Rưng rưng người mẹ dậy từ 4 giờ sáng cho dê ăn xong đi nghe tư vấn

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
10/04/2021 12:09 GMT+7

Dậy từ 4 giờ sáng để cho dê ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm những công việc nội trợ, sau đó chị Nguyễn Thị Loan di chuyển gần chục km để đến trường con mình nghe tư vấn.

Sáng nay 10.4, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường THPT Trương Định, Tiền Giang, không chỉ thu hút hàng ngàn học sinh mà còn có rất nhiều phụ huynh tạm gác công việc để đến tìm hiểu thông tin từ các trường ĐH.

Phụ huynh có mặt từ sớm đợi đoàn tư vấn

MỸ QUYÊN

Không muốn con mình “đi vào vết xe đổ”

Chị Đỗ Thị Loan nhà ở xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông có mặt từ rất sớm. Chị hồn hậu chỉ tay về phía học sinh, nói: “Con gái tôi ngồi ở dưới kia, học lớp 11/3, cháu tôi cũng ngồi gần đó, lớp 12/3. Nghe tin chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên hôm nay về trường tư vấn, con tôi nói “mẹ nhất định phải đi nghe để về còn biết thông tin trao đổi với con và cháu chứ”. Tôi ở quê, không hiểu gì về ngành học nên cũng theo con lặn lội tới đây nghe cho biết”.

Chị Loan đến sớm ngồi nghe tư vấn

Mỹ Quyên

Chị Loan kể sáng nay chị dậy từ 4 giờ sáng để cho dê ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm sẵn mọi thứ để có thể dành nguyên một buổi ngồi đây. “Con gái tôi dù đang học lớp 11 nhưng từ lâu cháu đã muốn theo đuổi ngành ngôn ngữ Anh hoặc quan hệ công chúng. Tôi cũng thấy cháu năng động, hoạt bát, hướng ngoại nên cũng động viên con nếu thích ngành gì thì sau này cứ đăng ký, tôi không muốn con gái mình lặp lại vết xe đổ của anh trai nó”, chị Loan trầm ngâm.
Được biết con trai lớn của chị trước đây học ngành điện tử của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng học được 3 năm thì bỏ ngang để đi học nghề thiết kế đồ họa. “Thì ra cháu thích làm hoạ sĩ vẽ tranh hoạt hình 3D, nhưng cháu lại không dám nói. Rút kinh nghiệm từ đó, tôi khuyến khích con gái mình phải chia sẻ với ba mẹ những suy nghĩ, mong muốn của mình, tránh chọn ngành mình không thích rồi lại bỏ dở rất tốn thời gian, tiền bạc và công sức. Nên cho dù nhiều lúc rất mệt mỏi, chúng tôi vẫn ráng lắng nghe con trò chuyện sau khi đi học về, để biết được con mong muốn gì, thích gì, đồng hành với con dù kiến thức của tôi không có nhiều”, chị Loan chia sẻ.

Được trực tiếp nghe nhiều thông tin bổ ích

Cũng có mặt từ rất sớm, chị Bùi Thị Bích Thy làm nghề buôn bán, tự nhận mình không có kiến thức cho nên hôm nay muốn đi đến tận nơi nghe để biết về các ngành nghề, trường học, mặc dù dưới sân trường con chị cũng đang ngồi nghe. Chị Thy cho biết: “Tôi ngồi nghe nãy giờ thấy thông tin các thầy cô chia sẻ rất bổ ích. Nhờ đó tôi biết muốn chọn ngành học phải căn cứ vào sở thích, năng lực chứ không phải chọn một cách không có căn cứ. Tôi còn biết thêm về học phí, bằng cấp, cơ hội việc làm... Chắc tôi sẽ để con tự quyết định chứ không ép buộc con phải học ngành nào”.

Phụ huynh vừa nghe vừa ghi chép thông tin

MỸ QUYÊN

Trong khi đó, một phụ huynh là giáo viên Trường tiểu học Tân Trung có cháu học Trường THPT Trương Định cũng ngồi ghi chép thông tin. Phụ huynh này kể lại: “Ba mẹ của cháu đi làm xa nên có nhờ tôi ở nhà đồng hành với cháu. Vì thế hôm nay mặc dù cháu có đi nghe tư vấn nhưng tôi cũng gác công việc để đến đây tìm hiểu thêm thông tin về ngành tiểu học và sư phạm hóa của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đồng thời muốn biết trường có tổ chức kỳ thi năng khiếu hay không. Tôi nhớ ngày xưa mình đi thi đại học khác nhiều lắm. Do đó để có thể chia sẻ với con, cháu trong việc thi cử, chọn ngành ngày nay thì nhất định phụ huynh phải tìm hiểu rất nhiều”.
Chị Loan cho rằng lâu nay chỉ nghe và đọc về các trường trên mạng, hôm nay được gặp trực tiếp các chuyên gia tư vấn đến từ các trường ĐH, “thấy tận mắt, nghe tận tai” những lời khuyên bổ ích nên chị rất xúc động. “Sau buổi này có lẽ tôi có thêm kiến thức để trao đổi với con chuyện chọn ngành, chứ lâu nay chỉ có con nói mình nghe thôi”, chị Loan vui vẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.