(iHay) Tôi may mắn được đi nhiều nơi nhưng không hiểu sao tôi lại dành cho Lào tình cảm rất đặc biệt, thứ tình cảm nhẹ nhàng, khó quên, dù trước ngày khởi hành, tôi đã chẳng chút hào hứng hay chuẩn bị gì...
>> Du lịch bụi sang Lào siêu rẻ mà lý thú
|
2 lần nước mắt rơi
Tôi đến Lào vào một ngày cuối tháng ba. Chuyến bay buổi chiều đưa tôi sang tận Phnom Penh rồi vòng lại Vientiane khi trời vừa kịp tối. Vientiane thật lạ, mới ngày trước vẫn còn nghe dự báo thời tiết báo nóng hầm hầm vậy mà hôm nay lại đón tôi bằng những cơn gió se lạnh.
Tôi được một người bạn Lào chính gốc ra đón tận sân bay và đưa về nhà nghỉ ngơi. Bạn đón tiếp tôi bằng bữa ăn tối toàn đặc sản. Tôi đặc biệt thích món lạp truyền thống của người Lào không chỉ bởi nó thơm ngon, dễ ăn mà còn do ý nghĩa tốt đẹp của món ăn này. Trong tiếng bản địa, “lạp” có nghĩa là lộc, là may mắn nên món ăn này thường để tiếp đãi khách quý thay cho lời cầu chúc may mắn.
Là đất nước Phật giáo, Lào có đến 1.400 ngôi chùa được xây dựng rải rác trên khắp đất nước. Tôi ấn tượng mạnh với Sisaket, một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất xứ sở hoa Chămpa. Được xây dựng từ năm 1818, Sisaket hiện đang lưu giữ 6.840 tượng Phật lớn nhỏ được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau và nhiều kinh sách cổ viết bằng tay trên lá cọ.
Điều đặc biệt tại Sisaket là các tượng Phật không chỉ được thờ tự trong chính điện hay các gian phụ mà khắp các bờ tường cũng được tận dụng để lưu trữ số tượng khổng lồ. Dù không phải là người theo Phật giáo nhưng tôi gần như chết lặng khi đứng trước khu vực trưng bày hàng ngàn bức tượng Phật không có đầu. Đây là bằng chứng xác thực cho những năm tháng chiến tranh xảy ra trên mảnh đất yêu chuộng hòa bình này. Những giọt nước mắt đầu tiên của tôi đã rơi trên đất Lào là ở Sisaket.
|
Lần thứ hai tôi rơi nước mắt là ở Kung Cafe’s Laos. Quán nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ đối diện khách sạn 5 sao Don Chan ở trung tâm thủ đô Vientiane. Cô chủ quán người Việt gần 60 năm xa xứ đón tiếp chúng tôi thật nồng hậu tựa như đón một người thân ở quê nhà lâu ngày không gặp. Tôi đã ghé quán tổng cộng ba lần.
Lần đầu theo lời giới thiệu của anh bạn, lần thứ hai vì món ăn ngon, lần thứ ba, trước khi ra phi trường về lại Việt Nam, vì cô chủ quán quá dễ thương. Lúc nói lời tạm biệt, cô cứ nhắc đi nhắc lại: "Mới gặp mà không biết sao con để lại trong cô tình cảm quá nhiều. Không biết bao giờ mới được gặp lại con. Cô vui và hạnh phúc lắm". Nói xong cô ôm tôi thật chặt và bật khóc ngon lành. Tôi thấy mắt mình nhòe đi và lòng chợt nặng trĩu, cảm giác như phải bỏ lại một người thân cô đơn giữa xứ người.
Vang Viêng, thị trấn bình yên
Nằm cách Thủ đô Vientiane khoảng 150km, nhưng phải mất đến hơn 4 tiếng đi xe tôi mới đến được Vang Vieng. Phần vì đường đèo quanh co, phần vì xe ở Lào chạy khá chậm nên mất khá nhiều thời gian cho việc di chuyển.
Vang Vieng là một thị trấn nhỏ tựa lưng vào núi và quây quần bên dòng Nam Song cạn queo, êm đềm trôi. Tôi không tưởng tượng được nếu Vang Vieng không có dòng Nam Song thì sẽ như thế nào bởi mọi hoạt động ở đây đều tập trung xung quanh dòng sông hiền hòa này từ trò chèo thuyền kayaking, nhảy bungee hay trò tubing đặc trưng xứ này.
|
Với trò tubing, bạn chỉ cần một chiếc phao là đủ. Xe sẽ chở bạn lên thượng nguồn dòng Nam Song, và từ đây bạn bắt đầu thả trôi mình chiếc phao để về điểm kết thúc, chỉ vậy thôi mà các bạn Tây tham gia tấp nập. Hai bên dòng Nam Song là những quán bar nhộn nhịp du khách lắc lư theo tiếng nhạc bất kể thời gian. Nếu muốn tham gia bạn chỉ cần giơ tay, chủ quán sẽ quăng dây kéo bạn vào chơi đến khi nào chán thì thôi.
Vang Vieng có nhiều hang động, nổi tiếng nhất là Tham Jang được báo chí ca tụng hết lời, cả những sách hướng dẫn du lịch nổi tiếng thế giới cũng khen nức nở nhưng đi rồi mới thấy Phong Nha, Thiên Đường của mình đẹp hơn nhiều. Điểm khoái nhất cái hồ nằm khuất sâu trong lòng núimuốn nhảy ùm xuống mà nghĩ tới mấy cái phim kinh dị lại thôi. Giờ thì ngồi tiếc đứt ruột. Organic Farm cũng là địa điểm không thể bỏ qua khi đến Vang Vieng. Đây là khu nông trại trồng hoa màu và chăn nuôi. Nhà hàng Organic Farm chuyên bán những món ăn được chế biến từ thực phẩm nông trại với món lá dâu tằm chiên bột chấm mật ong và đặc sản phô mai dê chiên trứ danh.
Cổ kính Luang Phrabang
Tôi bị Luang Phrabang chinh phục ngay từ lần “chạm mặt” đầu tiên. Cảnh quan tươi đẹp, phố thị ngăn nắp, con người hiền hòa là những điều tuyệt vời nhất của Luang Prabang. Điều dễ dàng nhận biết là Luang Prabang rất nhiều chùa nằm nối tiếp nhau trên hầu hết các con đường trung tâm. Mỗi ngôi chùa mang một nét kiến trúc đặc trưng nhưng đều có điểm chung là đơn giản và gần gũi chứ không quá kín cổng và tách biệt.
|
Nếu như Xieng Thong Wat được biết đến là ngôi chùa được thiết kế lộng lẫy với nhiều tượng Phật và những bức tranh vẽ chạm khắc tinh tế thì Visoun Wat nổi tiếng là ngôi chùa cổ nhất cố đô được xây dựng từ năm 1.513 và được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Riêng tôi lại thích những buổi chiều nhạt nắng, bước chân vượt qua 328 bậc cấp để chinh phục đỉnh Phousi, đối diện Cung điện hoàng gia Lào, thăm ngôi chùa Wat Tham Chomsi nhỏ nhắn và ngắm cảnh hoàng hôn buông trên dòng Mekong thật quyến rũ.
Mỗi buổi sáng sớm, Luang Prabang rực lên một màu áo cam của các vị sư khất thực quanh khu trung tâm phố cổ. Bắt đầu từ ngôi chùa lớn Wat Luang ở đầu cầu Pakse, các vị sư đều không mang dép, đi chầm chậm qua các dãy phố. Đến mỗi ngã ba, ngã tư, đoàn khất thực lại chia nhỏ để tỏa về các xóm không phân biệt khu vực giàu nghèo, thức ăn ngon dở. Dân địa phương và du khách thường quỳ bên đường chờ sẵn hoặc đặt lễ vật lên một chiếc bàn nhỏ trước cửa mỗi nhà để dâng lễ vật. Đến Luang Prabang cũng đừng quên ghé thác Kuang Si, hang động Pak Ou hay ghé qua chợ đêm trung tâm để mua sắm cá mặt hàng thủ công mỹ nghệ và khăn choàng dệt tay tuyệt đẹp.
Dù có được gọi là đất nước Triệu Voi đầy kiêu hãnh hay xứ sở hoa Chămpa lãng mạn thì với tôi, đơn giản Lào là một nơi hiền hòa, mến khách và vô cùng đáng yêu.
Phượt ký của Quốc Duy
>> Sang Lào ngắm lúa dưới thung sâu
>> Đi Lào đừng quên buffet chợ đêm Luang Prabang
>> Thưởng thức món Lào tuyệt ngon ở Đà Nẵng
Bình luận (0)