Quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân

07/05/2011 00:14 GMT+7

GS-TS Trịnh Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Điểm nhấn mới của tiến trình dân chủ hóa ở nước ta trong nhiệm kỳ thứ XI của Đảng là xúc tiến mạnh mẽ việc hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân.

Theo ông Tuấn, ở nước ta hiện nay nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp sao cho đạt tới sự thống nhất để phát huy tác động cùng chiều, góp phần quyết định sự phát triển của xã hội ta theo hướng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy thế, mối quan hệ đó không ở trạng thái tĩnh tại, đứng yên mà rất năng động, phát triển. Qua những bước tiệm tiến, khi đạt tới sự chín muồi về trình độ nhận thức và thực hành dân chủ của đông đảo nhân dân thì những chức năng dân chủ gián tiếp sẽ dần dần được chuyển giao cho dân chủ trực tiếp. Khách quan, sự nhấn mạnh “quyền dân chủ trực tiếp” mà Đại hội XI nêu ra, có ý nghĩa xúc tiến thêm một bước sự chuyển giao ấy.

Để thực hiện quyền dân chủ của người dân theo tinh thần các văn kiện ĐH XI nói trên, đòi hỏi huy động sự nỗ lực của toàn bộ cơ chế dân chủ - Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Trước hết, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục hoàn tất thêm một bước việc đổi mới tư duy về dân chủ trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ; tham khảo nghiêm túc những bài học bổ ích và thiết thực về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; kế thừa cho được tinh hoa truyền thống dân chủ của tổ tiên trong trường kỳ dựng nước và giữ nước; tiếp thu có gạn lọc những tư tưởng, lý thuyết, tổ chức thực hành dân chủ của nước ngoài, nhất là các nước tiên tiến. Từ đó xây dựng lý thuyết và mô hình dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, dự kiến “lộ trình” phát triển của nó ghi dấu nổi bật thời đoạn hiện tại của nền dân chủ ở nước ta trên “lộ trình” đó và lấy đó làm mặt bằng xuất phát để đề ra các giải pháp.

Nhà nước cần đẩy mạnh hơn quá trình xây dựng pháp luật theo tinh thần chuyển từ pháp luật xem nhân dân là đối tượng sang pháp luật lấy nhân dân là chủ thể. Tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, tập trung vào “thể chế, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức và hiện đại nền hành chính quốc gia”. Đặc biệt là - xét từ nhu cầu của việc hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân - đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục, khoa học, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đi liền với đó, việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hành dân chủ cho đông đảo nhân dân trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi nhân dân là người trực tiếp thi hành quyền dân chủ của mình. Việc học dân chủ trở thành quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người và phải học thường xuyên trong suốt cuộc đời, học đi đôi với hành để tri thức dân chủ biến thành phẩm chất, kỹ năng vận dụng vào cuộc sống.

Bảo Cầm (lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.