Ruổi rong nỗi nhớ Sài Gòn cùng Đào Thị Thanh Tuyền

02/02/2020 15:32 GMT+7

"Yêu nhiều lắm, không nói hết được. Mà, một phần nhỏ của cái sự yêu này nằm trong Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ". Đó là tâm sự của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền về cuốn sách mới của mình.

Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ, tạp bút thứ 2 về Sài Gòn của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa), sau Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu bolero (2012). Với chị, nơi đây không chỉ là một Sài Gòn hoa lệ mà còn là vùng đất đã cho chị cảm hứng để “xách ba lô lên và đi” khám phá, gặp gỡ, để rồi cuối cùng trở về với quê hương thứ hai này – Sài Gòn.

Một số tác phẩm đã xuất bản của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền: Đêm cuối năm (2002), Khánh Hòa – chuyện đất, chuyện người (2003), Chuyến xe chở cả mùa xuân (2007), Mảnh vỡ cuộc sống (2008), Ngày hôm nay là một món quà (2012), Thế hệ gối ôm (2017)…

Ảnh: NVCC

*Sài Gòn cho chị cảm hứng để “xách ba lô lên và đi”, còn đâu là cảm hứng để chị viết nên tạp bút này?
- Tác giả Đào Thị Thanh Tuyền: Gọi là viết một cuốn sách về Sài Gòn thì quá to tát để nói về những câu chuyện nhỏ mà tôi kể trong Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ, được viết phần nhiều trong 4 năm tôi trở lại sống ở Sài Gòn.
Từ 2015- 2018 là một trong những quãng ngắn khá khó khăn trong cuộc đời của tôi. Sau khi nghỉ hưu ở Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa năm 2014, tôi nhận làm quản lý chất lượng cho một công ty. Những tưởng cuộc sống bình yên như vậy ở thành phố quê hương với một công việc đúng chuyên môn (vì Nha Trang còn là nơi cho tôi nhiều cảm xúc để tiếp tục viết). Thế rồi, đùng một cái, tôi phải bỏ hết để vào Sài Gòn làm chỗ dựa cho một người. Xách va-li lên đường, dặn dò người ở lại, rằng ráng tự lo, con ở Sài Gòn đang cần mẹ trợ giúp.
Hành trang trở lại Sài Gòn của một người với tâm thế chưa bao giờ nghĩ là nơi chọn sống sau nghỉ hưu là tâm trạng nặng trĩu và khá hoang mang, không biết những ngày sắp tới thế nào, mình sẽ chiến đấu ra sao. Chỉ biết nhủ với lòng, không được bỏ cuộc và quan trọng là phải có sức khỏe.
Và Sài Gòn, những ngày sau đó là những bàn tay bạn bè, người thân đưa ra cho mình nắm lấy; đã cho tôi hòa nhập nhanh trở lại Sài Gòn.

Sách do NXB Lao động và Chibooks phát hành, tặng kèm 1 bộ postcard phong cảnh Sài Gòn của họa sĩ Pháp Jean-marc Potlet

Cuộc đời tôi từ nhỏ đến già, đúc kết lại, tôi luôn có một quyết tâm, biến nghịch cảnh thành... thuận cảnh, tìm cái may trong cái rủi. Bên cạnh việc mình phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho một người, tôi tự đề ra cho mình một mục tiêu nữa là tìm hiểu về Sài Gòn và viết những câu chuyện trên đường rong ruổi. Đó cũng là một cách tạo sự lạc quan để sống, chiến đấu cùng với con.
Trên con đường Sài Gòn lang thang ấy là nỗi nhớ Nha Trang, những chiêm nghiệm về những điều mình đã gặp, đã trải...
Vì thế, có thể thấy trong Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ không có ý nghĩ bi quan, không có nỗi buồn chán chường, không có ray rứt hay tuyệt vọng.
Xin phép nhại hai câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng: "Ta cứ ngỡ vào Sài Gòn chỉ một chốc/ Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay". Bây giờ tôi quyết định chọn Sài Gòn làm nơi định cư cho gia đình, mảnh đất nhiều yêu thương và rộng lòng với tôi cũng như với nhiều người. Và Nha Trang, xin giữ lại làm một chốn đi về.

Sài Gòn có những con người hiền hòa, những nơi chốn thanh bình mà chỉ khi đi bộ, đạp xe đạp hoặc ngồi lên một tuyến xe buýt nào đó là có thể gặp, có thể nghe, có thể tận hưởng hết được

*Sài Gòn trong mắt chị có những ấn tượng gì đặc biệt và khác lạ?
- Tôi vẫn thường nói với bạn bè đã từng sống ở Sài Gòn và đã lâu không trở lại nơi này, rằng nếu bạn đến Sài Gòn bây giờ tôi chắc chắn bạn sẽ bị lạc đường nếu không nhờ vào bản đồ Google vì Sài Gòn có quá nhiều thay đổi, đường mới, cầu vượt, phố mới, khu dân cư mới… Đó cũng là sự đổi mới tất yếu của một thành phố phát triển, gánh trên mình nhiều trách nhiệm về kinh tế, văn hóa, giáo dục... Gần như là một đầu tàu cho cả nước.
Tôi nhìn Sài Gòn qua con mắt của một người thường xuyên ngồi trên xe buýt, lang thang khắp nơi, nên Sài Gòn với tôi hơi bị nhiều những cảnh đời lam lũ, chật vật, kể cả những chuyện cảnh giác... Nhưng có một điều hay là dù thế nào thì Sài Gòn vẫn rất ấm áp tình người.
*Sài Gòn nghĩa tình, Sài Gòn bao dung, Sài Gòn văn minh…, đó là những “từ khóa” thường được nhắc đến khi nói về thành phố này. Còn chị thì sao, khi đã xem nơi đây là quê hương thứ hai?
- Với tôi, nền tảng của văn minh là tình người.
Tôi hay tưởng tượng, Sài Gòn như một con tàu há mồm mỗi ngày nuốt chửng vào lòng nó dòng người tuôn ra từ các bến xe, nhà ga, phi trường rồi nhanh chóng mất hút. Họ lẫn đi đâu trong dòng chảy hơn mười triệu dân của thành phố này? Ai cũng có công việc để đến Sài Gòn, và cái cách mà người dân Sài Gòn cư xử với khách cũng như cách khách đến biết trân trọng Sài Gòn, đó là phản ánh sự văn minh.
*Với phần 5, cuốn sách tập trung nhiều về Nha Trang-nơi chị đã sinh sống gắn bó gần 2/3 quãng đời. Ấn tượng về mảnh đất này với chị hẳn còn rất sâu đậm?
-Tôi sinh ra và lớn lên ở Diên Khánh (cách Nha Trang 10 cây số) rồi đi học ở Sài Gòn. Tốt nghiệp ra trường, tôi đi làm ở Sài Gòn 3 năm. Sau đó tôi về Nha Trang làm việc đến khi nghỉ hưu. Nha Trang là nơi khiến tôi luôn băn khoăn trong đầu câu hỏi: "Ra đi hay trở về?". Sự chọn lựa nào cũng có cái được này, mất kia. Trong thời gian hiện tại, Nha Trang tạm chọn là chốn đi về. Khi nào đi không nổi nữa, tính sau.
Tôi mong tìm lại một Nha Trang xanh, yên bình, dịu dàng như ngày xưa...
*Xin cảm ơn những chia sẻ của chị và chúc Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ được sự đón nhận của đông đảo bạn đọc!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.