Rưng rưng người nhặt rác

05/11/2008 23:11 GMT+7

Bài 1: Nghề ve chai đang chết Hàng ngàn người dân sống bằng nghề đổ rác, lượm ve chai tại TP.HCM đang khốn đốn vì giá ve chai rớt thê thảm. 1 kg sắt vụn trước đây giá 7.000-8.000 đồng, nay chỉ còn 500 - 1.000 đồng nhưng cũng chẳng ai mua.

Bỏ nghề

Gần một tháng nay, hình ảnh chiếc xe đạp cõng những chiếc bao bố chứa đầy ve chai chạy trên đường phố TP.HCM cứ thưa dần, thưa dần. Với giao thông, đó là một tín hiệu mừng vì giảm đi một loại phương tiện hay chiếm dụng mặt đường và dễ gây tai nạn; nhưng với một bộ phận người lao động nghèo, đó là một điều không lành.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người nhặt ve chai đã phải bỏ nghề vì làm cả ngày mà không nuôi đủ bản thân. Nếu trước đây, một ngày lao động của những người nghèo này có thể kiếm được 50.000 - 70.000 đồng thì nay chỉ còn hơn 10.000 đồng, trong khi chi phí ăn, ở thì tiết kiệm lắm cũng gấp mấy lần
như vậy.

Chiều 1.11, chị Thu Hương (55 tuổi, quê Vĩnh Phúc) sau khi gõ cửa 3 vựa ve chai ở quận Gò Vấp nhưng không bán được bao hàng đã phải chở sang quận Bình Thạnh. Mặc dù xa đường, nghịch lối, nhưng chị cũng cố đi vì hôm nay là ngày cuối để đóng tiền thuê nhà, không thể thất hứa với chủ nhà thêm lần nữa. Tháng trước chị còn dành dụm được mấy trăm ngàn đồng, nhưng hôm kia đã phải cho đứa con đóng học phí. Qua tháng này dù đã làm hì hục nhưng đến cuối tháng vẫn chưa gom đủ tiền nhà.

Nghe hoàn cảnh của chị Hương, bà chủ vựa ve chai cầm lòng không đậu. Bà mở cửa cân hàng cho chị, vừa nói: "Không mua thì tội nghiệp chị, còn mua thì khổ cho tui vì bán ra có được đâu. Chị xem đó, ve chai chất bít cả nhà, hôi không chịu được. Bao nhiêu vốn liếng nằm trong đó. Cái đà này chắc chết...". Giao xong 2 bao hàng, lấy được 18.000 đồng bỏ vào "ruột ngựa", chị Hương đưa tay quệt mồ hôi trên mặt, rưng rưng: "Nếu không phải nuôi thằng con trai đang học đại học ở đây thì chắc tôi đã về quê lâu rồi".

 

Mớ giấy vụn này lời chưa được 2.000 đồng

Chị Hương cho biết, tiền thuê phòng cộng với tiền điện mỗi tháng chị phải trả 600.000 đồng. Tiền ăn hai mẹ con tiện tặn hết mức mỗi ngày cũng hơn 15.000 đồng, tính ra chi phí cố định mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, chưa kể tiền học hành cho con. Nhưng, với đà thu nhập kiểu này, số chi phí tưởng chừng như ít ỏi ấy (so với mức sống của thành phố) chị cũng kham không nổi. Phần lớn những người cùng nghề với chị Hương hoặc phải về quê hoặc chuyển sang phụ hồ để kiếm sống, còn chị phải tiếp tục bám víu nghề ve chai vì sức yếu, không thể làm việc khác nặng hơn.

Nhìn bóng chị Hương đạp xe khuất đi trong chiều tà mà lòng chúng tôi trĩu nặng, không biết chị có trụ nổi để nuôi đứa con đi hết quãng đường đại học?

Chị Hương chỉ là một trong những trường hợp lao đao vì nghề ve chai đang chết dần. Chúng tôi còn gặp thêm những người khác cũng định bỏ nghề, trong đó có trường hợp như chị Nguyễn Thị Huệ, 50 tuổi, đã gắn bó với nghề lượm ve chai gần 20 năm và từng có ý định sẽ theo nghề đến khi không còn đi nổi.

Chị Huệ đã quyết định thôi nghề khi 4 ngày qua kiếm được chưa tới 60.000 đồng. Cũng như những người đàn bà hành nghề mua ve chai dạo khác, đồng tiền chị Huệ kiếm được ngày một ít hơn trong khi giá gạo, rau thì không giảm...

Bao giờ qua cơn bĩ cực?

Chiều 2.11, trên đường Bình Long (Q.Bình Tân), gặp chúng tôi khi trời đổ mưa, chị Hường (quê ở Quảng Nam) không giấu được nỗi buồn. Chị lo cái đói sẽ ập đến bất cứ lúc nào nếu giá ve chai, phế liệu không tăng. Hơn 10 năm làm nghề, chị Hường thú nhận là chưa có khi nào gặp khó khăn như lúc này.

 
Một bao ve chai là kết quả của cả tuần lao động nhưng không đủ mua 10 kg gạo

Hằng ngày, chị Hường đi làm lúc 8 giờ sáng và về nhà lúc 7 giờ tối. Nghề thu mua ve chai, phế liệu trước đây sống được, một ngày chị Hường kiếm khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Nhưng gần một tháng nay, do giá mua phế liệu giảm mạnh nên số tiền kiếm được cứ ít dần, ít dần... 1 kg sắt vụn chị mua vào với giá 1.300 đồng bán ra 1.500 đồng, chỉ lời 200 đồng/kg. Mấy hôm nay, do giá ngày sau thấp hơn ngày trước, thậm chí có nhiều nơi không thu vào nên nếu lỡ không bán kịp thì coi như lỗ vốn. Vì thế, dù đi suốt cả ngày, chị Hường chỉ kiếm được 20.000 đồng.

Với số tiền như thế, chị phải thuê nhà trọ (dù ở khu ổ chuột nhưng cũng hết 150.000 đồng/tháng và phải ở tập thể với nhiều người), ăn uống, chi tiêu... Cơm thì ngay cả những quán bình dân chị cũng không dám vào, thay vào đó là những nắm xôi, ổ bánh mì nguội lạnh. Mấy hôm nay, chị phải dậy sớm nấu cơm nắm mang theo để lo bữa trưa. Hôm qua, sau một ngày trắng tay, chị cũng tính bỏ nghề nhưng chưa biết làm gì để nuôi con bởi phía sau những bước chân vất vả của chị là cuộc sống của 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Chị Thạch (nhà ở phường Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) cũng lâm vào hoàn cảnh như vậy. Chị cho biết: từ tháng 8 đến nay giá thu mua phế liệu cứ xuống từng ngày, thậm chí có nơi không mua phế liệu, khiến những người lao động như chị sợ toát mồ hôi. Chồng chị là thương binh mất sức nên chị là lao động chính trong nhà. May mắn hơn những người cùng nghề, chị Thạch có được căn nhà để chui ra chui vào.

Nhưng, phải nuôi chồng và con nên đồng tiền chị Thạch làm ra chẳng chút dôi dư, đứa con chị năm nay học lớp 9, mỗi tháng hết 400.000 đồng học phí, chưa kể bao nhiêu chi phí khác nên gia đình phải tiện tặn hết cỡ, bữa cơm hằng ngày chỉ có rau, đậu hũ, thỉnh thoảng mới cho con vài con cá, tí thịt... Với chị Thạch, động cơ lớn nhất khiến chị còn đeo bám nghề đến bây giờ là: "Đời tôi với ba nó khổ lắm rồi, phải cố gắng cày để vun đắp cho con. Hy vọng sau này con không phải lượm ve chai như mẹ nó hôm nay".

Chị Kiểm, 58 tuổi, quê ở Bắc Ninh, cùng chồng dắt díu 3 đứa con vào TP để mưu sinh, thuê một căn phòng nhỏ với giá 800.000 đồng/tháng, vợ đi mua ve chai, chồng đi phụ hồ, làm hết sức mỗi tháng cũng chỉ đủ tiền nhà, tiền chợ, không có tiền cho con đến trường.

Anh Thắng, chủ một vựa ve chai lớn ở Bình Tân cho biết tất cả các mặt hàng đều giảm giá từ 60 - 80%. Sắt lon trước đây 7.000 đồng/kg giờ còn 2.000 đồng/kg, sắt cây trước giá 9.000 đồng/kg giờ không ai mua, hàng nhựa trước 11.000 đồng/kg nay còn 2.500 đồng/kg.

Chị Lụa, chủ một vựa phế liệu khác nói: "Phải cắn răng để mua cho các chị vì tình cảm từ trước đến giờ. Nếu không, bao nhiêu bạn hàng thân tín không biết lấy gì để sống". Nhưng, mua rồi thì chị Lụa cũng chất vào kho chứ cũng chẳng bán lại được cho ai.

Chẳng ai trong số những người chúng tôi gặp có khái niệm rõ ràng về các thuật ngữ "kinh tế", "tài chính", "cung - cầu"... Họ chỉ biết làm nghề và xem đó là phương tiện thích hợp để mưu sinh. Tất cả những con người ấy đang "đuối dần" từng ngày, và dù muốn, dù không, họ cũng là một trong những nhân tố cấu thành xã hội...

Lê Anh Đủ - Trần Hà Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.