Theo ĐB Đỗ Văn Đương, Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, mấy năm gần đây, đội ngũ luật sư đóng vai trò quan trọng để nâng cao trách nhiệm của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, nhờ đó oan sai giảm rõ rệt. Tuy nhiên, ông Đương cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng nhũng nhiễu đương sự của không ít luật sư và thực tế hiện nay 100% vụ án kinh tế có luật sư tham gia bào chữa nhưng tới 80% vụ án liên quan đến trộm cắp, mại dâm, nghiện hút lại gần như không có sự bào chữa của đội ngũ luật sư.
Vì vậy, ông Đương đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn nghĩa vụ luật sư trong dự luật để tránh tình trạng “luật sư chạy sô bào chữa một lúc mấy vụ việc khiến nhiều phiên tòa phải đình hoãn do sự vắng mặt của luật sư, chưa kể có luật sư đang cãi dở thì bỏ về, mất tính tôn nghiêm của luật pháp”. Theo ông Đương, tùy theo tính chất mức độ vi phạm của luật sư mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu, nếu gây thiệt hại phải bồi thường để đảm bảo sự công bằng giữa người hành nghề luật sư với các ngành nghề khác.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh dẫn trường hợp đang xử, luật sư đùng đùng xách cặp đi về, và cho rằng, trường hợp luật sư đã nhận bào chữa, có giấy triệu tập của tòa, nếu không tới thì phải chịu phí tổn, nếu tái phạm nhiều lần thì phải thu thẻ luật sư.
Ngoài nội dung trên, các ý kiến phát biểu chưa đạt được sự thống nhất về việc có nên để giảng viên trường luật tham gia hành nghề luật sư để tận dụng chất xám của đội ngũ này trong bối cảnh số luật sư còn hạn chế như hiện nay, trình độ, năng lực của không ít luật sư chưa đảm bảo… Đa số ý kiến đề nghị đơn giản hóa thủ tục cấp giấy bào chữa cho luật sư trong quá trình tố tụng.
Bảo Cầm
Bình luận (0)