Rơi nước mắt học sinh đi học lại sau lũ

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
10/11/2020 07:03 GMT+7

Nước lũ rút đã hơn nửa tháng nhưng đến nay nhiều trường học tại Quảng Bình chưa thể dạy học trở lại bình thường do thiệt hại quá lớn. Nhiều nơi phải dồn điểm trường, mượn phòng học chức năng... để dạy học.

Mọi thứ ngổn ngang, đổ nát hết

Một ngày đầu tháng 11, con đường ven sông Kiến Giang dẫn về Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) vẫn ngập ngụa trong rác, cành cây do lũ cuốn tấp vào. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay dù đã kê lên cao nhưng nước ngập sâu quá nên nhiều thiết bị dạy học như máy tính, bàn ghế, sách vở, tài liệu, tài sản của nhà trường bị trôi và hư hỏng. Tường rào bị đổ sập từng đoạn, còn lại nứt vỡ, sụt lún nghiêm trọng... Trường đang vận động các nguồn hảo tâm để hỗ trợ việc dạy và học.
Trong khi đó, ở miền tây của H.Quảng Ninh, ngày 7.11, Đồn biên phòng Làng Mô phối hợp lực lượng quân sự, Đoàn xã Trường Sơn và nhà trường dựng điểm trường tiểu học Bản Sắt cho học sinh có chỗ để học tập. Điểm trường nằm ở lưng chừng đồi, sàn bằng ván gỗ ghép lại, mái che bằng bạt, xung quanh chưa có vách ngăn...

Trường học ngổn ngang trong lũ lịch sử: Nước chưa rút đã dọn dẹp đón học sinh

Ở H.Lệ Thủy, nơi hứng chịu lũ kép và lũ lịch sử, sức người đã kiệt quệ sau nhiều ngày dọn lũ. Chị Phạm Minh Luyến, một cán bộ của Trường THCS Liên Thủy (xã Liên Thủy), tâm sự: “Chúng tôi trở lại trường khi nước hạ xuống, cảnh tượng trước mắt thảm khốc chưa từng có. Ai nấy òa khóc vì thấy mọi thứ ngổn ngang, đổ nát hết. Vết nước dâng lên hết cánh cửa các phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ. Những bức tường sạt lở, những ô cửa sổ bị giật bung ngay cả khung sắt đến cánh cửa, bàn ghế đổ sập hoàn toàn dù trước đó chúng tôi đã kê lên khá cao. Các thiết bị treo trên tường cao cũng dính đầy bùn non”.
Rơi nước mắt học sinh đi học lại sau lũ2

Lực lượng địa phương dựng điểm trường Bản Sắt (xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) cho các em có chỗ học hành

ẢNH:TRẦN NAM

Trước thảm cảnh của trường lớp, giáo viên và học sinh các trường học cùng nén nỗi đau, lo dọn dẹp. Nhiều lực lượng tình nguyện cũng chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả. Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD-ĐT H.Lệ Thủy, cho hay toàn huyện có 50 trường bị ngập lụt, trong đó có nhiều phòng học ngập sâu trên 3 m, tổng thiệt hại hơn 24 tỉ đồng. Nhiều trường sập hàng rào, sập tường phòng học, hỏng hệ thống cửa... Một số phòng học không đảm bảo an toàn cho học sinh, một số điểm không thể tổ chức học được; nhiều thiết bị dạy học, bàn ghế học sinh, nhà bán trú hư hại nặng.
Theo Phòng GD-ĐT H.Lệ Thủy, hiện các trường đã dạy học trở lại. Tuy nhiên, có 4 đơn vị phải chuyển học sinh từ khu vực lẻ về khu vực trung tâm, 2 đơn vị khác phải mượn các phòng chức năng, một số đơn vị tạm bố trí dạy học tại các phòng cũ đang hư hỏng... Ông Nguyễn Hải Dương, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Phong Thủy (H.Lệ Thủy), lo lắng khi hệ thống cửa tầng 1 gần như hư hỏng toàn bộ, trường phải che chắn và đóng nẹp tạm thời. Gần đó, tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, nhiều mảng tường phòng học của các lớp 10 bị sập, mất cửa nên trống hoác. Học sinh ngồi học trong cảnh “trống trải”. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thành cho hay ngoài vấn đề kinh phí thì bây giờ rất khó tìm ra thợ để tu sửa vì chỗ nào cũng hư hỏng.

Xót xa Lệ Thủy đổ nát, tan hoang sau lũ lụt lịch sử trăm năm có một

Xin áo quần của bạn để đến trường

Chưa hết, nhiều trường hiện còn đối mặt với nỗi lo lớn nữa, khi gia cảnh của học sinh khá bi đát sau lũ.
Nhiều em đi học mà trên tay không cầm theo sách vở gì. “Rất nhiều học sinh trường mình hoàn cảnh khó khăn, nhà sập, tài sản mất hết... Đầu năm học các em chưa có tiền nộp, nay thêm lũ lụt nữa. Sợ các em sẽ bỏ học. Gọi điện thoại động viên nhắc nhở đi học mà nhiều em báo lại rằng "bây giờ không có sách vở thì biết làm sao cô ơi...". Thương quá!”, cô giáo Trần Mỹ Hường (Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu cảnh, cho hay trong tổng số 563 học sinh của trường, rất nhiều em con nhà nông nghèo và ở rốn lũ, nhà cửa ngập sâu, tài sản gia đình và cá nhân như áo quần, giày dép, sách vở... bị trôi hoặc hỏng. Ngay cả giáo viên cũng phần lớn là người địa phương, ở vùng trũng nên máy tính, giáo án, tài sản, đồ dùng cũng lâm cảnh tương tự. “Vì vậy, cuộc sống, việc dạy và học hiện giờ vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Con đường đến trường của thầy và trò còn lắm gian nan”, bà Oanh nói.
Rơi nước mắt học sinh đi học lại sau lũ4

Lũ lụt liên tục và dữ dội khiến giáo viên và học sinh H.Lệ Thủy gặp nhiều gian truân

ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Rơi nước mắt học sinh đi học lại sau lũ5

Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (H.Lệ Thủy) ngồi học trong những căn phòng bị sập tường

Đến nhà một số học sinh của Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh mới thấu hiểu nỗi niềm của cô hiệu trưởng. Nhà của em Nguyễn Thị Thu Phương (lớp 11B, ở thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, H.Quảng Ninh) nằm trong một ngõ nhỏ. Căn nhà xây bằng bờ lô tuềnh toàng, cũ kỹ, bên trong trống trơ. Tài sản có giá trị như chiếc ti vi thì đã bị lũ cuốn. Bà Nguyễn Thị Liễu (mẹ của Phương) cho biết: “Tui đau thần kinh liên sườn. Ba nó giữ bò thuê cho họ. Lũ về, ba nó phải đưa mấy con bò đi tránh lũ trên xã khác. Rất may là 3 mẹ con ở nhà được cứu”.
Lũ cuốn trôi hết áo quần, sách vở, dụng cụ học tập... nên Phương phải sang nhà bạn xin lại áo quần cũ để mặc đi học. Sách vở, bút mực được nhà trường phân phát từ các nguồn cứu trợ; xe thì đi nhờ bạn. Khó khăn chồng chất, nhưng Phương nói: “Em mong được đi học cùng các bạn để sau này phụ giúp ba mẹ”.
Ở thôn Thống Nhất (xã An Ninh, H.Quảng Ninh), gia cảnh em Trần Văn Nhân (lớp 10B) cũng oái oăm không kém. Ba mẹ ốm yếu, mẹ bị ung thư thường xuyên phải đi bệnh viện xạ trị, thêm bà nội và 2 em nhỏ. Gia đình có mấy sào ruộng, trừ chi phí sản xuất ra chỉ đủ cho cả nhà ăn cầm cự. Vậy mà vật dụng sắm sửa được cũng bị ngập, hư hỏng hết.
Những hoàn cảnh quá éo le. Chỉ cố gắng thôi chưa đủ, phía trước của thầy trò các trường học vùng lũ còn quá nhiều chông gai...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.