giao chỉ tiêu giám sát cho đại biểu. Nếu khoá XV làm được thì tôi cho rằng là “vĩ đại”, ông Nhưỡng nói.
Phó ban dân nguyện cho biết, ông đang trong tâm trạng sẽ không tham gia Quốc hội khoá tới nữa, nhưng thấy còn nhiều vấn đề ngổn ngang mà ông đã kiến nghị các cơ quan chưa được giải quyết.
"Vậy những vấn đề tôi đặt ra từ trước đến nay sẽ được giải quyết như thế nào? Có những vấn đề đang giải quyết chưa có kết quả, có những vấn đề đang chờ đợi giải quyết, có những vấn đề giải quyết rồi tôi vẫn chưa yên tâm", ông Nhưỡng nói.

Nhận định không có oan sai là chưa phù hợp

Nêu ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của TAND tối cao và VKSND tối cao, Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, còn rất nhiều vụ việc chưa được giải quyết mà cử tri rất băn khoăn, rất bức xúc.
“Cái này chúng ta không được phép nói dối. Như vụ Hồ Duy Hải hiện nay rất bức xúc. Người ta đặt rất nhiều câu hỏi mà chúng ta chỉ nói đến một mức độ thôi vì mình là người của tổ chức, chứ còn nói toạc ra thì nhiều vấn đề quá. Căn cứ sao, chứng cứ sao? Hiện nay phát hiện thêm vấn đề mới rất nhiều. Những vấn đề này thì như thế nào đây và Quốc hội khoá 15 có tiếp tục làm việc không?”, ông Nhưỡng nêu.
Ông Nhưỡng cho rằng, với gần 10.000 kháng nghị, kiến nghị đã được các cơ quan xem xét thì nghĩa là có sai sót nhưng các báo cáo đều nhận định là không có oan sai là chưa phù hợp.
“Oan sai có thể 10 năm sau, 20 năm sau mới phát hiện ra, bây giờ chúng ta nhận định như thế tôi cho rằng chưa phù hợp, cần phải nhận định là chưa phát hiện thì hay hơn”, ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cũng đề xuất công tác phối hợp trong tư pháp rất quan trọng, 3 cơ quan phối hợp nhưng không cẩn thận thì thành thoả hiệp để buộc tội hoặc thoả hiệp để bao che. Nếu không chú trọng đến vấn đề nguyên lý thì sẽ xâm phạm đến hoạt động tư pháp.
"Khi tôi làm luật sư, đến lúc dồn quá thì kiểm sát viên còn nói câu là: 'Cái này chúng tôi đã họp 3 ngành rồi, cái này đã có văn bản rồi'. Thống nhất 3 ngành được coi là 1 chân lý”, ông Nhưỡng dẫn ví dụ, và đề nghị Quốc hội cần giám sát rất kỹ lưỡng những cái gì được gọi là phối hợp trong hoạt động tư pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.