Rượu say tuốt gươm múa

06/05/2010 23:57 GMT+7

Đệ nhất khoái của Tản Đà là được ăn ngon, uống rượu say khướt, bàn chuyện văn chương với người tri kỷ và rong ruổi đây đó... Hình như, chỉ còn thiếu những đường kiếm tuyệt kỹ nữa là ông trở thành một kiếm khách. Xin thưa... có luôn!

Tản Đà dạo mấy “đường gươm” mở đầu như thế này: “Từ khi về quê, đương ăn rau đổi ra ăn thịt (...). Bữa ăn nếu về phần ngày thời sau khi ăn xong tất phải có con dao thanh quắm đi chém phạt ít nhiều cành cây như không thế thời không thấy thú sướng...” (Trương Tửu - Uống rượu với Tản Đà, Đại Đồng thi xã, Hà Nội 1939). Cách đây gần một trăm năm mà có được những kiểu ăn như nhị thập bát tú, thất tinh đàn thì... chỉ thua ông Hoàng, bà Chúa!

Nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu, chúng ta hãy nghe Nguyễn Tuân kể về một “Tản Đà kiếm khách”... thứ thiệt: “Bây giờ mới đến chuyện ông Tản Đà múa kiếm. Hồi năm ngoái, tôi và mấy người bạn kéo nhau về làng Hà Trì ở gần tỉnh Đơ (*). Ông Tản Đà đã đính ước với chúng tôi gặp nhau ở đấy. Hôm chủ nhật, đánh chén. Gặp ông Tản Đà, thường bao giờ cũng lấy rượu ra làm đầu sai; nếu không đại yến được thì ít ra cũng phải tiểu ấm. Hôm ấy, thịnh soạn. Thi nhân khoe rằng vừa mới lĩnh được một món tiền nhuận bút. Thảo nào, rượu hôm ấy có mùi đảng sâm. Và sớm hôm ấy, tôi thấy được một ngày không có giờ. Trong lúc chủ khách thu ẩm, sự đời cứ chầm chậm, nhè nhẹ như cái hồi nước cổ Việt Nam chưa bị nhà nước Pháp tới ở, có những người tuổi tác vào lớp cha anh chúng ta, bữa ăn gỏi cá sinh cầm mất những một ngày một đêm. Đôi câu đối “Nhãn tiền nhất bôi tửu/Bách thế nhân hậu danh” (Trước mắt một chén rượu/Trăm năm người lưu danh - NV), do chủ nhân đề vào giấy hồng điều dán phủ lên cột nhà, đã có sức mạnh cám dỗ bọn tôi nên quên mọi cái băn khoăn ở đời, và lúc này chỉ nên say. Biết trước bữa ăn phải kéo rất dài cho nó hợp với phong tục trong túy hương, tôi nhỏ nhẻ, gắp rất chậm. Bao giờ cho tôi quên được con cá trắm nướng, mình dài đúng một thước ta nằm trên tàu lá chuối giữa bàn ăn. Thuận tay, tôi ngồi gỡ con cá nướng, trong ruột nhồi đầy những lá thơm tho. Tớp xong một hớp rượu có mùi khê khê, tay tôi gỡ cá ra từng mảnh nhỏ, miệng tôi nói với đám tiệc: “Trước khi gần Tần Thủy Hoàng để hành thích, có lẽ người Chuyên Chư học nướng cá mấy năm ròng ở đất Ngũ Hồ, cũng chỉ khéo đến thế này là cùng”. Cả bàn tiệc cười xòa. Ông Tản Đà giục mọi người cầm đũa: “Anh em mình ăn ngay cho nóng. Kệ lão ấy gỡ cá. Hắn có tài, thì hắn phải làm đầy tớ bọn ta. Sự đời thường vẫn thế! Hề hề...”. Lúc gần triệt soạn, tôi nằn nì với chủ nhân: “Người ta đồn cụ múa kiếm có nhiều đường đẹp lắm. Anh em hôm nay muốn được xem”.

Mỗi người một câu. Rút cùng, Phục - người con thứ thi sĩ - đã đưa cho cha một con dao phay. Nhưng trước khi bình thân, ông Tản Đà đã thét người nhà lấy mấy tấm liếp bằng cót che kín mặt trước nhà lại. Và đóng kín cả hai tấm cửa sổ ở phía sau nhà trông ra vườn nữa. Tôi đã hiểu thầm tại sao ông Tản Đà có sự cẩn thận này. Đấy là dớp sợ hãi của những năm Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục còn để sót lại trong người thi nhân. Cái sợ đó, cái cẩn thận đó là những cái lo lắng chính đáng của những nhà nho sống vào thời cụ Quận Thái Xuyên Hoàng Cao Khải, vào thời quan Khâm sai Lê Hoan, mà vẫn nhớ luôn là trong nhà mình có quyển sấm Trạng Trình, một cuốn binh thư và trong cái đòn ống gác bếp - vẫn có một thanh quất ép lưỡi vào cuốn sách tính số Thái Ất.

 
Nguyễn Tuân qua nét vẽ Trịnh Công Sơn

Trước khi múa kiếm, ông Tản Đà nghiêm trang như một võ sĩ sắp lên tỉ thí trên lôi đài, nói với mọi người: “Môn kiếm này của Tư Đạt truyền cho tôi”. “Tư Đạt?”. “Con ông Đô thống Thuật ấy mà. Ngày xưa, tôi năng tập, công phu lạ. Bỏ đã lâu lắm, chả biết bây giờ có đi được cả bài không. Ấy thế mà dù có nhớ, cũng khó mà đi hết được”. Trong gian nhà tối lờ mờ, mọi người nhận thấy một cái bóng trắng lượn múa trên hai bộ ngựa ghép sát lại. Ông Tản Đà mặc áo trắng dài. Cũng tiến lên, lùi xuống, bước đi gò theo một phép rất khắc khổ. Cũng múa trên, đỡ dưới. Chưa bao giờ tôi tập đánh kiếm. Nhưng hồi còn ở lao, có mấy người tù đàn anh đã đi cho tôi xem cả môn độc kiếm, cả môn song kiếm và giảng sơ sơ cho tôi về môn kiếm thuật. Căn cứ vào những nhời xa xôi ấy, tôi thấy ông Tản Đà hôm ấy múa tròn lắm, đường kiếm lúc nào cũng che kín người và có những đoạn loạn đả, ông Tản Đà có những miếng xả và tuốt cũng lợi hại lắm. Chả biết lúc thực sự phải cho đổ máu thì kiếm thuật ấy sẽ như thế nào, nhưng ở phút múa kiếm sau cơn rượu, tôi thấy thi nhân đẹp lắm. Và nhớ tới một cuộc bút chiến, ông Tản Đà đã lên án chém ông Phan Khôi mà tôi sợ. Tôi nhìn xuống nhà dưới thì ở khung cửa nhà ngang, bà Tản Đà đang thập thò với vẻ khiếp sợ rõ rệt.

Nghỉ múa kiếm, ông Tản Đà gọi thứ nam: “Phục ơi! Ờ, con bỏ quần áo vào va-li cho cậu. Chiều nay cậu ra Hà Nội”. Rồi quay lại phía chúng tôi, ông nói về chuyện kiếm: “Tứ phương, bát diện. Những lúc tứ diện thụ địch, những lúc hỗn chiến, thanh kiếm sát phạt đã nhiều lắm, chư hiền ạ”. Vẫn không quên sắp hành lý để trẩy ra Hà Nội, thi nhân bỏ vào va-li một cái nghiên mực, một đĩa son và một tập cổ thi. Cái va-li ấy là một chiếc va-li cũ kỹ đã bất cả khóa, chẳng khác gì cái va-li của một ông Đồ Nghệ mới ra Bắc làm thuốc. Say rượu, rồi múa kiếm; cất kiếm rồi hỏa tốc sắm va-li lên đường như là một khách không nhà, sao người ta lại không sống vào thời Trung cổ để làm một hiệp sĩ nhỉ? Chưa bao giờ tôi buồn một cách thi vị như buổi chiều hôm ấy.

Cái buổi chiều ấy là một buổi chiều ông Tản Đà khởi hành ra Hà Nội để rồi đi mãi mãi, đi... thẳng luôn vào lịch sử, của nước Việt Nam văn chương”... (Tao Đàn, số đặc biệt, trang 89-93).

Hà Đình Nguyên

(*) Tỉnh Hà Đông thời đó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.