Ra tay với đất có chủ bỏ hoang

18/02/2011 23:48 GMT+7

Ngày 15.2, UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho Sở Tài nguyên - Môi trường tổ chức dọn vệ sinh và quản lý các lô đất có chủ nhưng chưa sử dụng, để hoang gây mất vệ sinh môi trường. Hầu hết mọi người dân đều ủng hộ.

Những hạt sạn của thành phố du lịch

Từ cửa ngõ phía bắc đi vào trung tâm TP Đà Nẵng theo tuyến đường biển, tầm nhìn của du khách sẽ không khỏi “lấn cấn” khi giữa những tòa nhà, khách sạn hoành tráng nằm dọc tuyến đường biển dài và đẹp nhất miền Trung, thỉnh thoảng lại xen vào những bãi tập kết rác và xà bần tự phát hay những khu đất cỏ dại mọc xanh um tùm, có nơi cao hơn 2m.

Dọn dẹp 81 lô, đổ xà bần hết 320 triệu đồng

Cuộc ra quân tổng vệ sinh đầu tiên đã được thực hiện vào trước tết âm lịch vài ngày tại phường Xuân Hà do Công ty môi trường và đô thị TP Đà Nẵng thực hiện. Sau khi dọn dẹp 81 lô đất trống bỏ hoang, Công ty môi trường đô thị đã phải xử lý đến 5.120m3 xà bần, chưa kể một số lượng lớn rác thải. Nếu tính bình quân số tiền phải trả tương đương 80.000 đồng/m3 , chỉ riêng việc dọn dẹp xà bần ước tính đã tốn gần 320 triệu đồng. Nếu dọn dẹp hết cả tuyến Nguyễn Tất Thành và đường 3 Tháng 2, dự kiến con số xà bần phải được dọn dẹp tương đương 20 ngàn mét khối, một con số không hề nhỏ!

Mùa hè, đây là điểm lãnh đủ của những người dân xung quanh khi bụi từ xà bần của một số người thiếu ý thức đổ trộm cùng với gió biển biến thành những trận “bão cát”, kết hợp cùng mùi rác xông lên chịu hết nổi. Mùa mưa, những “rừng cỏ dại” ẩm thấp thi nhau mọc lên trở thành những ổ dịch sốt xuất huyết. Đó là chưa nói đến các tệ nạn xã hội khác cũng tập kết về những lô đất không chủ này khiến an ninh địa phương trở nên phức tạp.

Ông Đinh Quang Tưởng, Phó chủ tịch UBND phường Xuân Hà chia sẻ: “Đây là bức xúc của những hộ dân xung quanh khu vực có đất trống, để hoang trong những cuộc họp tổ dân phố. Trước đây, có cả xe ben đem xà bần đến đổ tại những khu đất trống. Sau này, thành phố làm quyết liệt, họ chuyển sang đổ nhỏ lẻ bằng xe rùa, xe bò. Đã nhiều lần, địa phương liên lạc với các chủ đất, kể cả ở TP.HCM, Hà Nội để họ có biện pháp bảo vệ khu đất của mình nhưng họ bảo đã sang tay bán lại rồi. Nhiều lô đất bỏ hoang cả hơn chục năm trời, không ai biết chủ nhân ở đâu để liên hệ. Chúng tôi đành bất lực”.

Dọn dẹp đất hoang theo kiểu... Đà Nẵng

Hiện tại, trên tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành và đường 3 Tháng 2 là địa bàn của 6 phường gồm Tam Thuận, Thuận Phước, Thanh Bình, Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây. Theo thống kê ban đầu báo cáo lên thành phố, những lô đất thuộc diện này tại phường Xuân Hà gồm có 81 lô, phường Thanh Khê Tây có 35 lô, các phường khác đến nay vẫn chưa có báo cáo cụ thể.

Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng đã trình UBND thành phố về việc xin tổng dọn vệ sinh tất cả các khu đất trống để trả lại mỹ quan đô thị và vừa được phê duyệt. Theo đó, trước khi thực hiện, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ ra thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với chủ các lô đất này yêu cầu họ dọn dẹp, có biện pháp bảo vệ lô đất của mình. Sau thời gian ra thông báo 10 ngày, nếu các chủ đất không thực hiện hoặc không phản hồi với địa phương hay các cơ quan chức năng, Sở sẽ đứng ra tổng vệ sinh các lô đất trống trên. Sau khi trả lại mặt bằng sạch đẹp cho các lô đất, Sở sẽ giao các địa phương tạm thời quản lý. Theo bà Phạm Thị Chín, Phụ trách Văn phòng Dự án quản lý tổng hợp vùng bờ Đà Nẵng (ICM), kinh phí để thực hiện trước hết sẽ do sở huy động từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp.

“Phạt tiền từ 2 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư quá thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho đất thuê đất đó cho phép”

Trích khoản 2, điều 20 Nghị định 105/2009 NĐ-CP ngày 11.9.2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Dọn dẹp đã khó, nhưng việc giữ gìn làm sao để những khu đất này không “mèo lại hoàn mèo” là việc khó hơn. Được biết, trong cuộc họp vừa qua giữa thành phố, Sở Tài nguyên - Môi trường cùng đại diện các địa phương liên quan đã đi đến thống nhất giao cho các địa phương quản lý và tạm thời sử dụng vào mục đích tạo nguồn kinh phí tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa phương. Các chủ đất muốn lấy lại đất phải hoàn lại kinh phí dọn dẹp mà thành phố đã chi trả.

Một số địa phương dự kiến các lô đất sau khi được dọn dẹp, sẽ được san nền, rào hàng rào để tạm sử dụng vào mục đích như cho thuê giữ xe, rửa xe, làm thúng hoặc trồng cây... Đối với những lô đất này, dự kiến các chủ đất nếu muốn lấy lại đất thì phải thông báo trước 6 tháng. Nếu chủ đất muốn lấy lại đất ngay thì ngoài chi phí dọn dẹp vệ sinh còn phải hoàn trả các chi phí đầu tư trước đó...

Nhiều người dân khi biết chủ trương của thành phố về việc dọn dẹp và quản lý các khu đất trống bỏ hoang đã rất ủng hộ, cho rằng việc làm này giúp trả lại mặt bằng cảnh quan sạch đẹp vì đây là thành phố du lịch trọng điểm của miền Trung. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về chủ trương này từ khía cạnh pháp lý và phản hồi của một số chủ các lô đất đã được cấp quyền sử dụng.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng, sau khi thực hiện thí điểm việc dọn vệ sinh và quản lý các khu đất bỏ trống ở cung đường biển Nguyễn Tất Thành và 3 Tháng 2, việc thực hiện sẽ được triển khai trên toàn bộ các khu đất đang bỏ hoang trên các tuyến đường trọng điểm trong năm 2011. 

Chủ đất phải hoàn trả kinh phí dọn dẹp

Để đảm bảo các chủ đất sẽ hoàn trả lại kinh phí mà thành phố đã đứng ra dọn dẹp vệ sinh, chúng tôi sẽ thông báo số hiệu các lô đất này lên các phòng công chứng. Các chủ đất khi muốn giao dịch, chuyển nhượng thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ đầy đủ rồi mới được phép sang nhượng, mua bán. Tôi nghĩ việc hoàn trả kinh phí sẽ thực hiện được vì đã có những quy định pháp lý để đảm bảo. 

Bà Phạm Thị Chín, phụ trách VP dự án Quản lý tổng hợp vùng bờ TP Đà Nẵng (ICM)

Buộc các chủ đất phải có trách nhiệm đảm bảo môi trường

Vấn đề này là câu chuyện môi trường. Đây là biện pháp tích cực nhằm buộc các chủ đất phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường cảnh quan. Thực chất của việc giao cho phường quản lý chủ yếu là để trông coi. Đối với một số khu đất trống chưa sử dụng để tình trạng đổ rác thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ áp dụng xử phạt. Những quy định pháp lý mà chúng tôi dựa vào để xử phạt lỗi của người sử dụng đất căn cứ vào khoản 2, điều 20 của Nghị định 105 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Ông Hoàng Minh Hòa, Chánh thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng

Trần Phương  (ghi)

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.