Rau "ký sinh" trên kênh nước đen

12/07/2010 23:22 GMT+7

Nhiều người đã có "sáng kiến" tận dụng các kênh rạch nội thị để trồng rau muống kiếm lợi, bất chấp sự ô nhiễm trầm trọng của dòng nước đen có thể nguy hiểm đối với sức khỏe người tiêu thụ.

Từ rau muống made in "kênh Ba Bò"...

Ngày 9.7, từ sự mách bảo của một số tiểu thương bán rau ở các chợ trên địa bàn Q.Thủ Đức, chúng tôi lần ngược về nơi sản xuất rau muống có quy mô lớn lên đến vài héc-ta, nằm dọc hai bên dòng kênh thối Ba Bò (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) - nơi có dòng nước được xem là ô nhiễm khủng khiếp nhất của TP.HCM.

Dù các cơ quan chức năng TP đang tích cực cải tạo môi trường tại con kênh này, song tại các cống Ba Bò nằm trên tỉnh lộ 43 và đường Ngô Chí Quốc vẫn còn mùi hôi nồng nặc của các loại hóa chất và một màu đen đặc quánh kèm theo những khối bọt trắng xóa, sủi trên miệng cống. Cách đó không xa là các ruộng rau muống nước...

Len lỏi vào những con hẻm đất nhỏ, chạy ngoằn ngoèo nằm trên đường Ngô Chí Quốc, chúng tôi tiếp cận một cánh đồng rau muống rộng lớn cạnh con kênh Ba Bò. Những ruộng rau muống đang được thu hoạch, dưới những dòng nước đen ngòm, đóng váng đặc sệt... Vốc một ít nước lên ngửi, chúng tôi dễ dàng nhận ra mùi đặc trưng của nước từ dòng kênh chết Ba Bò.

Một phụ nữ đang cắt rau dừng tay nhìn chúng tôi với vẻ dò xét: "Mấy chú là nhà báo phải không?", rồi cứ liến thoắng: "Ối dào, mấy chú xuống đây làm gì cho cực, rau ở đây bảo đảm an toàn, không như mấy người trồng rau đăng trên Báo Thanh Niên đâu”. Chúng tôi hỏi: "Thế chị trồng rau bằng nguồn nước nào? Người phụ nữ đáp: "Thì từ... kênh Ba Bò đã được lọc kỹ, hết ô nhiễm rồi!".


Vỏ chai thuốc “mo” không nhãn mác vứt lăn lóc bên bờ ruộng rau muống ở KP2, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Minh Nam

Chỉ tay về khoảnh ruộng rau mới cắt gốc có màu óng ánh của nhớt thải, chúng tôi đặt vấn đề: "Phải chăng đám rau này vừa mới được đánh nhớt?", người phụ nữ này nhanh nhảu đáp: "Tôi vừa rắc vôi bột lên mới có màu như vậy!".

Vòng quanh các ruộng rau muống một hồi, chúng tôi phát hiện ngay trên một bãi đất trống mọc đầy cỏ dại có hàng trăm vỏ chai thuốc "mo" không nhãn mác được vứt lăn lóc, xếp chồng lên nhau, nhất là trong các bụi chuối gần đó. Điều này có thể khẳng định những cánh đồng rau muống ở đây người dân đã sử dụng rất nhiều thuốc "mo" cho rau và sử dụng công khai, không lén lút phi tang bằng cách chôn xuống đất hoặc cất giấu vỏ chai thuốc "mo" đã sử dụng hết như một vài nơi khác.

Tiếp tục đi qua các cánh đồng rau muống khác, chúng tôi nhận thấy những ruộng rau muống bị nhuốm màu đen của nước thối từ kênh Ba Bò, có ruộng vừa mới cắt xong, ruộng đang chuẩn bị đến ngày phun thuốc, một số ruộng khác thì đã quá lứa, bởi phần ngọn bị von và cuốn vào nhau, cọng rất dài lá non mơn mởn, trên bờ vỏ thuốc các loại vứt bừa bãi...

Bà B. - một người dân (đề nghị được giấu tên) có nhà nằm sát cánh đồng rau muống ở KP2, P.Bình Chiểu cho biết, trước đây gia đình bà mỗi ngày ăn từ 2 - 3 bó rau muống, nhưng từ khi mục kích quy trình sản xuất rau muống tại đây, đã nói lời chia tay với loại rau này. "Các cánh đồng rau ở đây do một số người từ nơi khác đến thuê đất trồng. Cứ mỗi chiều họ xịt thuốc, vài ngày đánh một loại nước gì đen sệt khiến những nhà xung quanh phải đóng cửa vì hôi chịu không nổi. Dân ở đây không ai dám ăn rau ở những ruộng rau này, chỉ có các công nhân ở nhà trọ xung quanh đây tiết kiệm quá nên mới mua ăn thôi...", cô B. nói.

Kết quả phân tích mẫu nước lấy dọc kênh Ba Bò của các cơ quan chức năng TP.HCM, cho thấy: Vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép cao nhất đến 11.000 lần (so với tiêu chuẩn nước mặt, loại B). Còn so với tiêu chuẩn VN dành cho nước thủy lợi (cho vùng đất trồng rau và các loại thực vật khác dùng ăn tươi, sống) thì loại vi sinh fecal coliform - nguy cơ gây các bệnh đường tiêu hóa - vượt tiêu chuẩn cho phép từ 450 lần trở lên.

Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM từng khuyến cáo, đây là vấn đề đáng quan tâm nhất và cần thiết phải cảnh báo, vì người dân làm nông nghiệp dọc khu vực kênh Ba Bò sử dụng nguồn nước của kênh để tưới tiêu cho rau tươi trồng trong khu vực...

Còn ông K. hàng xóm của bà B., cho rằng, đáng sợ nhất ở đây là nguồn nước. Theo ông K., nguồn nước trồng rau ở đây chủ yếu được lấy từ kênh Ba Bò - con kênh tiếp nhận nước thải trực tiếp từ những nhà máy trong các khu công nghiệp ở Bình Dương chảy về hạ nguồn thuộc địa phận TP.HCM - vốn đã nổi tiếng vì ô nhiễm rất trầm trọng. "Mặc dù biết rõ nước ô nhiễm nhưng nhiều hộ vẫn phải sử dụng nước kênh Ba Bò để dẫn vào ruộng trồng rau muống, vì họ đâu còn nguồn nước nào khác...", ông K. ngao ngán.

...đến rau muống kênh nước đen!

Chưa hết kinh ngạc vì rau muống được trồng từ nước kênh Ba Bò, một vòng qua các kênh, rạch, vốn đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng trên địa bàn TP, chúng tôi không khỏi giật mình trước sự tồn tại của nghề trồng rau muống nước ở các quận nội thành. Bởi, từ năm 2002, hàng trăm héc-ta đất trồng rau muống nước trong vùng ô nhiễm đã được khoanh vùng và ngành nông nghiệp TP.HCM xác định "phải chuyển đổi, không phù hợp trồng rau muống nước".

Nhưng trên thực tế có nhiều ruộng rau muống diện tích khá lớn, chẳng hạn vùng trồng rau nằm bên bờ rạch Vàm Thuật (Q.Gò Vấp). "Nhìn những bó rau muống bán ngoài chợ, không ai biết được chúng trồng ở kênh nước đen thế này đâu chú ơi. Tui dám cá ai mà đến đây thấy nguồn nước trồng rau rồi thì họ không dám ăn!", chị H., một người dân sống cạnh ruộng rau muống ở P.5 khẳng định. Chị H. dẫn chúng tôi ra bờ rạch chỉ xuống dòng nước đen xì, bốc mùi hôi đến nhức cả đầu, trong những đám bèo còn có cả xác động vật đang thối rữa, rồi lại chỉ tay về những ruộng rau muống xanh um, chị than, cứ mỗi lần mấy người trồng rau xịt thuốc hoặc rải phân thì tui phải đóng cửa nhà, nếu không mùi hôi và ruồi bay vào khắp nhà...

Khi chúng tôi đến làm quen với một người phụ nữ đang cắt rau và hỏi về nguồn nước để trồng rau, thì chị cũng nhìn nhận hoàn toàn là nước kênh vào, chứ không có nguồn nào khác.

Đi ngược vào nội thành, cạnh chung cư Mỹ Phước (P.2, Q.Bình Thạnh), chúng tôi bắt gặp một đoạn kênh Nhiêu Lộc từ nhiều năm qua đã bị một số hộ dân chiếm dụng mặt nước để trồng rau muống.

Tiếp xúc với chúng tôi, một người dân đã bỏ nghề trồng rau muống trên đoạn kênh này cho biết, từ khi có chung cư Mỹ Phước, dòng nước chảy vào những ruộng rau không còn ra vào mạnh như trước nên nơi này gần như là nước tù đọng. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện vẫn còn vài hộ tận dụng đoạn kênh đen này để trồng rau muống bít hết mặt kênh, trong khi chung quanh vẫn còn nhiều nhà sàn tồn tại và thải các chất sinh hoạt thẳng ra đoạn kênh này. Chúng tôi không khỏi rùng mình khi nhìn thấy bên dưới những đám rau muống xanh tươi là dòng nước đen đặc, bốc mùi hôi thối... 

Chị L., một người trồng rau muống trên kênh đã bỏ nghề, cho biết rau trồng ở đây, trước cung cấp cho các chợ ở khu vực Q.Bình Thạnh, nhưng giờ cũng đã giảm; chủ yếu là bỏ mối cho các hộ bán rau ở chợ Bà Chiểu và cho những người bán canh bún. Khi chúng tôi bày tỏ lo lắng khi thấy nguồn nước trồng rau muống ở đây quá đen, quá bẩn, chị L. khoát tay và nói: "Tui bỏ mối rau nhiều năm rồi, có thấy ai bị gì đâu. Nhìn nước đen vậy chứ tốt cho rau lắm. Khi ăn cứ rửa bằng nước muối là rau sạch ngay (?!)".

Minh Nam- Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.