Rút quân khỏi khu vực xung đột, Ấn Độ - Trung Quốc ca ngợi 'bước tiến đáng kể'

22/02/2021 16:29 GMT+7

Ngày 21.2, Ấn Độ cho biết các binh sĩ của nước này và Trung Quốc đã hoàn toàn rút lui khỏi khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng.

Giữa 2 quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân này từng nổ ra xung đột vũ trang tại khu vực biên giới hồi năm 1962 và kể từ đó luôn cáo buộc đối phương tìm cách vượt qua ranh giới, dù khu vực tranh chấp tại Ladakh chưa được phân định.
Xung đột mới nhất bùng nổ vào giữa năm 2020 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Khu vực xảy ra xung đột là thung lũng sông Galwan ở Ladakh, vốn mang ý nghĩa chiến lược quan trọng. Hôm 19.2, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ xung đột, Bắc Kinh xác nhận có 4 binh sĩ thiệt mạng.
Sau 9 vòng đàm phán quân sự cấp cao được tổ chức từ sau vụ đụng độ tháng 6.2020, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hồi tuần trước cho biết cả 2 bên đã đồng ý rút quân khỏi khu vực Hồ Pangong.

Xe tăng của quân đội Trung Quốc rời khỏi khu vực tranh chấp với Ấn Độ.

Chụp màn hình clip

Trong vòng đàm phán thứ 10 tổ chức hôm 20.2, Bộ Quốc phòng Ấn Độ ra tuyên bố chung với Bắc Kinh cho biết “2 bên đã đánh giá tích cực việc hoàn thành quá trình rút các binh sĩ ở tuyến đầu khỏi khu vực Hồ Pangong suôn sẻ”.
Ngoài ra, tuyên bố này nhấn mạnh “bước tiến đáng kể” tạo ra điểm khởi đầu để giải quyết các xung đột ở phía tây biên giới tranh chấp.
“Hai bên đồng ý tiếp tục giữ liên lạc và đối thoại, nhằm ổn định và kiểm soát tình hình trên cơ sở thúc đẩy nghị quyết chung giải quyết các vấn đề còn tồn đọng có thể chấp nhận được”, cũng theo tuyên bố trên.
Ấn Độ và Trung Quốc chia sẻ đường biên giới chung dài 3.500 km, và tranh chấp ở nhiều khu vực khác tại Ladakh, trong đó có Aksai Chin, hành lang chiến lược nối Tây Tạng với phía tây Trung Quốc kế bên thung lũng Galwan cũng như đường Naku La phía đông, nối bang Sikkim (Ấn Độ) với Tây Tạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.