Quốc hội thảo luận: Có tình trạng không tiếp dân đầy đủ, đùn đẩy trách nhiệm

09/06/2017 11:52 GMT+7

'Một bộ phận cơ quan chức năng giải quyết đơn thư cho dân không đầy đủ; còn đùn đẩy trách nhiệm', Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nói.

Sáng 9.6, Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Cùng ngày (9.6), sau khi các đại biểu cả nước phát biểu ý kiến, Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ các vấn đề.
Cơ quan chức năng không tiếp dân, đùn đẩy trách nhiệm
Đại biểu Quốc hội (ĐB) Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đông người là vấn đề cử tri hết sức quan tâm, đặc biệt ở những địa phương, địa bàn bị thu hồi đất. Nhiều người dân bị đối tượng xấu lôi kéo mà không biết mục đích thật của các đối tượng này là gì.
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) Ảnh: Quochoi.vn
“Vậy nguyên nhân do đâu, tôi nghĩ rằng do thực thi công vụ của cơ quan tổ chức không rõ ràng gây bức xúc cho người dân, một bộ phận cơ quan chức năng giải quyết đơn thư không đầy đủ, còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau; người đứng đầu chính quyền của địa phương không tiếp dân 1 tháng/1 lần theo quy định; cơ quan chức năng giải quyết không tốt, không bảo vệ dân mà bảo vệ nội bộ của nhau. Công tác hòa giải không tốt của cơ quan công quyền; cũng có một bộ phận người dân không hiểu và cố tình không hiểu pháp luật gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý”, ĐB Hiểu nhấn mạnh.
ĐB Hiểu kiến nghị cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ sở, phải xem đây là việc thường xuyên, cấp bách; chấn chỉnh công tác tiếp công dân, phải có bước đột phá trong việc lựa chọn cán bộ tiếp công dân; phải có cơ chế, quy định về việc xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ nếu không xử lý đúng pháp luật; khi có tình huống gì của dân thì phải tiến hành đối thoại với dân. Ngoài ra, phải xử lý nghiêm những đối tượng lôi kéo người dân đi khởi kiện gây mất an ninh trật tự.
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ rà soát toàn diện, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực để các đơn vị đạt chỉ tiêu Chính phủ đề ra. “Liên quan đến đời sống ngư dân khó khăn, ngư trường thu hẹp, đầu tư đi biển thì cao; việc sử dụng chất nổ trong khai thác biển diễn ra nhức nhối, vấn đề đe dọa trên biển ngày càng nhiều. Vì vậy phải có chính sách cụ thể hỗ trợ, bảo vệ trực tiếp cho ngư dân; đồng thời phải xây dựng hệ thống tránh bão cho ngư dân”, ĐB Phúc nêu ý kiến.
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng nhấn mạnh những vấn đề mà người dân bức xúc thời gian qua. Cụ thể, người dân đang bất an về tham nhũng và sự lãng phí quá lớn gây mất lòng tin ở người dân; mất cân đối ngân sách, áp lực phải trả nợ của VN quá lớn, làm 1 đồng chi tới 3 đồng; thương mại hóa quan hệ xã hội, đồng tiền làm suy thoái đạo đức, chạy chọt quá nhiều như chạy trường, chạy chỗ, chạy điều tra, chạy án, chạy khỏi tổ quốc.
Đặc biệt, dân không thể yên tâm khi rừng đã hết, đất ở cho dân không có, sử dụng lao động giá rẻ và hệ lụy môi trường khi sông chết, biển chết, đất chết không thể kể nổi
Lại điệp khúc nông sản được mùa, mất giá
Nhiều ĐB lo lắng về tình trạng nông sản "được mùa nhưng mất giá" chưa khắc phục được. Các ĐB cho rằng cần phải căn cứ vào dự báo của thị trường để cơ cấu, sản xuất sao cho phù hợp; ví dụ dưa hấu nông dân trồng có lúc giá 1.000/kg, nhưng có nơi thị 3.000/kg vì vậy phải xử lý thị trường nội địa và quốc tế để điều chỉnh giá.
ĐB Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) nêu ý kiến, biện pháp tình thế giải cứu hàng nông sản như thịt heo, chuối, cà chua, dưa hấu... không khả quan; trong tháng 4, Lâm Đồng có đến 11.000 hecta cây điều thất thu trắng do dịch bệnh.
Ông Việt kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa để có cơ chế phát triển nông sản; đồng thời liên kết với các nhà khoa học và doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để giúp phát triển nền nông nghiệp VN bền vững.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lo ngại vì trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 có sự tăng trưởng GDP thấp, lạm phát cao. ĐB Ngân cho rằng nguyên nhân đầu tiên là do sự biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng khiến kết quả trồng trọt cả nước giảm xuống. Đồng thời, do ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vụ ô nhiễm ở Formosa Hà Tĩnh, nếu như có sự thay đổi về môi trường sẽ giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Tại buổi họp, các ĐB cũng lo ngại vấn đề an sinh xã hội, lĩnh vực nông nghiệp bởi nếu không đầu tư đúng mức về chất lượng trong lĩnh vực này thì rất khó phát triển được nền kinh tế. Phải có cơ chế khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, xác định nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng mà chính phủ cần quan tâm.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc từ 14 giờ đến 18 giờ cùng ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.