Rác thải, thực phẩm vẫn đáng báo động tại TP.HCM

Nguyên Nga
Nguyên Nga
29/10/2018 20:25 GMT+7

Đó là phản ánh của nhiều khách mời đại diện phụ nữ các quận huyện tham gia Hội nghị giao ban dư luận xã hội - chuyên đề trong giới phụ nữ TP.HCM năm 2018.

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức chiều nay 29.10 tại TP.HCM.
Theo phản ánh của Hội liên hiệp Phụ nữ Q.5, vấn đề an toàn thực phẩm được giao về Ban An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố thời gian đầu mọi người thấy yên tâm, nghĩ có “đầu mối” để quản lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của các chợ tạm trước khu vực trường học, khu công nghiệp ngày càng nhiều mà không thấy ai hỏi han gì cả.
“Ngay tại chợ đầu mối Bình Điền, có anh chị quản lý an toàn thực phẩm nào từng đến chợ đó không. Nếu có đến, có thấy những loại thực phẩm bẩn tưởng chừng bỏ đi không thể ăn được nhưng vẫn được bán công khai và nhiều người mua về chế biến bán cơm. Một suất cơm có giá 13.000 - 15.000 đồng từ nguồn nguyên liệu này chứ ở đâu ra. Theo tôi, nhiều thực phẩm hư thối vẫn được tuồng vào chợ đầu mối, chợ tạm ở khu người lao động trọ… được mua bán sôi nổi ngày một gia tăng và không có ai hỏi thăm cả. Chúng ta đang kêu gọi tẩy chay thực phẩm bẩn, tăng an toàn vệ sinh thực phẩm, vậy chúng ta có biết những thực tế này không?” - vị này nêu câu hỏi.
Phụ nữ TP.HCM lo ngại vệ sinh an toàn thực phẩm thiếu được giám sát Ng.Ng
Ngoài lo lắng thực phẩm bẩn, nhiều ý kiến than nạn xả rác bừa bãi trên địa bàn thành phố. Đi đâu cũng thấy rác, cha mẹ vô tư xả rác, con cái học theo… Thế nên, TP.HCM là nơi đầu mối tập trung dân đông và đủ thành phần nhất của cả nước, nên đi đầu trong vấn đề giáo dục nếp sống văn minh nói không với xả rác và tiến đến phạt tiền thật nặng hành vi này.
Một nữ tiểu thương tại Q.6 kể, có những chủ tịch phường tay lăm lăm máy ảnh đi chụp những người dẫn chó ra đường đi bậy chỉ để giáo dục răn đe. “Bất luận thế nào chúng ta cũng phải có biện pháp từ giảm đến bỏ hẳn thói quen xả rác. Mà để làm được điều này, cần vai trò của cơ quan quản lý. Rác xả ngập đường, ngành chức năng ở đâu mà không biết. Vấn đề là chúng ta có dám làm không”.
Nêu những ví dụ văn minh từ các nước lân cận như Nhật, Singapore, nữ nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân nhấn mạnh vai trò giáo dục với các công chức nhà nước cũng cực kỳ quan trọng để hình thành nếp sống văn minh từ công chức đến người dân. Đặc biệt, nghệ sĩ Kim Xuân cho rằng việc gian dối trong các dự án hạ tầng đang là… vấn đề nhứt nhối không chỉ tại TP.HCM.
Đồng quan điểm với nghệ sĩ Kim Xuân, bà Thái Trang - tiểu thương chợ An Đông nêu ví dụ cụ thể tại chợ. Theo bà Trang, các dự án nâng cấp sửa chữa chợ phải đặt vấn đề an toàn - chất lượng lên làm đầu trong thiết kế thi công và mua sắm vật tư vì đây là công trình công cộng hằng ngày có hàng ngàn người vào ra chợ. Yếu tố an toàn chất lượng phải được đặt lên hàng đầu.
"Tuy nhiên, thực tế đã không ít lần xảy ra tình trạng làm dối, làm ẩu… Thường do tiểu thương phát hiện và phản ánh lên Ban quản lý chợ, lên quận. Theo tôi, vấn đề là những kiến nghị chính đáng từ tiểu thương, nên chăng cần được các cấp lắng nghe một cách có thiện chí và có trách nhiệm hơn, đặc biệt là Hội liên hiệp Phụ nữ Q.5", bà Thái Trang nói và cho rằng, người dân ra làm ăn kinh doanh theo pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Những kiến nghị chính đáng của tiểu thương chính là phán ánh của người dân, phản ánh lên hội liên hiệp phụ nữ quận, rồi lên quận. Tuy nhiên, rất nhiều lần không được lắng nghe nên cũng gây lo lắng, không an tâm cho tiểu thương hoạt động mua bán tại chợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.