Rộn rịp mùa khô tết

02/02/2019 14:06 GMT+7

Cứ vào khoảng tháng mười âm lịch hằng năm, làng Khánh An (huyện An Phú, An Giang) lại rộn rịp vào mùa khô tết.

Những ngày này, xe tải chở cá từ khắp nơi ùn ùn đổ về. Cả làng già trẻ lớn bé ai cũng tất bật. Tại cơ sở chế biến khô cá sặc bổi tên Suộl, cá đổ thành đống nhỏ nằm la liệt trên khoảng sân rộng. Người già, phụ nữ và trẻ em thi nhau nhận từng rổ cá để mần ăn tiền công.

Ở đây, mỗi rổ cá (28 kg) được thuê đánh vảy, móc ruột và thẻo đầu với giá 40.000 đồng. Cánh thanh niên trai tráng thì hì hục xúc cá vào rổ, rồi kéo đi phân phối cho thợ mần. Những người khác quét vảy, gom đầu và ruột cá. Ai cũng có việc làm. Bét nhất mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 đồng, người siêng bỏ túi bạc triệu như chơi.
Không có món nhắm nào qua cá khô, khi lai rai trong 3 ngày tết
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp
Anh Vương Thanh Thảo (40 tuổi, người chở cá thuê) nói rằng vào mùa khô tết, tại mỗi cơ sở làm khô lớn có cả trăm người mần cá, cọc cạch từ chiều đến khuya. Cá mần xong được mang đi đông lạnh, đến 2 giờ sáng mới mang ra xả nước, rửa thật sạch rồi đổ vào thùng phuy ướp nước muối. Khoảng 8 giờ sáng hôm sau, cá được chất lên kệ phơi, đến 2 - 3 giờ chiều thì gom khô vào sọt, sau đó chất vào thùng carton.
Vậy là xong quy trình làm một mẻ khô. Làm xong mẻ này thì qua mẻ khác, tất bật suốt mấy tháng trời.
“Em mần cá mướn ở đây đã được 15 năm. Từ tháng 10 đến tháng chạp em kiếm được khoảng 30 triệu đồng. Ngày thường thì mần lai rai, mỗi ngày thu nhập được ba, bốn trăm ngàn. Nhờ có nghề làm khô mà dân ở đây đỡ lắm”, cô gái tên Huyền (25 tuổi) tâm sự.
Chị Võ Thị Nhung (42 tuổi, chủ cơ sở chế biến khô) cho biết làng khô Khánh An đã nổi tiếng từ mấy chục năm qua. Cả làng có khoảng 30 gia đình làm khô với đủ loại cá nguyên liệu như: cá kết, thát lát, cá chạch… nhưng chiếm đa số là khô cá bổi (còn gọi là cá sặt rằn). Ngày thường, cơ sở chị chế biến 1 tấn khô bổi (gần 3 kg cá tươi làm ra 1 kg khô), còn vào mùa giáp tết thì tăng số lượng lên gấp đôi.
Đề cập đến bí quyết làm khô thơm ngon, chị Nhung nói chẳng có bí quyết gì, cơ sở chị làm khô chỉ có cá và muối, không cho thêm bất kỳ gia vị nào. Do vậy, ngon dở tùy vào “tay nghề” của người thợ rửa cá và ướp muối. Người rửa cá phải rửa thật sạch, còn người ướp muối phải có kinh nghiệm để cho ra mẻ khô vừa ăn, không quá mặn mà cũng không quá lạt.
Chị Nhung cho biết thị trường tiêu thụ khô cá bổi chủ yếu là TP.HCM. Thi thoảng chị cũng có thuê xe chở đến khu vực chùa Bà Chúa xứ núi Sam để bán cho khách hành hương. “Lâu lâu cũng có đoàn khách tìm đến Khánh An mua khô. Họ nói người thân ở Mỹ, Canada, Trung Quốc… thèm khô, kêu mua gửi qua bển ăn cho đỡ nhớ quê. Trong đó, người mua khô gửi về Mỹ là nhiều nhất”, chị Nhung chia sẻ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp nói rằng vào dịp tết cổ truyền, dân mình hay mua các loại thịt gia súc, gia cầm về hầm, kho, chiên, xào… đầy nồi, nhưng cánh đàn ông nhậu với các món này vài lần đã cảm thấy ngán, phải kiếm cho bằng được miếng cá khô, đĩa đồ chua làm mồi. “Theo tôi, không có món nhắm nào qua cá khô, khi lai rai trong 3 ngày tết”, ông Hiệp nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.