Rục rịch mở cửa đường bay quốc tế

01/04/2021 06:05 GMT+7

Sau thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh và nắm trong tay nhiều lợi thế để đón đầu phục hồi, Việt Nam đang xây dựng phương án mở cửa bầu trời, tái khởi động các đường bay quốc tế.

Bay quốc tế thường lệ từ tháng 7

Cục Hàng không vừa báo cáo Bộ GTVT kế hoạch triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam, thận trọng dựa trên 3 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 sẽ chỉ khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo), áp dụng với công dân Việt Nam. Cụ thể, các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp (DN) lữ hành) phối hợp cơ quan đại diện ngoại giao, địa phương tiếp nhận cách ly tại khách sạn tổ chức chuyến bay sau khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền (Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia) với chi phí trọn gói vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly và tiền ăn trong 15 ngày, phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly… Thị trường triển khai sẽ được thực hiện theo đề nghị của các hãng hàng không Việt Nam.
Cục Hàng không đề nghị triển khai ngay đồng thời với các chuyến bay giải cứu công dân do Chính phủ tổ chức (công dân về cách ly tại các cơ sở cách ly quân đội) với tần suất căn cứ theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương. Các chuyến bay sẽ chỉ được cấp phép sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất.
Giai đoạn 2 từ tháng 7, triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam có cách ly sau khi nhập cảnh cho cả công dân Việt Nam và nước ngoài (phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19). Các chuyến bay này trước mắt sẽ thực hiện trên các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.
Để thực hiện, hãng hàng không phải đệ trình kế hoạch bay phải bao gồm phương án tiếp nhận khách cách ly được phê duyệt của địa phương nơi có cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay. Mỗi chuyến bay định hướng bố trí hành khách nhập cảnh lưu trú tại 2 - 3 khách sạn để công tác giải tỏa khách được tập trung, nhanh chóng.
Ước tính, tổng số lượng chuyến bay hằng tuần có chở khách vào Việt Nam từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 24 chuyến bay/tuần với lượng hành khách cần cách ly là 6.000 - 7.000 hành khách/tuần.
Giai đoạn 3 khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc xin” (dự kiến từ tháng 9.2021, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vắc xin tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vắc xin đại trà trong xã hội), sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không cần cách ly sau nhập cảnh. Hành khách có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time PCR trong thời gian 3 - 5 ngày trước khi nhập cảnh Việt Nam và giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế do các cơ sở tiêm chủng được Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc hệ thống cơ sở tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với loại vắc xin phòng Covid-19 được Việt Nam công nhận tính hiệu quả, sẽ không phải cách ly tập trung.
Thị trường triển khai được xác định là các quốc gia/vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng dịch Covid-19 của cùng loại vắc xin mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi trong lãnh thổ Việt Nam. Tần suất ban đầu dự kiến 7 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.

Hàng không sẵn sàng, du lịch hào hứng

Ngay sau khi kế hoạch mở cửa các đường bay quốc tế được Cục Hàng không trình lên Bộ, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines - đã phát đi thông báo mở rộng kế hoạch khai thác thường lệ đến 4 đường bay quốc tế gồm Hà Nội - Narita (Tokyo, Nhật Bản), Hà Nội - Incheon (Seoul, Hàn Quốc), Hà Nội - Sydney và TP.HCM - Sydney (Úc), bắt đầu từ ngày 1.4 - 30.6. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng dự kiến triển khai các chuyến bay trọn gói từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Việc thực hiện những chuyến bay này phụ thuộc vào cấp phép của các cơ quan chức năng.
Trong khi hàng không đã sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi, ngành du lịch vẫn còn “chưa được chạm tới” bởi các đường bay quốc tế chủ yếu hướng tới chuyên gia có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam, đưa người Việt hồi hương hoặc ngược lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, nhận định những động thái mở cửa bầu trời một cách thận trọng chính là tín hiệu rất tích cực cho ngành du lịch.
Theo Cục Hàng không, khái niệm “hộ chiếu vắc xin” được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng dưới dạng một tài liệu mang theo người hoặc thông tin được công bố trực tuyến để xác nhận tình trạng đã được tiêm chủng của một cá nhân để cá nhân đó được tự do đi lại, thoát khỏi các yêu cầu cách ly sau khi nhập cảnh như các nước đã áp dụng thời gian qua.
Ông phân tích: Giai đoạn 1 theo phương án của Cục Hàng không giới hạn số lượng, triển khai ở quy mô nhỏ, sẽ là phép thử để đánh giá mức độ “nhập khẩu” người vào Việt Nam có tính ổn định cao hay không. Mọi công tác chuẩn bị bên trong sẽ được thử nghiệm, áp dụng thành thạo, làm tiền đề từng bước mở rộng đối tượng khách cho tới khi hoàn toàn an tâm để đón khách du lịch. Thái Lan, Singapore tuy đi trước Việt Nam trong việc triển khai “hành lang du lịch” song đều đã thất bại. Do vậy, lộ trình càng thận trọng, chắc chắn thì mở cửa du lịch càng ổn định.
“Đây chính là giai đoạn “vàng” để ngành du lịch chuẩn bị tốt nhất cả về nhân lực và sản phẩm, sẵn sàng rộng cửa đón khách, đột phá du lịch từ 2022”, vị này nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.