Rút phép tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

20/01/2018 12:30 GMT+7

Theo Bộ NN-PTNT, nhiều tàu cá ở TX. La Gi (Bình Thuận) thực hiện chưa nghiêm việc đánh bắt thủy sản trên biển dẫn đến vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chế tài thiếu sức răn đe
Gia đình ông Nguyễn Tấn Trịnh (65 tuổi, ngụ P.Tân Tiến, TX. La Gi) có đến 2 tàu cá cùng với 4 người con trai đang bị nước ngoài bắt giữ. “Cả 2 tàu cá của tôi đóng gần 4 tỉ bạc giờ bị mất trắng, con cái thì còn bị giam giữ ở nước ngoài. Giờ không biết lấy tiền đâu mà đóng tàu tiếp”, ông Trịnh tâm sự.
Theo lãnh đạo Đồn biên phòng Phước Lộc, thống kê cho thấy ở TX. La Gi, từ năm 2011 đến tháng 8.2017 có tới 47 tàu cá với 388 ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ do vi phạm vi phạm vùng biển nước ngoài. Tính riêng trong năm 2016 có đến 20 tàu cá với 168 ngư dân. Năm 2017, con số này giảm mạnh nhưng vẫn còn 5 tàu cá với 38 lao động bị bắt giữ. Hiện còn 17 ngư dân chưa được hồi hương.
Ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch UBND TX. La Gi thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi phải đối mặt với sự thật này để tìm cách tháo gỡ. Cả thị xã tới gần 1.000 tàu thuyền, đóng góp từ nghề cá là rất lớn. Nếu bị ảnh hưởng từ việc vi phạm vùng biển nước ngoài thì sẽ bị thiệt hại rất lớn. Cho nên chúng tôi quyết tâm cao, bằng cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều biện pháp mạnh”. Tuy nhiên, ông Nhân thừa nhận trong thời gian qua việc chế tài hoặc các biện pháp xử lý của chính quyền là chưa đủ sức mạnh răn đe nên một số tàu cá tiếp tục vi phạm.
Trách nhiệm người đứng đầu
Theo ông Phạm Trọng Nhân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều tàu cá địa phương này vi phạm vùng biển nước ngoài như số lượng phương tiện tăng lên trong khi nguồn lợi thủy sản từ các ngư trường trong nước suy giảm. “Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân. Chúng tôi đã cho chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng biện pháp này chưa hiệu quả. Sắp tới sẽ đề nghị đồn biên phòng giám sát các tàu cá bằng cách buộc họ phải liên tục báo cáo tọa độ, vị trí của tàu mình đang đánh bắt ở đâu. Nếu vi phạm sẽ phải xử phạt và áp dụng nhiều biện pháp chế tài khác…”- ông Nhân cho biết.
Còn thiếu tá Nguyễn Viết Hóa, Phó trưởng đồn biên phòng Phước Lộc, cho biết những tàu cá vi phạm, khi trở về rất dễ “trắng tay”. Vì “Theo quy định những chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, khi trở về quê sẽ bị rút giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Chủ tàu phải tự bỏ tiền đưa bạn chài của mình về nước. Chưa hết, theo Luật Thủy sản mới, mức phạt cho hành vi vi phạm nêu trên lên đến 1 tỉ đồng”, thiếu tá Hóa cảnh báo.
Còn nhớ vào cuối năm 2017, khi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận tại TX. La Gi (địa phương có nhiều tàu cá vi phạm nhất tỉnh), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, đánh giá: “Bình Thuận thực hiện chưa nghiêm trong việc xử lý tàu thuyền vi phạm”. Ông Tám cho rằng chính quyền còn giao phó cho Bộ đội biên phòng và ngành nông nghiệp thủy sản, chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. “Nếu còn để xảy ra tình trạng này phải có chế tài, xử lý trách nhiệm người đứng đầu”, ông Tám phát biểu.
Trong kế hoạch triển khai Công điện khẩn 732 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị, bên cạnh việc tuyên truyền cần có biện pháp cứng rắn. Cụ thể, sẽ không cấp giấy phép thủy sản cho những tàu từng vi phạm; không cho đăng ký mới đối với các chủ tàu vi phạm và không hỗ trợ tiền dầu theo NĐ 48 của Chính phủ. Công điện 732 chỉ rõ tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài có dấu hiệu gia tăng gần đây. Cụ thể là các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre và Tiền Giang. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt chỉ đạo và có giải pháp chấm dứt tình trạng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.