Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XI phát biểu chào mừng sự thành công của cuộc bầu cử vừa qua, chào mừng 500 ĐBQH được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: QH khóa XIII có vinh dự và trách nhiệm lớn trong việc kế thừa và phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của QH các khóa trước, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và thực tiễn sinh động của cuộc sống, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình để hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách trước đất nước, trước nhân dân. Ông đề nghị QH quan tâm thực hiện 5 định hướng lớn, trong đó cần tập trung nhiều thời gian, công sức cho việc nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo tinh thần Nghị quyết ĐH XI của Đảng và các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của QH; các ĐBQH dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn để bầu và phê chuẩn những người xứng đáng vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
|
Tổng bí thư đề nghị các ĐBQH “dù ở cương vị công tác nào, cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người ĐB nhân dân; thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri; tích cực, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của QH và các cơ quan của QH”.
Dự kiến có 4 phó chủ tịch quốc hội Chiều 21.7, Tổng bí thư - Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đọc Tờ trình dự kiến số lượng ủy viên Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIII. Theo đó, QH sẽ có 18 Ủy viên TVQH, trong đó có Chủ tịch QH, 4 Phó chủ tịch QH phụ trách các lĩnh vực văn hóa - xã hội, kinh tế - tài chính, pháp luật - tư pháp và an ninh - quốc phòng. 13 ủy viên Thường vụ còn lại được phân công đứng đầu các ủy ban của QH và Hội đồng Dân tộc, Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu.
Cũng trong chiều 21.7, QH biểu quyết thông qua nghị quyết xác nhận tư cách ĐB của 500 ĐBQH khóa XIII với sự nhất trí cao của 100% ĐB có mặt tại phiên họp. Theo nghị trình, sáng 22.7, các đoàn ĐBQH sẽ họp để bầu trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và thảo luận về dự kiến số Phó chủ tịch QH và số Ủy viên Ủy ban TVQH khóa XIII theo nội dung Tờ trình nói trên của Ủy ban TVQH khóa XII.
|
Kiên quyết bảo vệ biển đảo, kiềm chế lạm phát Nhất quán chủ trương về vấn đề biển Đông; kiên quyết thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát... là những vấn đề đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Sáng qua, QH nghe Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011.
Trong báo cáo trên, Phó thủ tưởng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu, tình hình kinh tế xã hội nước ta đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Cụ thể, lạm phát vẫn ở mức cao, giá tiêu dùng tháng 6.2011 tăng 13,29% (bình quân cùng kỳ tăng 16%), vượt chỉ tiêu được QH thông qua (không quá 7%). Mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Lãi suất huy động bình quân tăng khoảng 2,9% so với cuối năm 2010. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khá lớn. Sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt mức 5,57%, thấp hơn chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2011 đã được QH thông qua (7-7,5%). Phó thủ tướng cho rằng cần nỗ lực phấn đấu để tốc độ tăng trưởng cả năm đạt khoảng 6%, tạo điều kiện để phấn đấu năm 2012 tăng trưởng đạt khoảng 6,5%. Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiềm chế, giảm dần lạm phát để CPI năm 2011 tăng ở mức 15-17%, phấn đấu để năm 2012 và các năm tiếp theo lạm phát ở mức thấp hơn, trở về mức một con số và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đủ điện, tăng lương tối thiểu Chính phủ đặt chỉ tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2011 ở mức dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15 - 16%; kiểm soát nhập siêu cả năm không quá 15 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP. Chính phủ cũng cam kết sẽ kiểm soát chặt thị trường, giá cả, chủ động ứng phó, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu. Giá điện, xăng dầu, than sẽ được điều hành theo cơ chế thị trường nhưng phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Liên quan trực tiếp tới đời sống và thu nhập của người dân, Chính phủ cũng cam kết: Nhà nước đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, đi đôi với tiết kiệm điện. Tiếp tục điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp trong tháng 10. 2011. Nhất quán chủ trương về biển Đông Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ 6 tháng đầu năm khẳng định mạnh mẽ chủ trương của Chính phủ về tình hình biển Đông. Phó thủ tướng chỉ rõ: Trong tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện nhất quán chủ trương đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết tình hình phức tạp trên biển Đông; chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực và trên thế giới, các diễn đàn quốc phòng - an ninh khu vực, tiếp xúc song phương, đa phương; đồng thời, triển khai kiên quyết và đồng bộ các biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản, các hoạt động kinh tế - thương mại, khai thác, thăm dò dầu khí, tài nguyên khoáng sản trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.
Phó thủ tướng kêu gọi: trước tình hình và diễn biến phức tạp, chúng ta cần hành động kiên quyết, kịp thời, phù hợp với pháp luật quốc tế, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Thực hiện phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng vùng biên giới, hải đảo; tăng cường sự chủ động của các địa phương trong việc xây dựng tiềm lực kinh tế kết hợp với quốc phòng. Tuệ Nguyễn |
Cân nhắc kỹ việc miễn, giảm thuế Báo cáo thẩm tra đề xuất của Chính phủ về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH khuyến nghị “việc áp dụng các giải pháp miễn, giảm thuế tại thời điểm hiện nay cần được cân nhắc thận trọng”.
Các nội dung đề xuất miễn, giảm, giãn thuế mà Chính phủ trình QH tại phiên họp chiều 21.7 tương tự những nội dung trình Ủy ban TVQH tại phiên họp thứ 42 trước thềm kỳ họp thứ nhất. Theo đó, Chính phủ đề nghị giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm 50% mức thuế khoán VAT, thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cho các hộ kinh doanh nhà trọ, cung cấp suất ăn cho công nhân và dịch vụ giữ trẻ; miễn thuế cổ tức được chia, lợi nhuận từ chuyển nhượng chứng khoán; miễn thuế các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương đến mức chịu thuế ở bậc 1, dự kiến áp dụng từ ngày 1.8.2011 đến hết tháng 12.2011. Tổng số thuế dự kiến miễn giảm vào khoảng 13.300 tỉ đồng. Tuy vậy, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình lại đặt ra khá nhiều băn khoăn, lo ngại trước đề xuất miễn, giảm, giãn thuế nói trên của Chính phủ. Theo ông Phùng Quốc Hiển, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc áp dụng các giải pháp miễn, giảm thuế tại thời điểm hiện nay “cần được cân nhắc thận trọng”. Lý do là mục tiêu nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế mà Chính phủ đặt ra khi đặt vấn đề miễn, giảm, giãn thuế khó có thể đạt được hiệu quả cao vì “việc miễn thuế TNCN đối với người có thu nhập đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 không tác động đến đa số người lao động và người làm công ăn lương vì theo quy định của Luật Thuế TNCN, những đối tượng này không thuộc diện chịu thuế (ủy ban này dẫn chứng, hiện nay số lượng người thuộc diện chịu thuế TNCN trong khu vực hành chính sự nghiệp là rất ít, chỉ có 172.288 người, số người thuộc khu vực kinh doanh là 678.860 người tính tới thời điểm 31.12.2010). Mặt khác, do số tiền thuế phải nộp ở bậc 1 là không cao nên việc miễn thuế không mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho người nộp thuế, chỉ mang tính động viên”. Từ các quan điểm trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách vẫn bảo lưu quan điểm đã bày tỏ tại phiên họp Ủy ban TVQH trước đó, tức là chỉ đề nghị xem xét giảm thuế đối với DN vừa và nhỏ, không giảm đối với các DN như tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, ủy ban này cũng đề nghị QH cân nhắc kỹ đề xuất miễn toàn bộ thuế TNCN đối với lợi nhuận chuyển nhượng từ chứng khoán và cho rằng trường hợp thật cần thiết có thể giảm thuế với một tỷ lệ nhất định, không miễn toàn bộ, bởi chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. Đã là hoạt động kinh doanh thì về nguyên tắc, khi có lợi nhuận phải nộp thuế. Về đề nghị miễn thuế TNCN từ ngày 1.8 đến hết 31.12.2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1, nhiều ý kiến ở Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình, nhưng không ít ý kiến đề nghị cân nhắc việc miễn thuế vì phương án Chính phủ đề xuất chỉ mang tính động viên, sức lan tỏa của chính sách không lớn. Theo nghị trình, nội dung đề xuất miễn, giảm, giãn thuế sẽ được QH thảo luận vào sáng 5.8.2011 và nếu đa số ĐB đồng ý, QH sẽ thông qua nghị quyết.
Bảo Cầm |
Bảo Cầm
Bình luận (0)