Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

27/10/2011 22:39 GMT+7

Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, việc nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này phát hành trái phiếu (TP) với lãi suất (LS) cao đang tiềm ẩn rủi ro cho cả người phát hành lẫn người mua.

Nhiều DN bất động sản đang vay vốn qua việc phát hành trái phiếu - ảnh: D.Đ.M

Đẩy lãi suất lên cao

Khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng, phát hành TP được nhiều DN lựa chọn. Để thành công, lãi suất TP được đẩy lên tới 22%/năm, cao hơn mức 17 - 19%/năm mà các ngân hàng dành cho những ngành nghề ưu tiên hay mức trung bình 20%.

Trái phiếu được phát hành với lãi suất càng cao càng mang tính rủi ro. Giống như kiểu chạy đua hút vốn bằng cách nâng lãi suất của các tổ chức tín dụng hay các cá nhân vay vốn tự do bên ngoài

Ông Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Có thể kể đến như Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) đã phát hành thành công 700 tỉ đồng TP có kỳ hạn 3 năm. LS kỳ đầu của SJS lên đến 22%/năm và các kỳ sau thả nổi, bằng LS tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng Techcombank + 6%/năm. Đây là loại TP có tài sản bảo đảm nhằm huy động vốn bổ sung cho hoạt động đầu tư các dự án của SJS.

Hay CTCP đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) cũng phát hành thành công 50 tỉ đồng TP với LS cố định 21,5%/năm. TP được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất thuộc dự án Khu chung cư cao tầng Mega và dự án Khu dân cư cao cấp Khang Điền Long Trường...

Theo ông Trịnh Hoài Giang - Phó chủ tịch Hiệp hội TP Việt Nam - những tuần qua TP Chính phủ phát hành không có người mua hoặc chỉ mua rất ít do LS chỉ từ 12% - 12,5%/năm cho kỳ hạn từ 3 - 5 năm nên không đủ hấp dẫn, không thể cạnh tranh với TP doanh nghiệp.

“Hiện các DN cực kỳ khó khăn về nguồn vốn, nhất là những DN trong ngành BĐS. Vì vậy việc DN huy động vốn qua kênh phát hành TP là dễ hiểu. Thường TP của DN phải có tài sản đảm bảo hoặc có ngân hàng bảo lãnh. Nhưng tài sản đảm bảo là BĐS hiện cũng khó giao dịch nên mức LS cao còn nhằm để bù đắp lại những rủi ro cho người mua”, ông Giang nói.

Rủi ro cho người mua

Nghị định 90/2011/NĐ-CP về việc phát hành TP doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.12.2011. Theo đó, DN phát hành TP phải theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn. Đối với phát hành TP để đầu tư, DN phát hành phải đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% trong tổng mức đầu tư của chương trình, dự án. DN phát hành TP phải có kết quả kinh doanh của năm liền kề trước đó có lãi theo báo cáo tài chính được kiểm toán. Riêng các đợt phát hành TP chuyển đổi phải cách nhau ít nhất 6 tháng...

Hầu hết các DN phát hành TP đều nhằm huy động vốn đầu tư cho các dự án BĐS. Nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường này chưa biết đến khi nào sẽ “tan băng”. Vì vậy rủi ro thanh khoản cho những khoản vay nợ của DN ngành này khi đến thời điểm đáo hạn cũng khá nhiều và khó dự báo được.

Theo ông Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - người mua TP của DN phát hành phải lưu ý kỹ đến việc TP có tài sản đảm bảo hay không. Nếu không thì cực kỳ rủi ro vì người mua chỉ có thể nhận lại được tiền sau các chủ nợ khác. Trong trường hợp TP có tài sản đảm bảo thì cũng phải xem xét hàng loạt vấn đề khác như: Tài sản đã được thế chấp vay vốn trước đó hay chưa; Giá trị của tài sản đảm bảo có đủ cho tổng giá trị số lượng TP được phát hành hay không? Cơ quan/tổ chức nào định giá của tài sản đó hay do chính bản thân DN định giá?

“TP được phát hành với LS càng cao càng mang tính rủi ro. Giống như kiểu chạy đua hút vốn bằng cách nâng LS của các tổ chức tín dụng hay các cá nhân vay vốn tự do bên ngoài. Một khi tài sản đảm bảo cho TP phát hành bị mất giá hay DN bị mất khả năng thanh toán thì rủi ro mất tiền của người mua khá cao. Đặc biệt việc giám sát các DN phát hành TP sử dụng vốn huy động có đúng mục tiêu và hiệu quả như thế nào vẫn còn khá lỏng lẻo”, ông Lê Đạt Chí nhận định.

Tương tự, ông Trịnh Hoài Giang cũng cho rằng để giảm thiểu rủi ro cho người mua, trị giá tài sản đảm bảo phải lớn hơn nhiều so với tổng trị giá đi vay của DN (là tổng trị giá TP phát hành - PV). Thông thường, các tổ chức tài chính hay ngân hàng mua TP DN sẽ có sự thẩm định kỹ hơn. Còn nếu bản thân người mua là những nhà đầu tư cá nhân, nếu LS khi DN phát hành TP quá cao thì cũng nên đặt dấu hỏi để tránh “tiền mất tật mang”. Ông Trịnh Hoài Giang nhận định: Ở các nước thường chỉ có DN lớn mới phát hành TP. Trong khi những DN nhỏ chỉ sử dụng nguồn vốn tự có cộng thêm phần vốn vay ngân hàng. Việc phát hành TP của DN ở VN hiện đang khá dễ dàng nên cần giám sát chặt chẽ để hạn chế tối đa những rủi ro từ việc này. 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.