Rủi ro nghề quản thú - Kỳ 2: Chích thuốc cho cá sấu ly kỳ như phim kiếm hiệp

02/01/2014 09:05 GMT+7

(TNO) Câu chuyện chích thuốc cho cá sấu của các bác sĩ vườn thú ly kỳ hấp dẫn "như phim kiếm hiệp".

(TNO) Gắn bó với các loài thú, những bác sĩ chữa bệnh cho động vật ở Thảo Cầm Viên không chỉ có tấm lòng yêu thương thú mà còn phải đặc biệt nhanh nhạy và dũng cảm để hoàn thành tốt công việc. Câu chuyện chích thuốc cho cá sấu của các bác sĩ vườn thú cũng ly kỳ như phim kiếm hiệp.

Những người bạn của thú 7
Ống tiêm được gắn bánh lái để giữ thăng bằng

>> Vụ voi ở Đại Nam quật chết nhân viên: Hỗ trợ gia đình nạn nhân thêm 450 triệu đồng
>> Voi ở Đại Nam quật chết nhân viên vườn thú

Bác sĩ thú y "thổi phi tiêu"

Mỗi buổi sáng, đội ngũ bác sĩ thú y của Xí nghiệp động vật thuộc Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ xuống các chuồng trại để xem tình hình sức khỏe của các loại thú và tiêm thuốc cho chúng.

Chúng tôi theo chân bác sĩ thú y Nguyễn Bá Phú (30 tuổi) đạp xe đến chỗ chuồng cá sấu để chích thuốc cho một con cá sấu bị bệnh. Vừa dừng xe ngay gần hàng rào chuồng cá sấu, anh Phú quan sát và xác định vị trí con cá sấu bị bệnh. Một công nhân bắt đầu xuống hồ và xua các con cá sấu khác ra xa con bị bệnh để anh Phú tiến hành thổi thuốc.

Vừa bơm thuốc vào ống tiêm, bác sĩ Phú gắn cái bánh lái vào phía sau ống tiêm rồi luồn vào ống thổi bằng nhôm dài chừng 1,5m. Bác sĩ chọn chỗ con cá sấu ít để ý nhất để thực hiện thổi ống tiêm vào phần da mỏng của chúng, chẳng hạn như ở phía đùi sau, đùi trước, bả vai. 

Khi công nhân hút gần hết nước trong hồ, các con cá sấu cũng bị đẩy ra xa nhau, bác sĩ Phú léo lên bờ rào ngăn cá sâu với bên ngoài. Sau đó, anh giương ống thổi, mũi tiêm bay đi và "hạ cánh" chính xác lên phía đùi sau của cá sấu.

Anh Phú đùa: “Chúng tôi vừa làm bác sĩ vừa làm xạ thủ đấy”.

Bác sĩ 30 tuổi này chia sẻ, tiêm thổi khó nhất ở loài vượn vì nó hay nhảy từ cành này sang cành khác nên phải cần độ chính xác cao. Tầm bắn ống thuốc tiêm trong khoảng 10m nhưng khoảng cách tiếp cận 2m thì độ chính xác sẽ cao hơn.

Khổ như voi... bị táo bón

Đối với các loài thú dữ, các bác sĩ ở đây sẽ được công nhân trợ giúp lùa thú vào nhốt trong chuồng ép gài cửa cận thận rồi sau đó chọn địa điểm “núp” làm sao để ống tiêm cắm đúng vào thân của con thú đang bệnh.

Với những con vật to lớn và hung dữ thì việc chữa bệnh cho chúng rất gian nan. Anh Bùi Khắc Trung Trực (32 tuổi, làm việc hơn 5 năm ở Thảo Cầm Viên) kể về trường hợp con voi khoảng 58 tuổi bị táo bón. Lúc ấy, bụng voi phình to nhưng rất khó để tiêm thuốc vì lượng thuốc tiêm cho voi nhiều nên phải chích nhiều mũi, trong khi voi không đời nào chịu đứng yên để bác sĩ chích thuốc.

“Suy nghĩ mãi, chúng tôi phải trị táo bón cho voi bằng cách bôi trơn đường hậu môn và móc phân ra giúp chúng. Vì sợ voi có thể dùng chân đá nên chúng tôi phải cố định chân và đuôi voi, sau đó mới móc phân cho voi được”, anh Phú kể.

Thời điểm chúng tôi đến, các bác sĩ ở đây bắt đầu đưa một con vượn cái má vàng đã hết bệnh để thả về "gia đình" trên đảo cây của nó. Con vượn này bị gãy tay do hoảng loạn khi du khách đến xem đông. Bác sĩ đã mổ ra bắt ốc vít cố định lại xương. Con vượn cái má vàng này được điều trị ở khu thú y xá được 8 tháng thì lành bệnh và được trả về đảo cây. Các bác sĩ và công nhân ở đây phải nhốt nó trong chuồng riêng để quan sát thử con và chồng của nó có còn nhận ra nó không, để phòng những khi con vượn cái má vàng bị đánh thì nhanh chóng giải cứu.

“Phải lường trước tình huống nguy hiểm sau đó tìm cách xử lý rồi mới bắt tay vào làm. Nghề này không phải để chứng tỏ anh hùng, nghĩa là không thể đùa cợt trong lúc làm để tránh những tai nạn đáng tiếc”, anh Trực nói.

Những người bạn của thú 4
Ống tiêm được bỏ vào ống nhôm để thổi vào con thú 

Những người bạn của thú 5
Các bác sĩ phải chọn những chỗ con vật ít để ý để thổi ống tiêm được chính xác hơn

Thuốc uống cho động vật cũng là bài toán nan giải đối với các bác sĩ ở đây. Khó nhất là thú họ mèo vì mấy con này rất nhạy mùi nên các bác sĩ thú y ở đây lại phải khoét lỗ nhỏ trên miếng thịt rồi bỏ viên thuốc vào sau đó đắp thịt lại mới đưa cho chúng ăn.

Nhiều năm gắn bó với các loài vật sống ở đây, anh Trực thuộc làu đặc điểm của từng loài. Anh kể, đến mùa sinh sản, thú thường hay đánh nhau. Mùa lạnh các loại chim, gà hay ủ rũ nên phải tiêm thuốc tăng sức đề kháng. Với những con khó đẻ như hươu nai, các bác sĩ sẽ theo dõi sau hơn 3 tháng loài này mang thai quần ổ, khó chịu, bỏ ăn chứng tỏ chúng khó sinh. Lúc này, bác sĩ phải gây mê phẫu thuật để giúp lấy con của chúng ra.

“Làm nghề này phải quan sát nhiều và phải thật sự yêu động vật mới có thể gắn bó lâu dài. Phải đọc tài liệu thêm học thêm kinh nghiệm của các thầy, người đi trước, mới hiểu được nhiều loài, vốn có tập tính, cách thức nuôi dưỡng khác nhau”, bác sĩ Phú bộc bạch.

Còn anh Trực thì cho biết, thường việc chích thổi thuốc thường phải chọn nơi kín để che mắt thú tránh những lần sau thú nhớ mặt người chích sẽ phản ứng.

Thú chết, người xót xa

 
Tôi hứa mua xoài chín cho vượn ăn nhưng lu bu công việc nên quên mất sau đó nhớ ra đi mua xoài về thì vượn đã không còn ăn được, chỉ liếm liếm lên miếng xoài. Khi nó mất đi, tôi cứ thấy áy náy mãi
Giám đốc xí nghiệp động vật Phạm Diệp Ngân

Chị Phạm Diệp Ngân, Giám đốc Xí nghiệp động vật, trước đây cũng là bác sĩ thú ý, chia sẻ rằng biểu hiện bệnh đầu tiên ở các con vật có thể nhận biết là bỏ ăn. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là bệnh mà còn có thể là bỏ ăn sinh lý, nên bác sĩ thú ý phải bằng nhạy bén nghề nghiệp mới có thể chẩn bệnh chính xác cho thú.

“Làm bác sĩ có lẽ buồn nhất là chứng kiến bệnh nhân của mình tử vong. Với các loài vật ở đây cũng vậy, có những trường hợp các bác sĩ không thể cứu được và day dứt đến thời gian dài sau đó”, chị Ngân tâm sự.

Chẳng hạn như trường hợp con vượn cáo về Thảo Cầm Viên được nửa năm thì ăn ít dần. Đây là giống mới chăm sóc lần đầu tiên mà tài liệu thì không có. Các bác sĩ ở đây thấy vượn giảm ăn nên mỗi ngày ráng dỗ vượn ăn, uống thuốc bổ, ép trái cây lấy nước cho vượn nhưng nó vẫn chết.

“Tôi hứa mua xoài chín cho vượn ăn nhưng lu bu công việc nên quên mất sau đó nhớ ra đi mua xoài về thì vượn đã không còn ăn được, chỉ liếm liếm lên miếng xoài. Khi nó mất đi, tôi cứ thấy áy náy mãi”, chị Ngân kể.

Sau này, rút kinh nghiệm những đợt chữa trị loài này, các bác sĩ ở đây đã linh hoạt xử lý khẩu phần ăn và nuôi nhốt chúng trong môi trường có bạn.

Ngày trước có con hổ bị ung thư nướu răng nên xí nghiệp phải mời bác sĩ Bệnh viện Răng hàm mặt (TP.HCM) về khám. Sau đó phần ung thư được cắt bỏ nhưng do di căn nên con này cũng không qua khỏi.

Những người bạn của thú 6
Các em thiếu nhi đang xem một con công múa tại Thảo Cầm Viên - Ảnh: Hà Minh

Sau này, với các con vật đã già, ít khả năng sinh sản, các bác sĩ ở đây cân nhắc việc cắt buồng trứng để hạn chế con vật có thể bị ung thư cướp đi sự sống. Mới đây, phát hiện báo gấm bỏ ăn, ra dịch ở cơ quan sinh dục bất thường, các bác sĩ đã cắt tử cung, buồng trứng cho nó.

Chia sẻ về niềm vui trong nghề chữa bệnh cho động vật, bác sĩ Phú cho biết những cuộc đi cứu hộ thú và giúp nó sống tốt trong Thảo Cầm Viên là những niềm vui lớn mà công việc mang lại.

Cách đây hơn nửa năm, khi nhận được cuộc gọi từ Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng về trường hợp một con voọc chà và chân nâu (một loài được đưa vào Sách đỏ Thế giới) khoảng 2,5 tháng tuổi đang bơ vơ vì mẹ của nó đã bị bắn chết, các bác sĩ ở đây đã lên đường ra Đà Nẵng để đón voọc về chăm sóc. Đây cũng là trường hợp đầu tiên loài linh trưởng này được nuôi tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Sau thời gian được nuôi dưỡng tại đây, hiện tại con voọc này đã thích nghi tốt với Thảo Cầm Viên.

Chị Ngân cũng chia sẻ thêm, trước đây chị cùng đi trong đoàn cứu hộ thành công một con sếu đầu đỏ ở An Giang. Tuy nhiên, do sếu bị suy nhược cơ thể từ trước đó nên dù được các nhân viên Thảo Cầm Viên truyền dịch, sau đó đút cho sếu ăn, treo võng để sếu lên tập bay nhưng sáng hôm sau sếu đã chết cứng.

“Mỗi lần chứng kiến những con chim, con vật mình chăm sóc và yêu thương ra đi, ai trong chúng tôi cũng bàng hoàng và buồn lắm”, chị Ngân thổ lộ.

Hà Minh

>> Tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch ca cao
>> Vườn thú quốc tế tặng rùa Trung bộ cho VN
>> Bầy sói giết nhân viên vườn thú
>> Chó sói vồ chết nữ nhân viên vườn thú
>> Thú nuôi tại vườn thú từng chết vì gặp khách “quậy”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.