Rắc rối với xe thế chấp ngân hàng

Việc CSGT kiểm ra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông khiến nhiều tài xế lo lắng, bởi hiện có rất nhiều người khi vay tiền ngân hàng mua xe trả góp thì ngân hàng buộc thế chấp giấy đăng ký xe bản chính.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 3.7, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục CSGT (C67) Bộ Công an, cho biết C67 đã nhận được khá nhiều ý kiến của CSGT các địa phương về việc xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển ô tô sử dụng bản sao giấy đăng ký xe, do bản chính đã cầm cố (thế chấp) tại ngân hàng (NH) khiến tài xế lo lắng. Trên cơ sở trao đổi và thống nhất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN, ngày 31.5.2017, C67 có Văn bản số 2916/C67-P9, hướng dẫn CSGT các địa phương với nội dung: "Đối với những phương tiện thế chấp NH khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và Công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24.5.2017 của NHNN VN". “Việc lực lượng CSGT các địa phương xử lý những trường hợp vi phạm mà sử dụng giấy đăng ký xe bản sao trong thời gian qua là hoàn toàn chính xác”, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh khẳng định.
Trước đó, NHNN có Công văn 3851 “thổi còi” các tổ chức tín dụng, yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về việc bên thế chấp (tức khách hàng - PV) được giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực.
Trong thực tế, các chủ phương tiện giao thông khi vay NH mua xe trả góp thì bên thế chấp không được NH giao lại bản chính giấy đăng ký xe mà chỉ được giao bản sao có xác nhận của NH, dẫn đến tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông chỉ có thể xuất trình bản sao đăng ký xe có xác nhận của NH khi bị CSGT kiểm tra trường hợp vi phạm giao thông. Trong trường hợp này, người vi phạm sẽ bị lập biên bản, xử phạt vi phạm lỗi không có giấy đăng ký xe.
Ngân hàng lo rủi ro cao
Ngay khi NHNN “thổi còi”, yêu cầu các NH thực hiện nghiêm quy định, bộ phận pháp chế của một số NH đã họp khẩn cấp giải quyết vấn đề này. Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần cho hay, hiện NH đang “lách” bằng cách làm một giấy xác nhận ghi là khách hàng nhờ NH “giữ hộ” giấy đăng ký xe (!). Vị giám đốc này thừa nhận, nếu NH không giữ giấy đăng ký xe thì NH gặp quá nhiều rủi ro vì không loại trừ người vay mang xe đi cầm cố. Còn nếu không “lách” thì NH sẽ phải dừng hình thức cho vay thế chấp bằng chính ô tô.
“Quy định như vậy thì NH phải nghiên cứu lại sản phẩm cho vay mua ô tô thế chấp bằng chính xe đó”. Vị tổng giám đốc này cho hay nếu NH không được giữ giấy đăng ký xe của người vay, NH sẽ gặp rủi ro rất lớn. Đây là hình thức cho vay thế chấp, NH không giữ xe thì phải giữ giấy tờ. Trường hợp NH giao giấy tờ luôn cho người vay, lúc đó NH cho vay tín chấp thì chính sách đối với sản phẩm này sẽ phải thay đổi toàn bộ từ thẩm định cho vay, đối tượng vay đến lãi suất cho vay, tất nhiên cũng sẽ phải cao hơn. Còn nếu không, khách hàng phải thế chấp bằng các tài sản khác như nhà cửa cho khoản vay mua ô tô. Nếu quy định như vậy sẽ gây bất lợi cho khách hàng là doanh nghiệp vay mua ô tô phục vụ hoạt động kinh doanh, họ sẽ không có đủ tài sản thế chấp là nhà khi mua đến mấy chục chiếc xe.
TS-LS Bùi Quang Tín cho rằng cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định hướng dẫn giao dịch đảm bảo trong hoạt động NH hiện nay.
Theo quy định của luật Giao thông đường bộ, lái xe không mang đầy đủ các giấy tờ khi lưu thông sẽ bị phạt từ 80.000 - 120.000 đồng (đối với người điều khiển xe mô tô, gắn máy), phạt từ 200.000 - 400.000 đồng (đối với người điều khiển ô tô).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.