Rừng rỗng ruột trên đảo Phú Quốc - Bài 2: Phá rừng bằng xe cơ giới

01/12/2009 00:59 GMT+7

Chiếc xe cơ giới lù lù xuất hiện trên con đường mòn chạy ngang qua khu vực rừng phòng hộ, dưới chân núi Hàm Ninh (tổ 6, ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh). Không bao lâu, chiếc xe ung dung ủi phẳng con đường gồ ghề. Tiện đó, nó bốc luôn hàng loạt cây trăm, chai, tràm bông vàng hàng chục năm tuổi “cản đường”... Mời nghe đọc bài >> Phá rừng chiếm đất

Dời cột mốc

Những cây bị bứng không hề mọc “mất trật tự” giữa đường, mà nằm trong khu vực đất rừng, trước sự ngạc nhiên cao độ của người dân địa phương. Chưa hết, cột mốc rừng phòng hộ cũng chẳng yên khi bị dịch chuyển, di dời sâu vào trong. Hậu quả của màn “thi công” này là nhiều cây rừng đổ ngã, nằm trơ gốc và một phần đất trở nên “sáng sủa” hơn. Có điều, đây là đất rừng.

Trước đó vài ngày, tại khu đất rừng rộng nhiều hecta này, một phụ nữ đã bị lực lượng kiểm lâm lập biên bản vì hành vi, nói theo ông Huỳnh Long Hải - Phó giám đốc Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Phú Quốc, “phát dọn dây leo quanh cây trồng trong đất rừng phòng hộ”. Tuy nhiên, khi vụ “phát dọn dây leo...” còn chưa được xử lý thì không lâu sau, cũng chính người này đã cho xe cơ giới vào với danh nghĩa “ủi lộ cho con em dễ đi học”, rồi “nhân tiện” ủi  luôn vào phần đất rừng.

 

Cây rừng bị ủi ngã tại khu vực rừng phòng hộ (ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh), nơi lãnh đạo xã nói là “không có cây” - Ảnh: T.Trình

Bức xúc trước cảnh tượng này, một cán bộ địa phương đã đưa chúng tôi đến khu đất rừng bị lập biên bản vì “dọn phát cây tạp” này. Tuy hành động chặt phá, theo một cán bộ kiểm lâm, đã bị đình chỉ trước đó nhiều ngày, nhưng khi chúng tôi đến, nhiều vết đứt trên thân cây vẫn còn mới, chứng tỏ việc phá hoại vẫn còn tiếp diễn. Trong khắp khu đất rừng này, hàng loạt những cây xoài, dừa... vừa mới được trồng xen kẽ với những khóm sim, cây tạp. “Không bao lâu, đất rừng trở thành... đất vườn của bà ấy mất”, một người bình luận.

Rõ ràng người ta đã ngang nhiên xâm phạm đất rừng, tàn phá cây rừng giữa thanh thiên bạch nhật, trước sự đau xót của người dân sở tại. Việc xâm phạm trắng trợn này không thể nói là “không hay biết” và “không ai nhận” như những người nhận lương để giữ rừng nói với chúng tôi.

Phải xử lý từ từ...

Khi chúng tôi đặt vấn đề trách nhiệm của người quản lý, bảo vệ rừng tới đâu khi để tình trạng xâm phạm đất rừng cứ diễn ra, đơn cử như trường hợp ủi đất rừng, trồng cây ăn trái tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh mà chúng tôi vừa đề cập, ông Nguyễn Trung, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Phú Quốc, cho rằng: “Anh em có phát hiện, có lập biên bản, có ngăn chặn chứ không phải không có. Nhưng phải xử lý từ từ, chứ đâu phải xử lý liền một lúc được... Phải có quy trình chứ đâu phải khơi khơi mình xử lý liền đâu”.

Không hiểu thời gian để đợi “quy trình”, đợi “xử lý từ từ” như lời của người có trách nhiệm giữ rừng phòng hộ trên đảo Phú Quốc là bao lâu và trong thời gian này họ quản lý đất rừng như thế nào mà lại tiếp tục để xe vào phá rừng; để rồi khi quần chúng bức xúc, báo tin, lực lượng này mới vào đình chỉ việc san ủi, cho xe ra (?!). Quanh chuyện xe cơ giới có thể đường đường vào khu vực đất rừng cũng khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi. Ông Nguyễn Long Hải cho biết, BQL có tiếp nhận đơn của ấp, của xã Hàm Ninh gửi lên xin cho làm đường, nhưng đơn vị này chưa cho.

Chúng tôi đem vấn đề này làm việc với những người có trách nhiệm tại xã Hàm Ninh, đơn vị được BQL rừng phòng hộ giao quản lý một diện tích đất rừng lớn trên địa bàn. Ông  Nguyễn Mạnh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã, xác nhận việc này “có ý kiến” của ông. Theo lời ông Tiến thì con đường đó trước đây rất xấu nên nhân dân đóng góp tiền, ấp, tổ có họp lại đề xuất cho ủi đường để xe bốn bánh vào được, cho học sinh đi học, và theo ông Tiến thì chỗ này cũng không có cây rừng. Khi việc đưa xe vào xâm phạm đất rừng bị phản ứng, ông Tiến lại chỉ đạo “thôi thì làm đúng thủ tục, để BQL rừng phòng hộ xem xét. Họ thống nhất thì làm, không thống nhất thì thôi...”. Thực tế là khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng trước sự làm ngơ của lãnh đạo xã, xe cơ giới vẫn được đưa vào ủi phá cây rừng.

Kinh phí để đưa xe vào “làm đường”, theo ông Tiến là do dân đóng góp. Nhưng ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ấp Rạch Hàm, lại khẳng định việc làm này không phải chủ trương của ai cả mà toàn bộ kinh phí “làm đường” do bà Nguyễn Thị Hồng (người phụ nữ được đề cập trên) bỏ ra, chứ không có sự vận động đóng góp nào của người dân trong ấp. Khi chúng tôi hỏi đến chuyện xe cơ giới đã vào ủi ngã cây rừng, ông Hùng tỏ ra ngạc nhiên: “Không biết họ có xin phép cấp trên hay không? Làm hay chưa tôi cũng chưa biết. Vì tôi có nói với cấp trên nếu họ làm thì báo với ấp để ấp cử người giám sát. Nhưng tới giờ tôi cũng chưa được báo”.

Những dấu hiệu bất thường trong vụ xâm phạm đất rừng này đã cho thấy thái độ giữ rừng của một số người có trách nhiệm với rừng trên đảo Phú Quốc là như thế nào. Điều này giải thích vì sao có tình trạng như lời ông Trưởng ấp Rạch Hàm là đất rừng cứ bị “bao chiếm, lấn chiếm hoài”.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.