Ròng rã 22 ngày chống chọi Covid-19 ở TP.HCM: 'Tôi phải sống, tôi sẽ trở về'

19/08/2021 13:27 GMT+7

Ông Điệp chống chọi với Covid-19 ròng rã 22 ngày với đủ triệu chứng: sốt cao, mất ngủ, mất vị giác, tiêu chảy, ho ra máu… 'Đi qua sinh tử mới thấy yêu mến đời thường' là điều ông nhận ra sau khi chiến thắng Covid-19.

Ông N.H.Điệp (43 tuổi, ở TP.HCM) được xuất viện về nhà ngày 12.8 sau 22 ngày chiến đấu với Covid-19. Những ngày trong khu cách ly và bệnh viện dã chiến đã thay đổi suy nghĩ của ông về cuộc sống.

TP.HCM: Thêm 2.291 ca Covid-19 xuất viện, tổng cộng 80.441 bệnh nhân hồi phục

Sợ không về được

Ông Điệp là chủ một công ty xây dựng nội thất. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, toàn bộ nhân viên văn phòng làm việc ở nhà, duy nhất xưởng mộc còn hoạt động. Ông Điệp cũng làm việc tại nhà từ đó. Ngày 12.7, ông lên công ty để ký hồ sơ, không gặp nhân viên nào khác. Kết thúc công việc, ông ghé siêu thị mua trái cây rồi về nhà và không ra ngoài những ngày sau đó.
Chỉ số SP02 của anh Điệp ở mức 80-88 trong 1 tuần đầu NVCC

Chỉ số SP02 của anh Điệp ở mức 80-88 trong 1 tuần đầu

NVCC

Sáng 22.7, ông có triệu chứng sốt nhẹ. Sau khi 2 bệnh viện từ chối, ông đến Bệnh viện Q.Bình Thạnh (TP.HCM) để xét nghiệm nhanh Covid-19 thì kết quả dương tính. Ông buộc phải đi cách ly theo quy định dù chưa chuẩn bị gì. Đến khu cách ly, kết quả xét nghiệm RT-PCR là âm tính. Nhưng sau 7 ngày, kết quả dương tính với chỉ số CT lớn hơn 30. Ông được về nhà.
Dinh dưỡng là một trong số yếu tố quan trọng trong cuộc chiến Covid-19 NVCC

Dinh dưỡng là một trong số yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19

ẢNH: NVCC

“Tôi vừa cảm thấy hi vọng khi được về nhà thì ngày hôm sau sốt cao, SP02 xuống còn 77. Tôi được chuyển đến bệnh viện dã chiến cấp cứu. Bệnh trở nặng phải thở oxy. Trước đó, tôi có xin y tế phường cho mình ở nhà nhưng họ kiên quyết đưa đi. Điều đó đã cứu sống tôi, nếu không tôi đã gục đi rồi”, ông Điệp kể lại.
Anh Điệp được bạn bè, người thân hỗ trợ các bữa ăn nhà nấu đảm bảo dinh dưỡng NVCC

Ông Điệp được bạn bè, người thân hỗ trợ các bữa ăn nhà nấu đảm bảo dinh dưỡng

ẢNH: NVCC

Không chỉ ông Điệp, vợ và đứa con 7 tuổi cũng dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, hai người chỉ có triệu chứng sốt nhẹ nên được cách ly tại nhà, qua vài ngày đã cắt cơn. Tình trạng của ông Điệp tại bệnh viện không mấy khả quan.
Cơ thể ông bắt đầu suy yếu do những triệu chứng nặng như sốt cao liên tục 12 ngày, mất ngủ 1 tuần liền. Miệng đắng ngắt, ăn vào là nôn ra kèm theo tiêu chảy, ho ra máu. Tim, phổi cũng bị ảnh hưởng, nồng độ SP02 chỉ ở mức 80 - 88 trong gần 1 tuần.
“Trong bệnh viện, tôi quên mất ngày tháng, sợ hãi mình không về được. Lúc nặng nhất, tôi chỉ suy nghĩ về gia đình. Tôi đã tính trăn trối, nhờ mọi người quan tâm vợ và 2 con còn nhỏ dại”, ông Điệp xúc động nói.

CSGT TP.HCM chống dịch 2 tháng không về: 'Nhớ con chỉ biết nhìn hình"

Nằm trên giường bệnh, đeo ống thở, ông Điệp lặng nhìn xung quanh. Ông thấy những đau thương hiện hữu khi sự ra đi nhanh chóng và đột ngột của những F0 khác. Những cặp vợ chồng cùng nhập viện nhưng chỉ còn vợ ở lại sau vài ngày. Chồng đã chuyển nặng rồi ra đi. Những người mẹ cũng không thể gắng gượng chiến đấu cùng con trong cuộc chiến ấy. Những cuộc chia ly vội vã, đau đớn gây ám ảnh.
“Chứng kiến nhiều người ra đi, tôi thấy mình bám vào việc làm giàu vô vọng quá. Lâm bệnh rồi, nghĩ mình chỉ cần sống bình thường, khoẻ mạnh bên gia đình. Lúc không đi nổi, tôi ao ước đổi chiếc ô tô đang có cho ai đó để được đi lại khoẻ mạnh như người ta”, ông bộc bạch. 

Bác sĩ ơi! Người nhà mắc Covid-19, giờ em phải làm sao?

“Tôi phải sống”

Suy nghĩ về gia đình, vợ và 2 đứa con thơ dại đã giúp ông vực dậy tinh thần để chiến đấu với bệnh tật. Ông cố gắng ăn uống dù chẳng cảm nhận được mùi, vị gì. Mỗi bữa ăn kéo dài cả tiếng đồng hồ mà chỉ ăn khoảng 1/3 suất.
Theo ông, dinh dưỡng rất quan trọng trong quá trình điều trị. Ông được bạn bè hỗ trợ những bữa ăn nhà nấu với đầy đủ dưỡng chất. Ông còn tích cực uống nước ép và ăn trái cây để bổ sung vitamin. Trải qua nhiều ngày không ăn uống, ông Điệp rất trân quý những bữa ăn này. Nhờ nó, ông có thêm năng lượng chiến đấu.
Sau 22 ngày điều trị tích cực, ông Điệp đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính. Cơ thể đã sản sinh kháng thể và được xuất viện về nhà. Niềm vui nhân đôi khi vợ và con trai lớn cũng có kết quả âm tính sau 7 ngày tự điều trị. Cả gia đình khoẻ mạnh, bình an là điều khiến ông cảm thấy hạnh phúc, sung sướng và biết ơn.
Trong bệnh viện, mọi người đùm bọc và giúp đỡ nhau. Điều này khiến anh Điệp vơi đi cảm giác cơ đơn khi một mình chống chọi với bệnh tật NVCC

Trong bệnh viện, mọi người đùm bọc và giúp đỡ nhau. Điều này khiến ông vơi đi cảm giác cơ đơn khi một mình chống chọi với bệnh tật

ẢNH: NVCC

“Ý chí và niềm tin bản thân là quan trọng nhất. Tôi chiến thắng bằng ý chí bản thân, liên tục nhắc nhở mình: “Tôi phải sống và tôi sẽ trở về”. Vợ cũng luôn bên cạnh động viên rằng cô ấy yêu tôi và các con cần tôi. Gia đình là tài sản quý báu, còn người còn làm lại được”, ông tâm sự.
Ở bệnh viện, mọi người đùm bọc và yêu thương nhau. Người khoẻ giúp người yếu hơn. Ngoài cái đau thương bởi những cuộc chia ly gấp gáp, đâu đó trong một ngày vẫn có niềm vui, sự lạc quan đến từ các bệnh nhân F0 và người thân.
“Có cậu thanh niên vừa mất mẹ, vào chăm ba. Cậu giấu ba mấy ngày không dám nói. Cậu như người hùng, chăm lo cho tất cả mọi người từ bê nước, thay oxy, dìu người đi vệ sinh thậm chí chuyển viện mà không sợ tiếp xúc. Ban đêm, cậu ít ngủ, ngồi canh vì phòng tôi toàn ca nặng”, ông Điệp thuật lại.
Đi qua cửa tử, ông Điệp cảm thấy biết ơn cuộc đời, trân trọng những giây phút bình thường. Sự quan tâm, chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu khiến ông rất cảm động và biết ơn. Họ là những người hùng, những thiên thần giữa đời thường. Từ chính câu chuyện của mình, ông Điệp khuyên mọi người nên tiêm vắc xin Covid-19 sớm nhất có thể. Vắc xin không chỉ cứu mình mà còn cứu gia đình và những người xung quanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.